Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hiện nợ xấu trong hệ thống ngân hàng khoảng 85.000 tỷ đồng, trong đó, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chiếm tỷ lệ đáng kể. Trước áp lực xử lý nợ xấu phải theo kịp tốc độ gia tăng nợ, vấn đề đặt ra là xử lý thế nào? Lâu nay, việc xử lý nợ xấu của DNNN chủ yếu “khoán” cho Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC). Thế nhưng, hiện DATC mới chỉ xử lý một phần rất nhỏ so nhu cầu xử lý. Thực tế, hoạt động tái cấu trúc DN thông qua xử lý nợ được DATC triển khai thực hiện mạnh từ năm 2006, nhưng đến nay nó vẫn là nghiệp vụ mới mẻ ở Việt Nam.

Sau gần 9 năm hoạt động, đặc biệt là từ năm 2006, khi phương thức tái cơ cấu DN thông qua xử lý nợ được DATC triển khai thực hiện đã mở ra một nghề kinh doanh mới, bước đầu tạo dựng một thị trường mới cho lĩnh vực xử lý nợ xấu tại Việt Nam. Tính đến nay, DATC đã xử lý được gần 8.000 tỷ đồng nợ tồn đọng, trong đó đại đa số là nợ được mua từ các ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước. DATC hiện đang đàm phán khoảng 5.000 tỷ đồng nợ xấu nữa để mua và tái cấu trúc hay hỗ trợ thực hiện cổ phần hóa cho nhiều DNNN gặp khó khăn tài chính như: Tổng công ty Dâu Tằm tơ, Tổng công ty xây dựng Đường Thủy, Công ty Thực phẩm Miền Bắc...

Bên cạnh đó, DATC đã thực hiện được 114 phương án mua bán nợ và tài sản theo phương thức thỏa thuận để thực hiện tái cơ cấu DN và xử lý tài sản, thu hồi nợ. Trong đó đã tái cơ cấu được 44 DN trên tổng số 73 DN cần tái cơ cấu. Việc mua bán nợ gắn với tái cơ cấu các DN không chỉ giúp phục hồi hoạt động cho DN, giải quyết vấn đề việc làm cho lao động mà còn giúp các NHTM xử lý nhanh nợ tồn đọng, nâng cao năng lực tài chính. Những kết quả trên tuy còn khiêm tốn so với số nợ của DNNN nhưng DATC đã chứng tỏ mình là một công cụ của Nhà nước hỗ trợ các DN khi có nhu cầu xử lý nợ tồn đọng, tái cơ cấu.

Tuy nhiên, để DATC tiếp tục nâng cao hơn nữa vai trò và hiệu quả xử lý nợ, tái cơ cấu DN trong bối cảnh hiện nay cần sự thông thoáng hơn nữa về chính sách. Thực tế, các chính sách thường có độ trễ so với yêu cầu cuộc sống và chính nhân tố này đang làm cản trở rất nhiều đối với hoạt động mua nợ, xử lý nợ gắn với tái cấu trúc DN. Điển hình như, quy định của Nhà nước yêu cầu DATC khi làm phương án tái cấu trúc DN phải nhận được 100% ý kiến đồng ý của các chủ nợ. Quy định này chỉ đúng về lý thuyết, chưa sát với thực tiễn.

Theo các chuyên gia kinh tế thì chỉ cần 65% hay 75% chủ nợ đồng thuận là được. Hoặc quy định về trả thuế và bảo hiểm xã hội (BHXH) nợ đọng, DN phải chấp hành nhưng khi tiền không có để trả lương cho lao động thì DN không thể trả được nợ thuế và BHXH. Vậy nên việc tính lãi phạt, lãi chậm trả và các biện pháp hành chính để thu nợ thuế, nợ BHXH sẽ gây khó cho quá trình xử lý nợ và tái cơ cấu đối với những DN này. Nếu cứ ép phải trả thì rất khó để DN vực lại sản xuất khi mà việc tìm kiếm nguồn tài chính để DN phục hồi đang là vấn đề nan giải. Bởi hoạt động mua nợ và tái cơ cấu DN có những đặc thù riêng nên rất cần những chế tài riêng phù hợp.

Trong Đề án Tái cơ cấu DNNN, một trong những giải pháp được Bộ Tài chính đưa ra là nâng cao năng lực, tính chủ động cho DATC. Đây là động lực hết sức quan trọng để tiếp tục phát huy vai trò của DATC trong xử lý nợ, tái cơ cấu DN. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cần sớm cụ thể hóa việc tăng lực cho DATC bằng cách tăng vốn điều lệ, nâng quy mô Công ty hiện nay lên thành Tổng công ty, tăng đầu mối thực hiện theo hướng tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị thành viên, trong đó có hướng lập thêm công ty cổ phần mua bán nợ... Song song với đó, cần sớm tạo lập một thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp tại Việt Nam bằng việc tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho thị trường này nói chung và cho DATC nói riêng.

Theo đó, cần ban hành thông tư hướng dẫn riêng c h o DATC trong việc t á i cơ cấu đối với các DN có giá trị thực tế thấp hơn các khoản phải trả khi thực hiện cổ phần hóa; Cần có quy định cụ thể về xử lý các khoản nợ xấu của các NHTM và các tổ chức tín dụng theo hướng tập trung bán nợ, khống chế thời hạn xử lý nợ, nếu quá thời hạn theo quy định thì phải bán theo giá của tổ chức thẩm định giá trung gian.

Trong trường hợp nguồn vốn DATC không đủ để thực hiện mua nợ gắn với tái cơ cấu DN thì đề nghị Nhà nước hỗ trợ vốn (có hoàn trả) cho DATC hoặc cho phép phát hành trái phiếu DATC (được định kỳ định giá lại) để thực hiện xử lý nợ...

Chỉ khi hình thành được một thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp, xã hội hóa hoạt động này, thì bài toán cởi bỏ nợ nần cho khối DN nói chung và DNNN nói riêng mới có lời giải trên diện rộng.

Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư 9/2012

Xóa bỏ lực cản, tạo lập thị trường

LƯU ĐỨC

(Tài chính) Trong khi Việt Nam chưa hình thành được thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp, công tác xử lý nợ chủ yếu vẫn đặt lên vai Công ty Mua bán nợ Việt Nam. Để đẩy nhanh xử lý nợ xấu, cần tạo lập thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp, tăng lực cho Công ty Mua bán nợ Việt Nam…

Xem thêm

Video nổi bật