Tái cơ cấu doanh nghiệp: Nhìn từ Công ty cổ phần Mía đường Sơn La

PV.

(04-01-2012 9:26:41)TCTC Online - Năm 2011 này, trong điều kiện thị trường hàng hóa và thị trường chứng khoán nói chung gặp nhiều khó khăn, nhưng với các cổ đông của Công ty cổ phần Mía đường Sơn La, niềm vui như được nhân lên khi Công ty quyết định chia cổ tức 25% - một "hiện tượng" hiếm trên trên thị trường chứng khoán trong giai đoạn hiện tại. Công sức lao động, trí tuệ và đồng vốn của Nhà nước và người lao động bỏ ra đã thật sự được sinh sôi, đơm hoa kết trái trên vùng đất Tây Bắc Tổ quốc.

Cùng chúng tôi đi thăm và trao nhà tình nghĩa do Công ty cổ phần Mía đường Sơn La tặng đồng bào nghèo bản xa vùng nguyên liệu mía xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Sơn La Hoàng Văn Chất cho biết: Nhà máy đường Sơn La - tiền thân của Công ty cổ phần Mía đường Sơn La ngày nay - là một Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) được thành lập theo Chương trình CNH, HÐH nông nghiệp, nông thôn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng của tỉnh Sơn La. Là một DNNN được đầu tư quy mô và bài bản, Nhà máy đường Sơn La được thành lập không những có nhiệm vụ góp phần giải quyết tái định cư cho các hộ gia đình trong quá trình xây dựng Thủy điện Sơn La, mà còn là niềm hy vọng, niềm tự hào của cả tỉnh về phát triển công nghiệp tại Sơn La.

Xác định rõ: Cây mía là một trong bốn cây trồng chính của tỉnh (chè, mía, cà-phê, dâu tằm) nhằm xóa đói, giảm nghèo, Ðảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La đã đầu tư xây dựng nhà máy với tổng mức vốn là 127 tỷ đồng năm 1997. Sau khi xây dựng, để nâng cao tính đồng bộ trong sản xuất, UBND tỉnh Sơn La lại quyết định đầu tư chiều sâu với tổng mức đầu tư thêm gần 40 tỷ đồng. Tuy được đầu tư bài bản nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, từ khi thành lập đến năm 2006, qua chín vụ sản xuất, doanh nghiệp (DN) liên tục bị lỗ, và khoản lỗ lũy kế tính đến ngày 30-6-2006 đã lên tới con số gần 247 tỷ đồng, nợ vay lũy kế hơn 356 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu 240 tỷ đồng.

Với thực trạng tình hình tài chính như trên, Công ty Mía đường Sơn La không đủ điều kiện để tiến hành chuyển đổi hình thức sở hữu, do đó chỉ còn chờ đợi tiến hành thủ tục phá sản. Chính thời điểm đó, sau khi nhận thấy vai trò, vị trí, tầm quan trọng và khả năng thực tế của DN, Bộ Tài chính đã sử dụng Công ty Mua bán nợ để thực hiện việc vực dậy và tái cơ cấu DN. 

Tổng Giám đốc Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) Phạm Thanh Quang cho biết, để chuyển đổi sở hữu Công ty Mía đường Sơn La, DATC đã sử dụng một hệ thống giải pháp đồng bộ. Cùng với việc xử lý và tái cấu trúc tài chính, công tác tái cấu trúc quản trị DN và tái cấu trúc tổ chức, bộ máy được thực hiện đồng bộ, hình thành thế "kiềng ba chân" trong việc tái cấu trúc DN. Sau khi được DATC xử lý việc âm vốn chủ sở hữu cùng nhiều vấn đề yếu kém về tài chính khác, Công ty Mía đường Sơn La đã chuyển đổi thành công sang hình thức công ty cổ phần. Sau công đoạn tái cấu trúc đầu tiên và quyết định này, công cuộc tái cấu trúc Công ty cổ phần Mía đường Sơn La chính thức được mở rộng theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu bằng các quy trình tái cấu trúc quản trị doanh nghiệp và tổ chức bộ máy.

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Sơn La Trần Văn Thành cho biết, trong quá trình tái cấu trúc nâng cao hiệu quả quản trị DN, đáng chú ý nhất là việc lựa chọn cổ đông chiến lược cho công ty cổ phần mới được thành lập. Với thực trạng khó khăn của DN lúc đó, các đối tác chiến lược của Công ty cổ phần Mía đường Sơn La phải đáp ứng được nhiều tiêu chí cơ bản như: Có năng lực tài chính, cung ứng nguyên vật liệu, có kinh nghiệm xây dựng và phát triển ngành mía đường, có khả năng về khoa học và công nghệ, kỹ thuật sản xuất, có trình độ quản trị DN, quản lý công nghệ và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm, gắn bó lợi ích lâu dài với DN.

Với những tiêu chí đó, DATC mời được Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn - một DN hàng đầu trong ngành công nghiệp mía đường Việt Nam - và Công ty Thực phẩm Miền Bắc tham gia góp vốn cổ phần. Số cổ phần còn lại, DN phân phối tới người lao động trên cơ sở tôn trọng quyền lợi của người lao động trong DN và người trồng mía trong vùng nguyên liệu của nhà máy. Việc làm này đã tạo nên sự gắn kết trách nhiệm và quyền lợi của người trồng mía với nhà máy, từ đó bảo đảm sự ổn định cho vùng nguyên liệu mía, tạo dựng và duy trì niềm tin với các hộ trồng mía. Việc phát hành cổ phiếu cũng đã giúp DN tăng thêm vốn để đầu tư cho hoạt động sản xuất, kinh doanh (SX - KD). Kết quả là ngay sau vụ sản xuất đầu tiên năm 2007 - 2008, Công ty hoạt động ổn định, có hiệu quả, DN đã thực hiện thành công kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 50 tỷ đồng lên 70 đến 80 tỷ đồng, có điều kiện tài chính để mở rộng quy mô sản xuất.

Bên cạnh việc sắp xếp, cơ cấu lại tình hình tài chính, để hoạt động có hiệu quả, bộ máy quản lý, đội ngũ lãnh đạo của DN cũng được cấu trúc lại để phù hợp hơn với điều kiện SX - KD của DN. Việc kiên quyết thay thế nhân sự kể cả những lãnh đạo cấp cao của DN, nhưng không toàn tâm toàn ý với DN, trở thành lực cản cho quá trình cổ phần hóa... đã khiến cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn, công nhân kỹ thuật... được thanh lọc, tăng cường cả về chức trách nhiệm vụ, cả về nghiệp vụ chuyên môn, đủ sức đáp ứng yêu cầu phát triển DN trong giai đoạn mới. Với những cố gắng đó, chỉ sau hơn một năm được cổ phần hóa, tình hình tài chính của Công ty đã được cải thiện rõ nét, hoạt động SX - KD có hiệu quả, với tổng diện tích vùng nguyên liệu mía đạt 3.216 ha, tổng sản lượng mía đưa vào chế biến đạt 204 nghìn 858 tấn, năng suất bình quân đạt 64 tấn/ha, tổng sản lượng đường sản xuất 20.493 tấn, sản lượng mật rỉ 8.400 tấn, công suất ép bình quân đạt 1.700 tấn/ngày, tổng doanh thu đạt hơn 141 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 5,7 tỷ đồng, nộp ngân sách 6,5 tỷ đồng và chia cổ tức năm 2008 là 8%. Công ty cổ phần Mía đường Sơn La đã khẳng định là một DN chuyên về lĩnh vực sản xuất và chế biến đường với thị trường ổn định, hệ thống đại lý và hệ thống khách hàng lớn, khẳng định thương hiệu đường Sơn La trên thị trường.

Công ty cổ phần Mía đường Sơn La trải qua bốn năm hoạt động theo mô hình mới, SX - KD liên tục ổn định, đạt lợi nhuận khá: năm 2010, với tổng doanh thu đạt 168,797 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 26 tỷ đồng, tỷ lệ chia cổ tức đã tăng lên 15%, nộp ngân sách Nhà nước (NSNN) 12,4 tỷ đồng, thu nhập của người lao động đạt gần bốn triệu đồng/người/tháng. Công ty cũng đã tiến hành trồng lại và phát triển thêm được 1.143 ha nguyên liệu mía (tăng 14,3% so năm 2009). Tính tới hết tháng 10-2011, Công ty đã sản xuất và tiêu thụ hết gần 14 nghìn tấn đường, tổng doanh thu 368 tỷ đồng (bằng 123% so kế hoạch năm), lợi nhuận sau thuế đạt 30,3 tỷ đồng (bằng 115% so kế hoạch năm), nộp NSNN 15 tỷ đồng. Theo kế hoạch năm 2012, trong điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế, Công ty vẫn đặt ra những mục tiêu tăng trưởng cao hơn năm 2011 với tổng doanh thu dự kiến 536 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế  32,5 tỷ đồng, tỷ lệ chia cổ tức đạt từ 20 đến 25%, nộp NSNN 19 tỷ đồng, diện tích vùng nguyên liệu mía tăng từ 3.054 ha lên 4.430 ha.

Qúa trình tái cấu trúc DNNN Mía đường Sơn La đã mang lại hiệu quả cao khi không chỉ hồi sinh một DN được xây dựng từ nguồn vốn NSNN mà còn tiếp tục vận hành tốt trong cơ chế thị trường. Ðó cũng là sự khích lệ để thời gian tới, Công ty tiếp tục phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ lên 68 tỷ đồng và đưa toàn bộ chứng khoán của Công ty vào giao dịch trên sàn chứng khoán tập trung.