Tại sao DN vận tải chưa chịu giảm giá?

Theo Vũ Hoàng (VTC)

Từ đầu tháng 10 đến nay, xăng dầu đã có 5 lần giảm giá với tổng mức giảm là 3.000 đồng. Tuy nhiên, nhiều DN kinh doanh vận tải chưa giảm giá lần nào hoặc giảm rất ít, trước đòi hỏi bức xúc của người tiêu dùng.

 

DN vận tải đang "chây lì"?

Chủ tịch Hiệp hội Ô tô vận tải Việt Nam, Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Hiệp hội  sẽ có động thái cụ thể để các doanh nghiệp điều chỉnh giá cước vận tải của mình theo hướng đảm bảo cân đối hạch toán, phù hợp với giá cả thị trường.

Theo nhu cầu thực tiễn, xăng dầu là nhiên liệu đầu vào cấu tạo nên giá thành cước vận tải. Giá xăng tăng, cước vận tải tăng và ngược lại khi xăng dầu giảm giá, cước vận tải sẽ giảm.

Tuy nhiên, theo lý giải của các doanh nghiệp vận tải: Ngành vận tải có những đặc thù riêng, bởi giá nhiên liệu thì sẽ lên xuống tự nhiên, còn cước vận tải mỗi lần thay đổi sẽ kéo theo hàng loạt vấn đề liên quan, trong đó có công tác quản lý.

Ông Hà Văn Phú,  quản lý của một hãng taxi cho biết: Muốn thay đổi giá cước, phải điều chỉnh lại toàn bộ hệ thống đồng hồ điện tử, hoá đơn, chứng từ, hệ thống quản lý, do đó đây là việc rất bất cập. Nên, tuỳ theo thời điểm, mức độ, DN sẽ tính toán điều chỉnh giá cho hợp lý.

Thời điểm hiện nay đang có rất nhiều hãng vận tải khác nhau hoạt động tạo nên sự cạnh tranh hấp dẫn. Do đó, không hãng nào muốn bị khách hàng bỏ rơi. Giá cả cũng là một lựa chọn quan trọng, nên trong hạch toán, các DN đều muốn giảm giá để thu hút khách hàng. Đây sẽ là sự lựa chọn phù hợp với quyền tự quyết của mỗi DN.

Trao đổi vấn đề này với một số lái xe của các hãng taxi Mai Linh, Hà Nội, Thủ Đô... được biết có nhiều khả năng trong một thời gian ngắn nữa các DN kinh doanh taxi tại Hà Nội sẽ giảm giá. Tuy nhiên, khả năng đồng loạt hay tuỳ lựa chọn thời điểm giảm của mỗi DN thì chưa được thống nhất.

Cũng có không ít DN vận tải đã khẳng định rằng, họ chưa có ý định giảm giá, càng không có kế hoạch sẽ điều chỉnh giá cước theo giá xăng, vì theo họ, giá chỉ là một phần trong sự lựa chọn của khách hàng. Bên cạnh giá cả còn có chất lượng phục vụ nữa.

Giảm bao nhiêu là phù hợp?

Tính từ thời điểm tháng 7/2008, giá xăng đã giảm 31%, giá dầu cũng giảm tới 19%, do đó, các DN vận tải đang đứng trước sức ép phải giảm giá. Theo các chuyên gia kinh tế, cước vận tải phải giảm tới 12,5% mới phù hợp với thực tế giá xăng, dầu hiện nay.

Một số chủ doanh nghiệp vận tải khẳng định hiện cũng đang tính toán để tiến hành giảm cước.

Tuy nhiên, nhiều đơn vị vận tải cũng nêu lý do khi nói rằng họ sẽ không có kế hoạch giảm giá cước vận tải đợt này.

Ông Sơn, Chánh Văn phòng Tổng Công ty vận tải ô tô Hà Nội (Traserco) cho biết, mức giá cước vận tải hiện Traserco đang áp dụng là phù hợp và ổn định. Trước đây, nhiều lần xăng đã tăng giá, song giá cước mà Traserco áp dụng vẫn không tăng nhằm ổn định thị trường. Do đó, việc điều chỉnh giảm xăng dầu lần này, DN chưa có kế hoạch giảm giá cước vận tải.

Theo tính toán của các nhà kinh doanh vận tải thì với mức giảm xăng dầu nhỏ giọt như các lần vừa qua, không đủ điều kiện để các DN vận tải giảm giá cước. Hiện nay, các DN vận tải đang phải chịu rất nhiều áp lực, một trong những áp lực lớn nhất lúc này chính là lãi suất ngân hàng.

Mặc dù hiện lãi suất đã giảm so với trước, song, đối với nhiều DN vận tải, nhất là các DN mới hoạt động, bên cạnh việc phải chịu áp lực từ tác động khủng hoảng kinh tế, làm cho khách giảm, phải chịu thêm lãi suất ngân hàng. Do đó, DN đang gặp rất nhiều khó khăn nên việc giảm cước lúc này sẽ là một lựa chọn khó khăn cho DN.

Ông Đỗ Quốc Bình - Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết, sắp tới Hiệp hội sẽ  họp với các DN taxi để bàn về giá cước. Các phương án sẽ được đưa ra trong thời gian sớm nhất để đảm bảo lợi ích người tiêu dùng, song  giảm ở mức nào, thì cần phải tính toán cụ thể.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN thì hiện các DN vận tải đang gặp nhiều khó khăn, việc giảm cước cho phù hợp với xu thế là việc nên làm nhằm khuyến khích người tiêu dùng sử dụng các tiện ích vận tải. Tuy nhiên, việc này sẽ còn phải phụ thuộc vào tính toán của mỗi DN.

Như vậy việc giảm giá cước vận tải có thể sẽ diễn ra, song giảm bao nhiêu, giảm như thế nào và thời điểm giảm giá cụ thể sẽ phụ thuộc vào chiến lược kinh doanh của mỗi DN.