Tăng cường nguồn lực tài chính cho phát triển bền vững

Anh Thư

Chính phủ mới đây đã ban hành Nghị quyết số 136/NQ-CP để thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trong các ngành, các cấp và các địa phương từ nay đến năm 2030. Theo đó, nguồn lực tài chính cũng sẽ được bố trí, huy động và tăng cường nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Nguồn lực tài chính được bố trí, huy động và tăng cường nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững
Nguồn lực tài chính được bố trí, huy động và tăng cường nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững

Quan điểm xuyên suốt trong chính sách của Đảng, Nhà nước

Phát triển bền vững trở thành quan điểm xuyên suốt trong chính sách của Đảng, Nhà nước và đã được lồng ghép trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, các Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2015 và 2016 - 2020. Ngày 12/4/2012, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011- 2020 (Quyết định số 432/QĐ-TTg).

Tháng 9/2015, tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc về phát triển bền vững, các quốc gia trên thế giới đã thông qua Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững với 17 mục tiêu về phát triển bền vững. Ngày 10/5/2017, nhằm cụ thể hóa Chương trình nghị sự 2030 tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (Quyết định số 622/QĐ-TTg), trong đó đã đề ra 17 mục tiêu phát triển bền vững với 115 mục tiêu cụ thể.

Nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 681/QĐ-TTg ngày 04/6/2019 về lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030.

Mục tiêu tổng quát mà Đảng, Nhà nước đề ra là duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững đi đối với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm mọi người dân được phát huy mọi tiềm năng, tham gia và thụ hưởng bình đẳng thành quả của phát triển; xây dựng một xã hội Việt Nam hòa bình, thịnh vượng, bao trùm, công bằng, dân chủ, văn minh và bền vững.

Thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững

Thực tiễn cho thấy, Việt Nam đã đạt được một số kết quả tích cực như: Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm bình quân 1,53%/năm trong giai đoạn 2016-2019; Tăng trưởng GDP giai đoạn 2016 - 2019 đạt ở mức tương đối cao, trung bình khoảng 6,8%/năm; Mức tăng năng suất lao động giai đoạn 2016 - 2018 đạt gần 5,8%...

Mặc dù vậy, quá trình phát triển bền vững của đất nước còn có những khó khăn, thách thức như: Mô hình tăng trưởng vẫn chưa rõ nét, năng suất lao động tăng chủ yếu do tăng cường độ vốn, quá trình cơ cấu lại các ngành kinh tế vẫn còn nhiều hạn chế; chênh lệch mức sống và mức độ thụ hưởng các dịch vụ xã hội của người dân giữa các vùng và giữa các địa phương trong vùng vẫn còn lớn; tình trạng ô nhiễm môi trường diễn biến phức tạp tại một số địa phương, đặc biệt là các vùng có mật độ phát triển công nghiệp cao...

Trong khi đó, việc triển khai thực hiện phát triển bền vững tại các ngành và các cấp vẫn chưa thực sự nghiêm túc và quyết liệt; cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương và huy động sự tham gia của các bên liên quan chưa thực sự hiệu quả; nhu cầu tài chính cho thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 là rất lớn nhưng nguồn lực của quốc gia còn hạn chế.

Trong bối cảnh đó, ngày 25/9/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 136/NQ-CP để thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trong các ngành, các cấp và các địa phương từ nay đến năm 2030.

Bố trí, huy động và tăng cường nguồn lực tài chính để thực hiện các mục tiêu

Nghị quyết số 136/NQ-CP nêu rõ các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Việt Nam gồm: Chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi; Xóa đói, bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững; Bảo đảm cuộc sống khỏe mạnh và tăng cường phúc lợi cho mọi người ở mọi lứa tuổi; Đảm bảo nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện; Đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững, toàn diện, liên tục; tạo việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm tốt cho tất cả mọi người...

Để thực hiện các mục tiêu nêu trên, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tiếp tục nghiêm túc triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững được ban hành tại Quyết định 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 và Kế hoạch hành động của bộ, ngành, địa phương thực hiện Chương trình nghị sự 2030.

Chính phủ nêu rõ, nguồn lực tài chính sẽ được bố trí, huy động và tăng cường nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Theo đó, nguồn kinh phí thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững bao gồm: nguồn ngân sách nhà nước, nguồn đầu tư của doanh nghiệp, khu vực tư nhân, cộng đồng và nguồn vốn nước ngoài, bao gồm nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và các nguồn khác.

Kinh phí từ ngân sách nhà nước được bố trí trong dự toán chi ngân sách hàng năm của các bộ, cơ quan, tổ chức và các địa phương theo quy định ngân sách nhà nước hiện hành và được lồng ghép trong kinh phí thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, lồng ghép trong các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án khác có liên quan.

Nguồn lực tài chính công được tăng cường thông qua việc nâng cao hiệu quả hệ thống, chính sách thuế; nâng cao hiệu quả chi tiêu công; đổi mới quản lý tài chính công theo hướng công khai, minh bạch.

Bên cạnh đó, các nguồn lực xã hội khác cũng được tăng cường, đặc biệt từ khu vực doanh nghiệp, khu vực tư nhân cho thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Các cơ chế, chính sách cụ thể cũng sẽ được xây dựng và ban hành để huy động các nguồn tài chính, đặc biệt là nguồn tài chính từ khu vực tư nhân,  các nguồn hỗ trợ của quốc tế để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.