Tái cơ cấu doanh nghiệp: Bắt đầu tư hoàn thiện chính sách

Minh Hà

Nhận được nhiều "ưu ái" về mọi mặt và nắm giữ nhiều nguồn lực quan trọng của nền kinh tế, thế nhưng hiệu quả hoạt động cũng như những đóng góp của khối DNNN, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và trai trò. Đây là lý do căn bản buộc phải đẩy mạnh tái cơ cấu khối doanh nghiệp này. Và để việc tái cơ cấu thành công, khuyến cáo được nhiều chuyên gia đưa ra là bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt, cần phải có sự công khai minh bạch và hành lang pháp lý với những quy định chặt chẽ, khoa học trong quản lý, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp này…

Theo báo cáo của Ban đổi mới, phát triển doanh nghiệp (DN), trong giai đoạn 2006 - 2010, khối DNNN chiếm  tới  45%  tổng vốn đầu tư của khu vực DN nhưng chỉ đóng góp 28% cho GDP và 19% vào tăng trưởng GDP. Trong khi vốn đầu tư của  dân doanh chỉ chiếm khoảng 26% nhưng đã đóng góp tới 46% cho GDP và tăng trưởng GDP. Như vậy hệ số  ICOR (hệ số sử dụng vốn) ở khối DNNN luôn thường xuyên cao hơn 2-3 lần khối dân doanh. Không những vậy, mặc dù vấn đề việc làm là vô cùng quan trọng với một quốc gia có cơ cấu dân số trẻ như Việt Nam, thế nhưng đóng góp vào tạo ra việc làm mới của DNNN giai đoạn 2006-2010 lại giảm tới 13%; trong khi doanh nghiệp dân doanh tạo ra đến 85% việc làm mới. Đóng góp của khối DNNN cho ngân sách so với các thành phần kinh tế khác cũng rất kiêm tốn, giai đoạn 2006-2010 chỉ là 17,6%. Đặc biệt, mặc dù Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020 cơ bản trở thành một nước công nghiệp hiện đại. Thế  nhưng, nhìn lại nỗ lực "công nghiệp hóa" của khối DNNN là khá buồn. Theo đó, giai đoạn 2006-2010,  đóng góp cho tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp của khu vực DNNN giảm chỉ còn 22,5%, trong khi khối dân doanh tăng 43%.

Chưa hết, hầu hết các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đều hoạt động đa ngành mà không tập trung vào lĩnh vực chính. Thậm chí còn đầu tư vào những lĩnh vực đòi hỏi có chuyên môn sâu như: ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản... Thực trạng này chẳng những không làm tăng hiệu quả hoạt động mà còn đẩy các tập đoàn, tổng công ty đứng trước những nguy cơ rủi ro rất lớn. Nếu như vào năm 2005 khi chúng ta bắt đầu có các tập đoàn kinh tế Nhà nước đầu tiên thì tỷ lệ nợ/vốn  chủ sở hữu của các tập đoàn, tổng công ty chỉ là 2,6 lần, thì đến năm 2010 đã tăng lên tới 3,2 lần, trong khi với các công ty sản xuất nếu tỷ lệ này trên 3 lần đã là mức báo động. Tỷ lệ nợ tính theo % GDP của các tập đoàn nhà nước cũng đã tăng từ 21% năm 2005 lên gần 37% vào năm 2010.

Trong khi đó, theo số liệu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2010, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE)  trung bình của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là 16,5%, tương đương với lãi suất cho vay thương mại  phổ biến trên thị trường. Tuy nhiên đến 80% lợi nhuận của tất cả tập đoàn, tổng công ty nhà nước tập trung chủ yếu ở 4-5 tập đoàn lớn như  Tập đoàn Dầu khí (PVN), Tập đoàn Điện lực (EVN), Tập đoàn Than-khoáng sản (TKV), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT), Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) và nếu loại trừ các tập đoàn này thì còn lại hơn 90% số còn lại chỉ chiếm 20% lợi nhuận.

Theo báo cáo của Ngân hành Nhà nước, tính đến hết tháng 9/2011, tổng số nợ của các DNNN tại các ngân hàng lên đến trên 415.000 tỉ đồng, tương đương 16,9% tổng dư nợ tín dụng. Theo Bộ Tài chính, có đến 30/85 tập đoàn và tổng công ty có tỉ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu trên 3 lần, đặc biệt có 7 tập đoàn và tổng công ty có tỉ lệ trên 10 lần...

Trước những con số này, đã có nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí đòi “xóa sổ” DNNN. Thế nhưng, cần được nhìn nhận khách quan và thấu đáo. Rõ ràng đây là  dư nợ tín dụng nói chung chứ không phải là nợ xấu không có khả năng thu hồi. PGS. Đặng Văn Thanh cho rằng cần phân tích những khoản nợ mà các tập đoàn và tổng công ty đang vay, khoản nào là bình thường, khoản nào không có khả năng trả. “Chúng ta phải đánh giá cụ thể khả năng tài chính của từng DN. Còn việc DN không có vốn mà đi vay để kinh doanh là bình thường. Chỉ lo ngại là các DN đi vay ngắn hạn để đầu tư dài hạn. Còn kinh doanh đến mức không có khả năng thanh toán, hoạt động thua lỗ là điều không hay cho kinh tế, vì dù là vốn đi vay hay vốn của Nhà nước thì cũng là vốn của người dân, của toàn xã hội” - ông Thanh nói.

Bức  tranh  toàn  cảnh  của  các DNNN thời gian qua đã cho thấy sự  yếu kém của khối DN này. Và để trở thành  lực lượng dẫn dắt thị trường, dẫn dắt nền kinh tế đúng như mục tiêu đã được Đảng, Nhà nước  đặt ra, không còn cách nào khác phải tái cơ cấu khối DNNN. Và muốn tái cơ cấu thành công cần phải thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá khách quan những tồn tại, hạn chế trong khối DN này.

Theo các chuyên gia, cơ cấu DNNN hoạt động kinh doanh hiện nay chưa hợp lý, có khoảng cách khá xa giữa chính sách và triển khai thực hiện. Kết quả của quá trình cơ cấu lại DNNN đến nay mới chỉ dừng ở mức độ giảm số lượng nên chưa có ảnh hưởng rõ rệt đến cơ chế phân bổ nguồn lực Nhà nước, tái cấu trúc ngành nghề và hiệu quả hoạt động của khu vực DNNN.

Điểm chung trong kết quả thua lỗ của Vinashin và Vinalines là sai phạm trong quản lý và điều hành. Theo PGS.,TS Đặng Văn Thanh, ở tầm vĩ mô, việc cơ quan Nhà nước đóng vai trò kép - vừa là chủ sở hữu các doanh nghiệp, vừa là cơ quan quản lý - rất dễ tạo nên tình trạng một số cơ quan Nhà nước bị thao túng, người quản lý cậy quyền làm trái, rất khó giám sát. Do vậy, vấn đề phân định rõ quyền sở hữu được xem là gốc của mọi vấn đề.

Theo TS. Lê Vinh Triển - Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, trước hết cần phải xác định rõ chủ sở hữu của loại DN này không phải là Nhà nước mà chính là toàn dân. Hai chữ “nhà nước” trong DNNN đã vô tình che mất những người sở hữu - nhân dân này. Điều này rất cụ thể cả về góc độ tài sản công ty (tài sản quốc gia - của dân) và vốn đầu tư. Vốn đầu tư DNNN hình thành từ ngân sách nhà nước - chính là nguồn thu từ trong dân. Như vậy, DNNN không phải do một ai làm cổ đông mà tất cả người dân trong một nước chính là cổ đông công ty. Vì thế, DNNN có thể được xem như một công ty cổ phần mà sở hữu vốn rất phân tán. Như vậy, sự yếu kém của DNNN có thể có nguyên nhân từ việc người dân không biết rằng họ là chủ sở hữu DNNN nên không thực hiện quyền kiểm soát của mình để làm áp lực lên giới quản lý như trong công ty cổ phần. Tuy là chủ sở hữu DNNN, người dân không có quyền bầu hội đồng quản trị (HĐQT) hay Ban giám đốc. Đồng thời, chủ sở hữu không có được sự lựa chọn là có tiếp tục bỏ vốn vào DNNN hay không, Vì không rõ ràng trong quan hệ sở hữu - lãnh đạo - quản lý nên những người lãnh đạo hay quản lý sẽ làm việc không vì mục tiêu của người sở hữu và không bị kiểm soát. Không giống công ty cổ phần, cả hai thành phần HĐQT và BGĐ trong DNNN rất giống nhau và phần lớn là các viên chức được bổ nhiệm (không phải do dân bổ nhiệm). Thật ra, ở đây người dân đã ủy quyền cho Chính phủ và Thủ tướng. Thủ tướng lại ủy quyền cho người đại diện, do vậy người dân vẫn có thể thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua người đại diện. Do vậy, hoàn thiện cơ chế người đại diện là vô cùng quan trọng. Cùng với đó, xác định lại và xác định rõ chủ sở hữu là điều tiên quyết để giải quyết bài toán DNNN.

Đến lượt HĐQT và Ban giám đốc DNNN, theo TS. Triển, hiện nay họ là những công chức theo nhiệm kỳ nên thường sẽ làm việc theo tư duy nhiệm kỳ và đối tượng mà họ làm hài lòng không phải là cổ đông - nhân dân (vốn rất mơ hồ) mà là những người đã bổ nhiệm họ (vốn rất cụ thể). Vì thế về mặt bản chất, lợi ích cổ đông rất khó được đảm bảo và vì thế, DNNN khó lòng phát triển được. Ông Triển đề xuất: Các cá nhân được bổ nhiệm (làm HĐQT) sẽ không là công chức nhà nước, phải gắn bó và chịu trách nhiệm với sự tồn tại và phát triển của DNNN. Họ có trách nhiệm bổ nhiệm BGĐ đủ tài và tâm huyết để phát triển công ty. Ít nhất Ban giám đốc nên được chọn theo quy luật thị trường, họ phải là những người có kỹ năng quản trị kinh doanh chứ không phải là các công chức chỉ biết cung cúc tận tụy với người bổ nhiệm mình, và là người dứt khoát không được liên quan đến HĐQT.

Ngoài việc phân rõ sở hữu, nhiều ý kiến cũng cho rằng các tập đoàn, tổng công ty chỉ có vai trò nhất định trong việc thực hiện chính sách công nghiệp ở những lĩnh vực tư nhân chưa thể hoặc không muốn làm. “Nếu tiếp tục coi DNNN là công cụ điều tiết vĩ mô thì việc tái cơ cấu khó lòng thành công”, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cảnh báo. Sứ mệnh của các DN này tóm gọn là ở các lĩnh vực mà chỉ Nhà nước mới có thể cung cấp như quốc phòng, an ninh, cũng như một số ngành đặc thù, hay trong giai đoạn ươm mầm, nơi các DN ngoài quốc doanh chưa để mắt hoặc chưa đủ năng lực đảm đương. Bên diễn đàn Quốc hội, ông Trần Du Lịch cũng nêu quan điểm: “Không nên tập trung nguồn lực đầu tư vào các tập đoàn, công ty nhà nước nữa. Rất tiếc, đề án tái cơ cấu kinh tế mà Chính phủ trình Quốc hội mới chỉ đưa ra cái khung, mới ở dạng ý tưởng chứ chưa hẳn là đề án đầy đủ. Điều quan trọng, không phải chỉ xác định phát triển ngành gì mà còn là làm cách nào, dựa trên nguồn lực nào”.

Vấn đề quản trị yếu kém cũng được xem là nguyên nhân yếu kém của các DNNN trong thời gian qua. Theo TS Nguyễn Tú Anh, Phó trưởng ban Nghiên cứu chính sách kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), quản trị ở các DNNN đã trở thành vấn đề cực kỳ nghiêm trọng. Vì dòng vốn đổ vào cho các tập đoàn này đã không kiểm soát được. Lỗ mà không ai biết, đến khi vỡ ra rồi, mới hay.

Để đánh giá tình trạng tài chính của DN khỏe hay yếu, có hai chỉ tiêu xem xét là tổng số nợ với tổng số tài sản. Nếu như tổng số nợ chiếm 50% tổng số tài sản thì DN đó lâm vào tình trạng không bình thường, còn khi nợ chiếm 90% tổng tài sản thì DN lâm vào tình trạng phá sản.

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Biên, phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (TKV), cho rằng việc DN phải vay vốn khi đang có những dự án là đương nhiên bởi khó có DN nào đủ vốn làm tất cả. Dù số tiền vay của TKV đã lên tới trên 20.000 tỉ đồng, ông Biên khẳng định tình hình tài chính của TKV hiện đang tốt và nếu có vay 20.000 tỉ đồng thì cũng không phải là nỗi lo quá lớn, bởi doanh thu một năm của tập đoàn này đang ở khoảng 100.000 tỉ đồng. Ông Biên cũng cho biết trong thời gian tới để đáp ứng nhu cầu phát triển, đặc biệt là đáp ứng nhu cầu tăng sản lượng cung ứng than cho nền kinh tế, TKV sẽ phải tiếp tục tăng vay để đầu tư. Các khoản vay đều phải được sử dụng đúng mục đích và đảm bảo hiệu quả đầu tư.

PGS. Đặng Văn Thanh chia sẻ, những sai phạm vừa qua như ở Vinalines, Vinashin chỉ được phát hiện khi cơ quan thanh tra tiến hành thanh tra là do cơ chế chưa thật sự minh bạch. Hiện nay gần như không có cơ chế tài chính - kế toán cho các tập đoàn và tổng công ty, trong khi các “ông lớn” rất phức tạp, kinh doanh đa ngành, đan chéo, dọc có ngang có.

Chính vì vậy, báo cáo tài chính hợp nhất, xử lý tài chính nội bộ lúng túng, nói sai cũng được, nói đúng cũng được. Lỗ hổng này cơ quan quản lý đã nhìn ra từ vài năm nay nhưng không xử khi chưa thấy nổi lên ung bướu. Cho đến khi phát hiện thì ung thư đã di căn, con bệnh quật xuống đã gây thiệt hại lớn. “Ngay cả những khoản chi tiêu lên đến hàng ngàn tỉ đồng mà bộ phận kế toán không hay, không có vấn đề mới lạ. Để chấn chỉnh tình trạng này, tới đây hệ thống kiểm soát nội bộ tập đoàn cần phải được thiết lập vì đây là hệ thống “cầu chì”, ví như hệ thống điện, nếu không có cầu chì thì nhiều thiết bị điện sẽ hư hỏng” – PGS. Thanh nói.