Tái đàn chăn nuôi bảo đảm nguồn cung thực phẩm cuối năm: Chú trọng quản lý tốt dịch bệnh

Theo Ngọc Quỳnh/hanoimoi.com.vn

Còn hơn 3 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Sửu - 2021, nông dân ở các huyện của thành phố Hà Nội đang tập trung tái đàn vật nuôi phục vụ nhu cầu thực phẩm tăng cao của người dân Thủ đô vào dịp năm hết, Tết đến. Tuy nhiên, trước nguy cơ bệnh Dịch tả lợn châu Phi tái phát, người chăn nuôi cần thận trọng và phải quản lý tốt dịch bệnh khi tái đàn lợn, tăng quy mô đàn gia cầm.

Trang trại của gia đình ông Khổng Văn Hưng (xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn) tập trung tái đàn lợn, góp phần đáp ứng nhu cầu thực phẩm tăng cao của thị trường dịp cuối năm.
Trang trại của gia đình ông Khổng Văn Hưng (xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn) tập trung tái đàn lợn, góp phần đáp ứng nhu cầu thực phẩm tăng cao của thị trường dịp cuối năm.

Tăng tốc độ tái đàn...

Ông Khổng Văn Hưng ở xã Phú Minh (huyện Sóc Sơn) cho biết: "Hiện nay, trang trại của gia đình có 300 con lợn nái và hơn 1.000 lợn thương phẩm, dự kiến trong thời gian tới tăng thêm 500 con lợn thương phẩm để phục vụ dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu. Nếu giá thịt lợn duy trì ở mức 65.000-70.000 đồng/kg, người chăn nuôi sẽ có lãi".

Còn bà Phạm Thị Minh ở xã Phú Túc (huyện Phú Xuyên) cho hay: "Tôi đã nhập 200 con gà về nuôi, nếu thuận lợi dự kiến đến thời điểm Tết Nguyên đán Tân Sửu có thể bán ra thị trường với giá 80.000-90.000 đồng/kg, thì sẽ thu lãi hàng chục triệu đồng".

Tại các huyện Quốc Oai, Ứng Hòa, Thanh Oai, Ba Vì…, người chăn nuôi cũng đang đẩy nhanh tốc độ tái đàn. Theo Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Thanh Oai Hoàng Anh Tuấn, để bảo đảm nguồn cung thực phẩm, nhất là mặt hàng thịt lợn, ngay từ quý II-2020, huyện đã hướng dẫn người chăn nuôi tái đàn gia súc, gia cầm. Đến nay, riêng đàn lợn của huyện là 34.800 con, tăng gần 3.000 con so với quý I-2020.

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, thời điểm này, tổng đàn gia cầm của thành phố đạt khoảng 40,1 triệu con (tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2019); tương tự, đàn lợn đạt gần 1,4 triệu con (tăng 40%); đàn bò có 134.500 con (tăng 1,3%)… Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết: Với khả năng sản xuất như hiện nay, thịt gia cầm cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng, còn thịt bò chỉ đáp ứng khoảng 15%... Nhu cầu thịt lợn của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu ước tính khoảng 22.300 tấn/tháng nhưng hiện thành phố mới sản xuất được 18.800 tấn/tháng, dự báo sẽ thiếu hụt nguồn cung. Sở NN&PTNT Hà Nội đang phối hợp với các địa phương đẩy mạnh việc tái đàn; đồng thời liên kết với các tỉnh, thành phố để bảo đảm nguồn cung thịt lợn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô.

... Nhưng phải bảo đảm quản lý dịch bệnh 

Việc tái đàn gia súc, gia cầm đang được đẩy mạnh nhưng vấn đề đặt ra hiện nay là với tình hình bệnh Dịch tả lợn châu Phi cũng như một số bệnh trên gia súc, gia cầm đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ, việc này phải đi đôi với tăng cường kiểm soát dịch bệnh. Hiện tại, bệnh Dịch tả lợn châu Phi đang phát sinh ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tại các huyện Chương Mỹ, Đông Anh, Thường Tín, Phú Xuyên và Thanh Oai. Ngành chăn nuôi, thú y địa phương đã tăng cường hướng dẫn vệ sinh chuồng trại, cung cấp địa chỉ con giống bảo đảm chất lượng cho nông dân...

Trao đổi về việc này, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Hồ Việt Hùng cho biết: Thực hiện mục tiêu đến hết năm 2020 tăng đàn lợn lên 88.500 con (tăng 51,4% so với năm 2019), cùng với việc quan tâm đến khâu giống, Sóc Sơn hỗ trợ 100% kinh phí mua thuốc sát trùng chuồng trại cho 4.300 hộ chăn nuôi lợn; hỗ trợ 100% kinh phí xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh gia súc, gia cầm. Huyện cũng triển khai nhiều giải pháp nâng cao khả năng kiểm soát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, nhất là với bệnh Dịch tả lợn châu Phi.

Để hỗ trợ người chăn nuôi tái đàn, kiểm soát tốt dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ thông tin: Ngành Nông nghiệp đã tham mưu với thành phố có chính sách hỗ trợ 5 triệu đồng cho các trang trại mua lợn giống về tái đàn; hỗ trợ thuốc sát trùng, tổng vệ sinh tiêu độc môi trường, đồng thời tăng cường kiểm tra việc tái đàn, bảo đảm đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. “Với các hộ nhập đàn không khai báo, nếu để xảy ra dịch bệnh đề nghị chính quyền địa phương xử phạt nghiêm”, ông Chu Phú Mỹ nhấn mạnh.

Việc đẩy mạnh tái đàn gia súc, gia cầm là đòi hỏi thực tế, vừa đáp ứng nhu cầu thực phẩm tăng cao của thị trường, vừa mang lại thu nhập cho người chăn nuôi.