Tham vấn doanh nghiệp để cạnh tranh hiệu quả

Theo Báo Hải quan

“Trong gian đoạn Chính phủ Việt Nam đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) doanh nghiệp Việt Nam ít được tham gia và được biết những thông tin liên quan đến mình trong khuôn khổ đàm phán".

“Trong gian đoạn Chính phủ Việt Nam đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) doanh nghiệp Việt Nam ít được tham gia và được biết những thông tin liên quan đến mình trong khuôn khổ đàm phán".
Chiều 25/12 Ủy ban Tư vấn Chính sách thương mại Quốc tế thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức phiên họp năm 2012 nhằm thảo luận những biện pháp đẩy mạnh công tác tham vấn đối với cộng đồng doanh nghiệp vào các thỏa thuận thương mại quốc tế.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, sự tham vấn doanh nghiệp của các cơ quan và sự tham gia của doanh nghiệp đối với hoạt động tham vấn là hết sức cần thiết trong bối cảnh Việt Nam ngày càng tham gia nhiều vào những hiệp định thương mại tự do (FTA).

“Trong gian đoạn Chính phủ Việt Nam đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) doanh nghiệp Việt Nam ít được tham gia và được biết những thông tin liên quan đến mình trong khuôn khổ đàm phán. Điều này dẫn đến sự bị động của doanh nghiệp khiến cho năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thời kỳ hậu WTO bị kém”- bà Lan nhận định.

Do đó theo chuyên gia, việc Chính phủ ban hành Quyết định 06/2012/QĐ-TTg ngày 20-1-2012 là đúng đắn. Thực hiện Quyết định này, thời gian qua nhiều cơ quan ban ngành đã thực hiện những cuộc tham vấn doanh nghiệp về một số nội dung cụ thể trong đàm phán hiện đang thực hiện như FTA Việt Nam-Hàn Quốc, TPP (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương)…

Ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Ủy ban Tư vấn Chính sách thương mại Quốc tế cho biết, trong năm qua, Ủy ban đã thực hiện được bốn chiến dịch vận động liên quan đến các nội dung quan trọng trong đàm phán của TPP, thực hiện nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến thông tin, các cuộc hội thảo, đào tạo, điều tra…

Để tiếp tục mở rộng và tìm kiếm biện pháp mang lại hiệu quả nhiều hơn nữa trong công tác tham vấn doanh nghiệp, ông Huỳnh cho biết, trong năm 2013 Ủy ban sẽ tổ chức các hoạt động nhằm hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng chiến lược ngành.

“Chiến lược ngành sẽ giúp ngành đó tránh được tình trạng phát triển tràn lan, không có chọn lọc với mọi thị trường và trên thực tế mọi phương án đàm phán mà ngành đề xuất đều cần dựa trên chiến lược phát triển chung của ngành, sau đó mới phân tích đến khả năng cạnh tranh của từng đối tác cụ thể và đặc điểm thương mại giữa Việt Nam và đối tác đó”- ông Huỳnh cho biết.