Tái cơ cấu mạnh mẽ doanh nghiệp Nhà nước

Theo QĐND

Một trong những vấn đề mà dư luận xã hội đặc biệt quan tâm trong thời gian gần đây là chuyện thua lỗ và sai phạm của nhiều doanh nghiệp Nhà nước, điển hình là Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin), Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Tập đoàn Sông Đà,... Đảng và Nhà nước ta đã sớm nhận ra những bất cập trong tổ chức các doanh nghiệp Nhà nước và đã từng bước chấn chỉnh, tái cơ cấu… Thế nhưng một số người đã suy diễn rằng “Kinh tế nhà nước không thể giữ vai trò chủ đạo”, và rằng “đã đến lúc xóa sổ doanh nghiệp Nhà nước”…

Kinh tế Nhà nước là khái niệm khá rộng, nó không chỉ bao gồm các doanh nghiệp nhà nước mà còn có rất nhiều nguồn lực quan trọng khác như tài nguyên quốc gia (trong đó có tài nguyên đất), ngân sách nhà nước, vốn nhà nước đầu tư vào các doanh nghiệp khác (ngoài doanh nghiệp nhà nước), dự trữ nhà nước...

Các quốc gia trên thế giới đều coi trọng phát triển kinh tế nhà nước, đặc biệt là khi nền kinh tế suy thoái, khủng hoảng. Chính phủ Mỹ, Nhật Bản không phải chỉ một lần mà đã phải xuất dự trữ nhà nước nhiều lần để mua cổ phiếu nhằm cứu vãn một số doanh nghiệp. Tại những nước tư bản phát triển nhất, kết cấu hạ tầng cũng vẫn phải do nhà nước đảm nhận xây dựng và vận hành. Nước Mỹ chắc chắn chẳng bao giờ rao bán NASA và các nhà máy điện hạt nhân cho các nhà tư bản dù các nhà tư bản này thừa tiềm năng để mua nó và vận hành…

Tại Việt Nam, đường lối, chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam và pháp luật của Việt Nam luôn khuyến khích, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế cùng phát triển. Thế nhưng Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác không thể kỳ vọng nhiều vào các doanh nghiệp tư nhân trong nước hoặc nước ngoài đầu tư phát triển các ngành kinh tế như kết cấu hạ tầng kỹ thuật, cung ứng những hàng hóa và dịch vụ công ích.

Vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế nhiều thành phần mà Đảng Cộng sản Việt Nam xác định đã được khẳng định qua thực tiễn. Trong kinh tế nhà nước có doanh nghiệp Nhà nước là lực lượng nòng cốt bảo đảm kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết nền kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Thực tế ở Việt Nam hiện nay, khó tìm được doanh nghiệp tư nhân nào có thể bỏ tiền nâng cấp và làm mới các tuyến đường giao thông ở vùng sâu, vùng xa bởi vì họ không thể thu hồi được vốn. Khi thiên tai xảy ra, khó có doanh nghiệp tư nhân nào có thể cứu hộ, trợ giúp được cả một địa phương, một khu vực?

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, hiện nay, trong thành phần kinh tế nhà nước, đã có không ít doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước gặp khó khăn, làm ăn kém hiệu quả. Vẫn có những doanh nghiệp nhà nước không những không nuôi nổi người lao động của mình, mà còn luôn đòi Nhà nước cứu trợ để bảo đảm sự tồn tại; một số doanh nghiệp khác thì liên tục thua lỗ...

Thế nhưng, không thể chỉ nhìn một số doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả mà đánh giá toàn bộ doanh nghiệp nhà nước và kinh tế nhà nước Việt Nam yếu kém. Các tập đoàn lớn như: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT), Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel)… vẫn đang là những nguồn đóng góp quan trọng nhất cho ngân sách Nhà nước. Ngay trong ba tập đoàn và tổng công ty Nhà nước được xếp vào yếu kém nhất (Vinashin, Vinalines, Sông Đà) vẫn có những công ty con là doanh nghiệp Nhà nước hoạt động hiệu quả. Thực tế trong năm 2011 và 8 tháng đầu năm nay, trước tình hình nền kinh tế vô cùng khó khăn, đại đa số các doanh nghiệp trong quân đội vẫn duy trì được năng lực sản xuất và nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục tăng trưởng, bảo toàn và phát triển được vốn Nhà nước, góp phần củng cố quốc phòng. Một số doanh nghiệp quân đội đã vượt qua khó khăn, phát triển vững chắc trong năm nay như: Tập đoàn Viễn thông Quân đội, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, Tổng công ty Trực thăng Việt Nam, Tổng công ty 36, Tổng công ty Lũng Lô, Tổng công ty 319, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội…

Đặc biệt, các doanh nghiệp nhà nước đã có những đóng góp thiết thực để Chính phủ bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế và tăng cường an sinh xã hội theo mục tiêu đề ra. Tất cả các huyện nghèo nhất của Việt Nam đều có các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các ngân hàng của nhà nước nhận đỡ đầu, hỗ trợ.

Trước những khó khăn, bất cập của kinh tế nhà nước, đặc biệt là việc sai phạm của một số doanh nghiệp Nhà nước, Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đã có những quyết sách đúng đắn. Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020 do Đại hội Đảng lần thứ XI thông qua đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn 2011-2020 là tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước. Trước đó, vào tháng 2-2010, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 42/2009/QH12 của Quốc hội về việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020, Chính phủ đã xây dựng Đề án “Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015”. Đề án này mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Mục tiêu của đề án là để các doanh nghiệp nhà nước có cơ cấu hợp lý hơn, tập trung vào ngành, lĩnh vực then chốt, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội và quốc phòng, an ninh, làm nòng cốt để kinh tế nhà nước thực hiện được vai trò chủ đạo, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng, điều tiết nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô.

Mới đây nhất, vào ngày 6-9-2012, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8-2012, các thành viên Chính phủ đã thảo luận về Đề án “Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, bảo đảm vai trò chủ đạo của nền kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Phạm vi của Đề án tập trung vào tổng kết quá trình đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước góp phần bảo đảm vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta trong giai đoạn từ năm 2001 đến nay, làm cơ sở đề xuất những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và các định hướng giải pháp đổi mới cho 10 năm tới. Đề án đã nêu lên các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu là hoàn thành cơ bản quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước; nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Đổi mới cơ chế để doanh nghiệp Nhà nước có cơ chế quản trị hiện đại theo thông lệ quốc tế. Thực hiện đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp Nhà nước. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả phương thức lãnh đạo của tổ chức Đảng ở doanh nghiệp Nhà nước.

Như vậy, không phải Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam không nhìn nhận ra các hạn chế, yếu kém của các doanh nghiệp Nhà nước như một số người đã có ý kiến. Trái lại, chúng ta đã nhìn nhận đúng thực trạng và đề ra các giải pháp để chấn chỉnh, tái cơ cấu đưa các doanh nghiệp này vào đúng quỹ đạo phát triển. Không thể “xóa sổ” doanh nghiệp Nhà nước ở Việt Nam.