Thách thức phát triển công nghiệp xanh

Anh Thư

Thực tế cho thấy, dù có những thách thức về thể chế, nguồn lực nhưng phát triển công nghiệp xanh vẫn sẽ là xu thế tất yếu của Việt Nam.

Phát triển công nghiệp xanh sẽ giúp Việt Nam tiết kiệm đầu vào năng lượng, nguyên liệu, tăng hiệu suất sử dụng, giảm nhập khẩu nhiên liệu
Phát triển công nghiệp xanh sẽ giúp Việt Nam tiết kiệm đầu vào năng lượng, nguyên liệu, tăng hiệu suất sử dụng, giảm nhập khẩu nhiên liệu

Trên thế giới, xu hướng phát triển công nghiệp xanh tập trung vào 2 mục tiêu chính là hạn chế phát thải khí CO2, hóa chất độc hại từ các khu công nghiệp, khu chế xuất ra ngoài môi trường; Đồng thời, nghiên cứu phát triển các nguồn năng lượng mới, máy móc kỹ thuật mới thân thiện với môi trường.

Tại Việt Nam hiện nay, về nhận thức, hiểu thế nào là một nền kinh tế xanh hay nền công nghiệp xanh vẫn còn là vấn đề mới mẻ. Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng công nghiệp cao nhưng năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) vẫn ở mức thấp, phản ánh năng suất lao động thấp và việc sử dụng công nghệ, vốn, nguyên liệu và năng lượng còn kém hiệu quả.

Đặc biệt, hiện nay những công nghệ, thiết bị cũ, lạc hậu vẫn còn đang được sử dụng trong nhiều lĩnh vực sử dụng nhiều năng lượng như: phát điện, thép, xi măng và hóa chất, gây nên lãng phí lớn về nguyên nhiên liệu.

Việc phát triển công nghiệp xanh sẽ giúp Việt Nam tiết kiệm đầu vào năng lượng, nguyên liệu, tăng hiệu suất sử dụng, giảm nhập khẩu nhiên liệu, đồng thời giảm gánh nặng nhập siêu cho nền kinh tế, tạo nhiều việc làm mới góp phần xóa đói giảm nghèo và bảo đảm môi trường bền vững cho con cháu mai sau. Tuy nhiên, dù Việt Nam có chủ trương hướng tới một nền công nghiệp xanh, ít tiêu hao năng lượng, hạn chế thấp nhất sản xuất gây ô nhiễm môi trường nhưng việc thực hiện còn mang tính lẻ tẻ, chưa đồng bộ.

Các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư rất ít cho nghiên cứu và đổi mới công nghệ, chỉ khoảng 0,2% – 0,3% tổng doanh thu. Việc sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng và nguyên liệu trên quy mô rộng vẫn chưa trở thành hiện thực, các ngành công nghiệp thân thiện với môi trường cũng như công nghiệp dịch vụ môi trường cũng chưa được phát triển.

Hơn nữa, các doanh nghiệp và sản phẩm công nghiệp có tính cạnh tranh thấp so với các nước khác trong khu vực, và ngành công nghiệp tiếp tục phát thải nhiều chất thải chưa qua xử lý ra môi trường, làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm và suy thoái môi trường.

Theo các chuyên gia phân tích, các thách thức lớn của chính sách phát triển công nghiệp xanh ở Việt Nam là nhận thức, năng lực, thể chế. Việt Nam đã bước đầu hình thành khung khổ thể chế hướng tới nền công nghiệp xanh như khung pháp luật, chính sách khuyến khích, hệ thống tiêu chuẩn định mức, cơ quan chịu trách nhiệm, tổ chức liên quan. Tuy nhiên, thách thức về tài chính cho phát triển công nghiệp xanh ở Việt Nam hiện nay là hạn chế nguồn ngân sách để thực thi chiến lược phát triển công nghiệp xanh, doanh nghiệp khó khăn về nguồn vốn.

Trước những khó khăn, thách thức trên, các chuyên gia phân tích cho rằng, để thực hiện xanh hóa ngành công nghiệp, Chính phủ có vai trò then chốt trong việc phát triển hệ thống chính sách trong suốt giai đoạn đầu của quá trình. Sự hợp tác giữa Chính phủ, các tổ chức nghiên cứu và lĩnh vực tư nhân là cần thiết việc nâng cao sức cạnh tranh của ngành.

Bên cạnh đó, cần có sự tiếp cận và giải quyết đa ngành trong thể chế và phối hợp chính sách công nghiệp xanh; sự tiếp cận theo vùng, tăng cường liên kết theo vùng phát triển công nghiệp xanh; Công nghiệp xanh cần có khung chính sách hợp lý và lộ trình thực hiện cụ thể, khả thi…