Xi măng Cẩm Phả: Đổi tướng, chờ đổi vận

Theo Đầu tư chứng khoán

Liên tục thay tướng, cải tiến giải pháp kỹ thuật nhằm cắt giảm chi phí, tiêu hao nguyên vật liệu… CTCP Xi măng Cẩm Phả (CPC) đang xoay xở mọi cách để tình hình không xấu hơn, trước khi tìm được nhà đầu tư tham gia tái cấu trúc tài chính.

Tính đến hết năm 2012, CPC lỗ lũy kế khoảng 1.659 tỷ đồng
Tính đến hết năm 2012, CPC lỗ lũy kế khoảng 1.659 tỷ đồng
Có tổng mức đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng, công suất 2,3 triệu tấn/năm, là một trong những nhà máy có công nghệ tiên tiến nhất hiện nay song sau 3 năm hoạt động, tính đến hết năm 2011, CPC lỗ lũy kế 1.259,3 tỷ đồng, vượt so với Báo cáo nghiên cứu khả thi 670,9 tỷ đồng (chưa tính đến khoản lỗ chênh lệch tỷ giá ở thời điểm cuối năm 2011 là 304,5 tỷ đồng). Chỉ tính riêng năm 2011, CPC lỗ 486,1 tỷ đồng. Hoạt động theo hình thức công ty cổ phần, nhưng CPC chưa phải là công ty đại chúng, hiện nay Tổng công ty Vinaconex sở hữu tới 99,6% vốn tại CPC (tương ứng với 1.990 tỷ đồng). Cuối năm 2011, Vinaconex đã phải trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính vào CPC 586,09 tỷ đồng.

Thay tướng

Tháng 5/2012, ông Hoàng Xuân Vịnh, Phó tổng giám đốc CTCP Xi măng Hoàng Mai được mời về đảm nhận chức vụ Tổng giám đốc CPC. Đây là lần thứ 3, CPC thay tướng  trong vòng 3 năm hoạt động. Ông Vịnh là người có vài chục năm kinh nghiệm và rất am hiểu kỹ thuật trong ngành xi măng. Ông về CPC theo lời mời “quá nhiệt tình” của Vietel, một trong 2 cổ đông lớn của Vinaconex.

Chia sẻ lý do thay CEO của CPC,  một lãnh đạo của Vinaconex cho hay, hoạt động của Công ty vào thời điểm cuối năm 2011, đầu 2012 đang xuống dốc. Các chủ sở hữu của Công ty thống nhất thay đổi nhân sự cấp cao nhằm mục đích phanh lại sự xuống dốc, không để tình hình kinh doanh của CPC xấu đi, chứ cũng không kỳ vọng nhiều là sẽ tốt hơn.

“Chúng tôi hy vọng giữ nguyên hiện trạng của CPC để tìm được đối tác tái cơ cấu tài chính. Đây chính là điểm mấu chốt giúp CPC thoát lỗ”, vị lãnh đạo này chia sẻ.

Ngoài Tổng giám đốc, Ban điều hành có thêm một số gương mặt mới. Ngay sau đó, CPC đã tái cơ cấu toàn diện về quản trị,  quản lý, vận hành nhà máy, tiêu thụ sản phẩm… Công ty đã cải tạo một số hạng mục để sử dụng được nhiều loại nguyên liệu như than cám 4b, 5a bên cạnh loại 3c, 4a truyền thống nhằm giảm chi phí mỗi tấn than khoảng 1,5 - 2 triệu đồng. Với một loạt cải tiến về thiết bị, công suất nhà máy trước kia chỉ 80 - 85% đã được nâng lên 95 - 100%. Theo ông Vịnh, nếu như sản lượng năm 2011 đạt 1,595 triệu tấn thì năm 2012 là 1,716 triệu tấn, năm 2013 sẽ là 1,890 triệu tấn.

Nhờ linh hoạt trong chính sách bán hàng, xi măng do CPC sản xuất ra đến đâu tiêu thụ hết đến đấy, không có hàng tồn kho. Ngoài ra, CPC còn chú trọng đến kênh xuất khẩu, mở rộng thị trường sang châu Á, châu Phi, châu Mỹ, châu Âu, Trung cận Đông, mỗi tấn clanker xuất khẩu cho lãi thuần 160.000 đồng.

Giảm lỗ

Xét về hiệu quả hoạt động, CPC đã có sự cải tiến rõ rệt. Năm 2011, ebitda (lợi nhuận trước chi phí tài chính) của CPC đạt 450 tỷ đồng. Năm 2012, chi phí đầu vào tăng mạnh như than tăng giá 10%, điện tăng giá 10%, dầu tăng giá (ước chi phí đầu vào cho khoản mục nhiên liệu tăng 65 tỷ đồng), trong khi giá bán xi măng không tăng, thậm chí còn thấp hơn do thị trường khó khăn, các DN trong ngành cạnh tranh quyết liệt, Công ty vẫn duy trì được ebitda 460 tỷ đồng.

Tuy nhiên, dù có nỗ lực bao nhiêu chăng nữa, với khoản vốn vay đầu tư lên tới 3 tỷ yen, CPC không thể thoát cảnh thua lỗ. Năm 2012, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, CPC tiếp tục lỗ khoảng 400 tỷ đồng, chỉ giảm được khoảng 90 tỷ đồng so với năm 2011.

“Từ đầu năm, đồng yen giảm giá so với tiền đồng 20 - 30 đồng/yen.  Với khoản vay 3 tỷ yen, Công ty được lợi về tỷ giá khoảng 60 - 70 tỷ đồng. Tuy nhiên, do phân bổ trích lập rủi ro tỷ giá trong 5 năm, nên năm nay dù được lợi về tỷ giá, CPC vẫn phải phân bổ trích lập dự phòng cao hơn năm 2011. Ngoài ra, chúng tôi cũng phân bổ chi phí sửa chữa máy móc vào năm 2012 với tỷ lệ rất lớn”, ông Vịnh nói.

“Trong Công ty, từ lãnh đạo đến nhân viên các bộ phận, ai cũng lăn vào việc, cố gắng mày mò các biện pháp nhằm cải thiện dần dần, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, nhưng gánh nặng chi phí tài chính quá lớn, chỉ có thể giảm lỗ”, vị tổng giám đốc chia sẻ.

 Lối thoát

Nỗi buồn của CPC cũng chính là nỗi buồn lo của cổ đông lớn nhất, Tổng công ty Vinaconex. Năm 2012, Vinaconex phải trả nợ thay cho CPC số tiền lên tới 488,8 tỷ đồng, ngoài ra tiếp tục phải trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính vào CPC khoảng 960 tỷ đồng.

“Cả hệ thống Vinaconex làm quần quật 1 năm không đủ để gánh khoản lỗ của CPC. Ngay từ năm 2010, chúng tôi đã tuyên bố với Vinaconex, nếu không thoái được vốn tại CPC, chúng tôi sẽ thoái vốn tại Vinaconex và chúng tôi đã làm vậy”, lãnh đạo của Dragon Capital, quỹ đầu tư từng là cổ đông lớn của Vinaconex kể lại.

Để CPC hòa vốn và trả được nợ vay, con đường duy nhất có thể đi lúc này là tái cấu trúc tài chính cho DN, đồng nghĩa với việc Vinaconex phải thoái được vốn tại CPC. Theo đề nghị của tổng công ty này, Chính phủ cho phép họ được thoái tới 75% cổ phần tại CPC, mức đủ để nhà đầu tư tham gia tái cấu trúc thâu tóm DN. Vấn đề còn lại là tìm đâu ra nhà đầu tư lúc này?

Một trong hai cổ đông lớn nhất của Vinaconex nói: “Chúng tôi không quan tâm đến việc họ là nhà đầu tư trong nước hay nước ngoài, miễn sao họ có tiềm lực. Mục tiêu của hoạt động tái cấu trúc là để CPC tự sống được”. Điều này đồng nghĩa với việc nhà đầu tư vào CPC phải hỗ trợ trả bớt nợ cho Công ty, giảm gánh nặng chi phí tài chính. Mong ước này thật giản dị, song không dễ thực hiện và Vinaconex cần được hỗ trợ về mặt thủ tục để có thể sớm gọi được nhà đầu tư (nhiều khả năng chỉ là nhà đầu tư nước ngoài mới có đủ tiềm lực - PV). CPC và những ai quan tâm đến DN này đang hy vọng năm 2013, Công ty sẽ có cơ hội đổi vận.