Tập đoàn hay tổng công ty nhà nước: Tiêu chí chọn, bỏ

Theo VIR

Với kế hoạch duy trì 5 - 7 tập đoàn kinh tế nhà nước mà Chính phủ đã công bố, việc hai tập đoàn trở lại mô hình tổng công ty sẽ không phải là trường hợp đặc biệt.

Hiện tại, danh sách các tập đoàn kinh tế nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập đang dừng ở con số 9. Tuy nhiên, với những động thái chính thức trong lộ trình thực hiện Đề án Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, mà trọng tâm là tái cơ cấu tập đoàn, tổng công ty nhà nước, có thể thấy ngay, số lượng tập đoàn kinh tế nhà nước tới đây sẽ giảm xuống con số 7.

Hai tập đoàn sẽ rút tên trong danh sách này là Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), sau khi hoàn tất cổ phần hóa trước năm 2015 theo kế hoạch, cùng Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) đã lâm vào tình trạng phá sản và đang thực hiện tái cơ cấu theo kết luận.

Nếu dừng lại ở con số 7, thì danh sách tập đoàn kinh tế do Nhà nước nắm giữ 100% vốn sẽ bao gồm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Vietel), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) và Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG).

Tuy nhiên, nếu tìm câu trả lời cho câu hỏi rằng, tiêu chí nào để quyết định sự cần thiết hay không cần thiết cho việc duy trì các tập đoàn kinh tế nhà nước hiện tại, kế hoạch sắp xếp tập đoàn kinh tế nhà nước sẽ không quá thuận lợi như vậy.

Ông Phạm Viết Muôn, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, khi phát biểu với báo giới ngay sau khi có quyết định dừng thí điểm hai tập đoàn trong lĩnh vực xây dựng, đã nhắc tới hai nguyên nhân chính. Một là, hai tập đoàn xây dựng không đạt được mục tiêu đề ra khi thành lập, đó là hình thành các tập đoàn xây dựng lớn, trở thành tổng thầu, chi phối lĩnh vực bất động sản… Hai là, việc thí điểm hình thành hai tập đoàn xây dựng dựa trên cơ sở lắp ghép cơ học các đơn vị, trong khi thực tiễn chưa đặt ra yêu cầu, đòi hỏi một mô hình tổ chức như vậy.

Cùng với tình trạng phá sản của Vinashin, có thể thấy rõ tiêu chí về hiệu quả hoạt động của “các quả đấm thép” trong các quyết định lựa chọn người ra đi hay ở lại trong danh sách các tập đoàn kinh tế nhà nước.

Tuy nhiên, phải nhấn mạnh rằng, sự hình thành mô hình tập đoàn nhà nước của Việt Nam khá đặc thù so với nhiều quốc gia trên thế giới, chủ yếu từ việc chuyển đổi và tổ chức lại các tổng công ty nhà nước theo quyết định của Chính phủ. Mục tiêu là nhanh chóng có được doanh nghiệp quy mô lớn, hoạt động trong những ngành kinh tế mũi nhọn, những lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Hơn thế, trong thực tế, tập đoàn hay tổng công ty nhà nước không đơn giản biểu hiện cho mô hình hoạt động, hay tên của doanh nghiệp như quy định của Luật Doanh nghiệp hay thông lệ quốc tế, mà lại là căn cứ quan trọng quyết định thứ hạng của doanh nghiệp nhà nước, đi kèm theo đó là các cơ chế lương, thưởng, cấp bậc, chức vụ…

Chính đặc thù này đã hình thành thói quen xin lên tập đoàn của các tổng công ty nhà nước, khiến việc trở lại mô hình tổng công ty của 2 tập đoàn trong lĩnh vực xây dựng bị cho là “hạ cấp”.

Theo ông Bùi Văn Dũng, Trưởng ban Cải cách và Phát triển doanh nghiệp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương), tập đoàn kinh tế nhà nước và tổng công ty nhà nước, về bản chất mô hình là như nhau. Sự khác biệt nằm ở chỗ, tập đoàn là mô hình hoạt động của nhóm doanh nghiệp hoạt động đa ngành, trong khi tổng công ty là nhóm doanh nghiệp hoạt động trong một ngành, lĩnh vực chuyên ngành sâu.

Tuy vậy, quan điểm tập đoàn đa ngành hay đơn ngành, hay đa ngành ở cấp độ nào… vẫn đang được tranh luận khi xây dựng Dự thảo Nghị định hình thành, tổ chức, hoạt động, quản lý và giám sát các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước (thay thế Nghị định 101/2009/NĐ-CP). Hiện cũng có đề xuất điều kiện về vốn đối với công ty mẹ của tập đoàn kinh tế là 10.000 tỷ đồng và của tổng công ty là 5.000 tỷ đồng.