Xu hướng kinh doanh và cách xử lý rào cản trong doanh nghiệp

Theo thoibaokinhdoanh.vn

Hầu hết các doanh nghiệp (DN) đều nhìn nhận đổi mới là chiến lược, động lực và mục tiêu quan trọng trong sự phát triển. Cùng với đổi mới công nghệ, gắn kết nhân lực, các DN thành công luôn hiểu rất rõ về khách hàng và có chiến lược gắn kết, nâng cao sự trung thành của khách hàng, từ đó đã tác động tích cực đến kết quả kinh doanh.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Mới đây, Tổ chức Dale Carnegie đã tổ chức hội thảo: “Xu hướng chiến lược 2016”, công bố báo cáo kết quả một cuộc khảo sát nhằm khám phá xu hướng kinh doanh và hiểu sâu về cách xử lý rào cản mà các công ty đang áp dụng. Dale Carnegie đã tiến hành khảo sát hơn 500 lãnh đạo, quản trị DN lớn ở nhiều quốc gia.

“3 ngoài và 3 trong”

Bà Nguyễn Trịnh Khánh Linh - CEO của Dale Carnegie Vietnam, cho biết hiện có 6 xu hướng tiếp cận đổi mới chiến lược mà các DN đang áp dụng nhiều, được chia thành “3 ngoài và 3 trong”. Về đổi mới mang tính trải nghiệm ngoài thị trường, có 3 hướng chính. Cụ thể gồm:

Chủ động tìm hiểu nhu cầu khách hàng: Hơn 1/3 số DN được khảo sát đã lên kế hoạch xây dựng một hệ thống tích hợp để lấy ý kiến phản hồi của khách hàng, nhằm tìm hiểu điều gì đã thu hút khách hàng khiến họ quyết định mua hàng, cũng như điều gì sẽ khiến họ quay lại tiếp tục làm khách hàng trung thành.

Kết quả khảo sát cho thấy, 77% số DN trong năm 2015 đã chia sẻ rằng những nỗ lực nhằm nâng cao trải nghiệm của khách hàng với DN đã có những tác động lớn đến kết quả bán hàng của họ và trải nghiệm đó có thể khuyến khích khách hàng chi thêm đến hơn 175% ngân sách mua hàng so với trước đây.

Đổi mới công nghệ sản xuất: Những chủ DN được khảo sát chỉ ra rằng, đầu tư vào công nghệ là chiến lược chính giúp nhìn nhận những thử thách mà công ty đang gặp phải.

Phát triển đại sứ thương hiệu có năng lực nổi trội: Những đại sứ thương hiệu không chỉ đóng vai trò quảng báo sản phẩm, mà còn có thể nắm bắt và dự đoán được những nhu cầu của khách hàng.

Về đổi mới đối nội trong công ty, cũng xuất hiện ba hướng. Cụ thể là: đưa DN trở thành nơi làm việc lý tưởng, bằng cách tăng lương, thưởng, và nâng cao tinh thần làm việc, gắn kết nhân viên với DN; xây dựng văn hóa tổ chức, nhân lực chủ yếu dựa vào đào tạo và phát triển; đang xuất hiện xu hướng mới là linh động trong thời gian, địa điểm làm việc.

Có 30% số chủ DN trả lời khảo sát đã cho rằng họ ủng hộ định hướng gia tăng sự linh động trong địa điểm và thời gian làm việc, coi đây là một trong những cách thức để thu hút và gìn giữ nhân tài.

Đề cao tính trải nghiệm

Tại hội thảo này, nhiều doanh nhân đã chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc dẫn dắt DN đi lên, cùng thảo luận về các yếu tố tạo rào cản từ bên trong và bên ngoài tác động đến sự tăng trưởng và phát triển bền vững của DN.

Bà Hoàng Thị Mỹ Hạnh - Phó Tổng Giám đốc Vincom Retail (Vingroup), cho biết: “Nhiều năm làm trong tập đoàn bất động sản lớn ở Việt Nam, tôi đã học được nhiều từ quá trình làm việc vất vả và hy sinh rất nhiều. Đề cao tính trải nghiệm của khách hàng là bí quyết quan trọng của Vingroup”.

Sở dĩ bất động sản của Vingroup luôn bán chạy bởi yếu tố trải nghiệm rất cao. Khi nghĩ tới Vingroup, người ta nghĩ ngay tới việc đi mua nhà phải xếp hàng. “Khách hàng tại TP. Hồ Chí Minh còn xa lạ với Vingroup. Do đó, để mang trải nghiệm thú vị cho khách hàng, tất cả khách hàng tại TP. Hồ Chí Minh có dự định mua nhà của tập đoàn đều được mời tham dự chuyến chuyên cơ đi tham quan một số dự án mà Vingroup đầu tư ở các địa phương.

Khách hàng được chia sẻ về văn hóa, sản phẩm, lịch sử của tập đoàn và cho họ trải nghiệm ở Hà Nội, Nha Trang… Sau chuyến tham quan, hầu hết các khách hàng tại TP. Hồ Chí Minh đều trở thành “fan cuồng” của Vingroup”, bà Hạnh chia sẻ.

Ông Lê Duy Hưng - Phó Tổng Giám đốc phụ trách BPO Daiwa House Vietnam - một DN Nhật Bản tại Việt Nam, cũng chia sẻ những kinh nghiệm hay. Theo ông Hưng, hiện tại ở Việt Nam có 1.044 người có bằng tiếng Nhật, thì nhân sự ở Daiwa House chiếm 66 người. Trong khi đó, mức lương ở công ty chỉ ở mức vừa phải, không cao, dao động khoảng 12 - 13 triệu đồng.

Theo ông Hưng, văn hóa công ty chính là giá trị cốt lõi tạo nên bước đổi mới trong DN. “Daiwa House Vietnam đã cắt bỏ hoàn toàn các cuộc họp hành. Bên cạnh đó, công ty còn có bản “hiến chương nhân viên”, nội dung là những yêu cầu, quyền lợi của nhân viên đối với công ty và ngược lại”, ông Hưng cho biết.

“Sự tác động mạnh mẽ của bên trong, bên ngoài cùng một lúc sẽ tạo ra những thử thách rất lớn, dẫn đến sự mất ổn định và làm ảnh hưởng không nhỏ tới sự đổi mới trên cả phương diện khách hàng lẫn nhân viên. Điều này đòi hỏi DN cần có chiến lược đổi mới rõ ràng và hiệu quả để đương đầu với những thay đổi và vượt qua thử thách để tăng trưởng”, ông Hưng nói.