Tăng cường năng lực hoạt động tiêu chuẩn hóa và đánh giá sự phù hợp trong bối cảnh hội nhập kinh tế


Với mục tiêu xây dựng mạng lưới tổ chức đánh giá sự phù hợp quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia đối với sản phẩm, hàng hoá chủ lực và 100% phòng thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa chủ lực đạt trình độ quốc tế, thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ không ngừng đẩy mạnh xây dựng, tăng cường năng lực cho các tổ chức này. Trong giai đoạn 2021-2030, dự kiến sẽ tiếp tục tăng cường năng lực cho các tổ chức này đạt chuẩn mực quốc tế, đáp ứng yêu cầu đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của các sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu chủ lực.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tăng cường năng lực hoạt động tiêu chuẩn hóa và đánh giá sự phù hợp trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế là yêu cầu bức thiết đặt ra hiện nay. Thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ không ngừng đẩy mạnh xây dựng, tăng cường năng lực cho các tổ chức này nhằm đáp ứng mục tiêu đã đề ra. Thống kê cho thấy, tính đến ngày 01/3/2020, đã có 936 tổ chức đánh giá sự phù hợp đăng ký hoạt động đánh giá sự phù hợp tại Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, trong đó, có 142 tổ chức chứng nhận, 66 tổ chức giám định, 109 tổ chức kiểm định và 619 tổ chức thử nghiệm.

Thời gian qua, tổ chức đánh giá sự phù hợp được phát triển theo hướng xã hội hóa. Các tổ chức đánh giá sự phù hợp đáp ứng điều kiện quy định (không phân biệt tổ chức sự nghiệp công lập, tổ chức khoa học và công nghệ, tổ c.hức được thành lập theo Luật Doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài thành lập theo Luật đầu tư) đều được tham gia vào hoạt động đánh giá sự phù hợp trên lãnh thổ Việt Nam.

Các tổ chức đánh giá sự phù hợp này đều có năng lực đáp ứng theo chuẩn mực quốc tế như ISO/IEC 17065, ISO/IEC 17021, ISO/IEC 17020 và ISO/IEC 17025 tương ứng đối với từng loại hình tổ chức đánh giá sự phù hợp, đảm bảo đáp ứng được cơ bản các yêu cầu thử nghiệm, đánh giá chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Để tăng cường năng lực cho tổ chức đánh giá sự phù hợp, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng chương trình, tài liệu và tổ chức đào tạo cho khoảng 500 chuyên gia trong lĩnh vực đánh giá sự phù hợp thuộc các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và tổ chức đánh giá sự phù hợp trong cả nước. Tổ chức đào tạo, hướng dẫn áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17025 cho khoảng 100 phòng thí nghiệm; Hỗ trợ xây dựng, cập nhật áp dụng ISO 17025: 2017 cho 40 phòng thử nghiệp đạt yêu cầu được công nhận...

Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã phê duyệt chủ trương đầu tư từ ngân sách sự nghiệp khoa học hàng năm và từ nguồn quỹ phát triển hoạt động của các đơn vị sự nghiệp các dự án tăng cường trang thiết bị đo lường, thử nghiệm chất lượng sản phẩm hàng hóa, đảm bảo đáp ứng nhu cầu thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngày càng cao của các tổ chức, doanh nghiệp và phục vụ kịp thời yêu cầu của quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Thực hiện các chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ về tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong xuất nhập khẩu, hàng hóa, các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện ký kết Hiệp định/Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá sự phù hợp (MRA) đối với các sản phẩm, hàng hóa trong phạm vi được phân công quản lý.

Theo Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030 vừa được ban hành theo Quyết định số 1322/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong giai đoạn 2021-2030, Chính phủ sẽ tiếp tục tăng cường năng lực cho các tổ chức đánh giá sự phù hợp đạt chuẩn mực quốc tế, đáp ứng yêu cầu đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của các sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu chủ lực. Theo đó, để làm tốt nhiệm vụ này, Chính phủ đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm như:

Một là, xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia phục vụ trực tiếp cho hoạt động nâng cao năng suất chất lượng, thiết lập nền tảng tiêu chuẩn hóa cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh.

Hai là, nâng cao năng lực tổ chức chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để được công nhận, thừa nhận ở khu vực và quốc tế.

Ba là, đầu tư, tăng cường năng lực thử nghiệm chất lượng, an toàn và sinh thái của sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu chủ lực.

Bốn là, đẩy mạnh cơ chế thừa nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá sự phù hợp ở các cấp độ.

Tính đến ngày 01/3/2020, đã có 936 tổ chức đánh giá sự phù hợp đăng ký hoạt động đánh giá sự phù hợp tại Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, trong đó, có 142 tổ chức chứng nhận, 66 tổ chức giám định, 109 tổ chức kiểm định và 619 tổ chức thử nghiệm.