Thêm chức năng để phát huy thế mạnh

Theo Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 4/2019

"DATC được tiếp nhận các tài sản tồn đọng (bao gồm các dự án tồn đọng và tài sản khác), các tài sản gắn với xử lý nợ theo chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để tiếp tục đầu tư khai thác hoặc xử lý thu hồi vốn cho Nhà nước và mua bán nợ của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài". Đây là đề xuất mới tại Dự thảo Nghị định về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của DATC (đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến rộng rãi).

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trong thực tế hoạt động tiếp nhận xử lý nợ và tài sản của DATC hiện nay, ngoài các khoản nợ và tài sản đã loại trừ khỏi giá trị doanh nghiệp được tiếp nhận và xử lý, một số doanh nghiệp có các dự án tồn đọng không thể tiếp tục đầu tư để hoàn thành, điều này sẽ gây ra lãng phí và làm thất thoát vốn đầu tư của Nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay DATC chưa có cơ chế tiếp nhận các dự án tồn đọng này, đặc biệt là các dự án có tiềm năng phục hồi, xử lý, khai thác thu hồi vốn cho Nhà nước.

Để giảm thiểu lãng phí, thất thoát vốn đầu tư của Nhà nước, việc quy định cho DATC thêm chức năng tiếp nhận các dự án tồn đọng để tiếp tục đầu tư khai thác hoặc xử lý, thu hồi vốn cho Nhà nước được đề xuất tại Dự thảo Nghị định về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của DATC (đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến rộng rãi). Quy định này được kỳ vọng sẽ tạo thêm phương án xử lý tài sản và dự án tồn đọng linh hoạt, đa dạng và hiệu quả đối với các đối tượng này.

Đánh giá cao các quy định tại Dự thảo, một số chuyên gia nhấn mạnh, việc bổ sung chức năng tiếp nhận các tài sản, dự án tồn đọng để tiếp tục đầu tư khai thác hoặc xử lý, thu hồi vốn đầu tư cho Nhà nước không chỉ phù hợp với nhiệm vụ của DATC mà còn phù hợp với quy định tại Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp.  

Xử lý nợ cho doanh nghiệp ngoài nhà nước

Nếu như trước đây, DATC chỉ tập trung vào mua, bán nợ của doanh nghiệp nhà nước thì nay sẽ mở rộng quyền hạn đối với tất cả các loại hình doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Thực tế cho thấy, quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước đã đi gần đến đoạn kết của kế hoạch giai đoạn 2016 – 2020, bắt đầu chuẩn bị cho các mục tiêu của giai đoạn 2021 – 2025. Trong quá trình đó, DATC sẽ tiếp tục là công cụ của Chính phủ hỗ trợ và thúc đẩy các doanh nghiệp, các tập đoàn, tổng công ty giải quyết công nợ và tài sản thông qua cơ cấu và xử lý nợ  tồn đọng để có đủ điều kiện cổ phần hóa theo lộ trình của Chính phủ, kể cả việc xử lý những dự án thua lỗ, kém hiệu quả.

Chính vì vậy, mở rộng thêm chức năng của DATC trong việc xử lý nợ xấu tại các doanh nghiệp ngoài Nhà nước là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Đây cũng là nội dung quan trọng được Bộ Tài chínhđề xuất tại Dự thảo Nghị định về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của DATC.

Việc mở rộng hoạt động của DATC chắc chắn sẽ tác động tích cực hơn nữa đối với cộng đồng doanh nghiệp và tác động tích cực đến nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.