Xóa bỏ rào cản hướng tới hỗ trợ doanh nghiệp thực chất

PV.

Mặc dù môi trường kinh doanh của Việt Nam đã có cải thiện tích cực nhưng trong bối cảnh phải chạy đua với khu vực và quốc tế cần xóa bỏ rào cản hướng tới hỗ trợ doanh nghiệp thực chất.

5 tháng đầu năm 2018 có 52.322 DN mới, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2017.
5 tháng đầu năm 2018 có 52.322 DN mới, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2017.

Đây là nhận định của các chuyên gia đưa ra tại Diễn đàn phát triển doanh nghiệp (DN) Việt Nam 2018, do Tạp chí Kinh tế và Dự báo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức ngày 19/6/2018 tại Hà Nội.

Số DN thành lập mới liên tiếp đạt kỷ lục

Tại Diễn đàn, bà Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, trong thời gian qua, quy trình khởi sự kinh doanh tiếp tục được đơn giản hóa nhằm giúp DN tiết kiệm thời gian và chi phí gia nhập thị trường.

Theo đó, kể từ năm 2017 đến nay, quy trình này bao gồm 8 bước và được hoàn thành trong khoảng 12 ngày làm việc, giảm 12 ngày so với năm 2016. Trong số các thủ tục hành chính thuộc quy trình khởi sự kinh doanh, đăng ký thành lập DN là một thủ tục đã có những cải cách đáng kể.

Trong các năm 2016, 2017, tình hình DN thành lập mới đã liên tiếp đạt kỷ lục về cả số lượng DN và số vốn đăng ký. Cụ thể, năm 2016 có hơn 110 nghìn DN với số vốn đăng ký là 891.094 tỷ đồng. Năm 2017 có gần 127 nghìn DN với số vốn đăng ký là 1.295.911 tỷ đồng.

Trong 5 tháng đầu năm 2018 có 52.322 DN mới, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2017 và tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2016. Số lượng DN quay trở lại hoạt động, DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, DN tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể và DN đã hoàn tất thủ tục giải thể không có nhiều biến động.

Bà Trần Thị Hồng Minh cũng cho biết, tỷ lệ số DN rút lui khỏi thị trường trên số DN gia nhập thị trường trong các năm 2016, 2017 lần lượt là 47,4% và 53,5%. So sánh với dữ liệu của một số quốc gia khác trên thế giới cho thấy, tỷ lệ trên của Việt Nam nằm trong giới hạn thông thường.

Theo đánh giá của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), trong 12 năm liền chỉ số gia nhập thị trường liên tục đạt điểm cao nhất trong các báo cáo Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Mặc dù số lượng DN thành lập mới liên tục tăng, nhưng việc triển khai công tác đăng ký kinh doanh hiện nay vẫn gặp nhiều khó khăn.

“Hiện khối lượng hồ sơ đăng ký DN đã tăng nhanh (năm 2017, khối lượng hồ sơ tăng 25% so với năm 2016 và tăng gấp 3 lần so với năm 2014), trong khi lực lượng cán bộ đăng ký kinh doanh tại các địa phương gần như không có thay đổi đã tạo áp lực công việc lớn cho các phòng đăng ký kinh doanh”, bà Minh chia sẻ.

Xóa bỏ rào cản hỗ trợ DN phát triển

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho biết, năm 2017, năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam tăng 5 bậc so với năm 2016 (từ vị trí 60 lên vị trí 55/137 nền kinh tế). Môi trường kinh doanh tăng 14 bậc, từ 82 lên 68/190 nền kinh tế. Đổi mới sáng tạo cải thiện 12 bậc, đạt thứ hạng 47/127 nền kinh tế.

Chỉ số nộp thuế và bảo hiểm xã hội tăng điểm và có cải thiện mạnh mẽ, hiện đạt vị trí 86/190 quốc gia theo xếp hạng Ngân hàng Thế giới (năm ngoái ở vị trí 167/190 quốc gia). Đặc biệt, Nghị định số 08/2018/NĐ-CP về cắt giảm điều kiện kinh doanh trong 9 lĩnh vực thuộc lĩnh vực công thương, cắt bỏ hàng trăm điều kiện kinh doanh, nhận được sự đánh giá cao của cộng đồng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế (VCCI) cho rằng, mặc dù môi trường kinh doanh được cải thiện nhưng cần phải có động lực mạnh mẽ hơn nữa. Trong Nghị quyết số 19/NQ-CP năm 2017, Chính phủ đã đặt mục tiêu đến hết năm 2017, các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh đạt trung bình của nhóm ASEAN- 4. Mặc dù môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc nhưng Việt Nam vẫn chưa thể lọt vào top 4 này.

Để đạt được mức trung bình ASEAN- 4, theo ông Phan Đức Hiếu, Việt Nam cần phải cải thiện thứ hạng hiện nay là 68 lên 40, tức là giảm 28 bậc, còn nếu muốn về mức trung bình ASEAN - 3 thì phải vượt lên top 20, tuy nhiên, đây là mục tiêu khá tham vọng.

“Cần xác định rõ thời gian là yếu tố và yêu cầu quan trọng hàng đầu với quá trình cải cách cũng như xác định việc xóa bỏ rào cản, vướng mắc cho DN chỉ là mục tiêu nhỏ, có tính chất ban đầu. Vấn đề chủ yếu là làm sao thúc đẩy DN ra đời, phát triển bền vững...”, ông Hiếu nhấn mạnh. 

Cũng theo ông Hiếu, vấn đề đặt ra là không chỉ cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh mà phải tạo ra sự đột phá hướng đến những mục tiêu thiết thực và hỗ trợ DN phát triển thực chất.