Thiếu thông tin, khó mở rộng xuất khẩu

Theo Thế Vinh/thoibaokinhdoanh.vn

Mong muốn hiện nay của các doanh nghiệp Việt đang hướng đến xuất khẩu là thông tin phải kịp thời và cập nhật thực tế liên tục cho từng thị trường, từng ngành hàng, nếu không rất khó mở rộng xuất khẩu.

Thông tin phải kịp thời và cập nhật thực tế liên tục cho từng thị trường, từng ngành hàng. Nguồn: Internet
Thông tin phải kịp thời và cập nhật thực tế liên tục cho từng thị trường, từng ngành hàng. Nguồn: Internet

Ông Nguyễn Văn Hoàng, chủ một doanh nghiệp (DN) đang hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản ở TP. Hồ Chí Minh, cho biết vấn đề mà nhiều DN nhỏ trong nước đang gặp phải là muốn mở rộng xuất khẩu (XK) nhưng lại "đói" thông tin thị trường. Không ở đâu xa, ngay như thị trường khu vực ASEAN, DN cũng còn mù mờ.

Không thể "tự bơi"

Trên thực tế, thông tin về thị trường các nước ASEAN dưới góc nhìn của các DN nhỏ trong nước vẫn còn rất chung chung. Dù muốn thâm nhập thị trường gần này, nhưng DN lại không nắm được danh sách khách hàng tiềm năng cũng như các đối thủ cạnh tranh, hoặc thông tin về thị trường dành cho người Hồi giáo trong ASEAN.

Theo kiến nghị của ông Hoàng, nên chăng thông qua Tham tán thương mại của Việt Nam ở các nước trong ASEAN hoặc những cơ quan tổ chức có thẩm quyền, hàng tháng cần có thông tin rộng rãi về hoạt động thương mại của các nước trong khu vực để DN nắm bắt.

"Không phải DN nào cũng có điều kiện tham gia xúc tiến thương mại, dự triển lãm quốc tế trong khu vực để tìm hiểu thông tin thị trường", ông Hoàng lưu ý.

Còn theo ông Lê Đức Nghĩa, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Gỗ An Cường, việc chia sẻ các thông tin thị trường từ các hiệp hội DN cũng là một kênh thông tin quan trọng vừa có thể giúp DN giảm được chi phí, vừa tăng thêm sự hiểu biết.

Để phát triển và mở rộng XK, yếu tố đầu tiên giúp DN có cơ sở định hướng đúng sản phẩm và thị trường phù hợp chính là thông tin thị trường. Tuy nhiên, đây vẫn là mặt hạn chế, không thể "tự bơi" của nhiều DN Việt và những ngành hàng chủ lực như nông sản.

Như với các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia đã có hiệu lực, việc chủ động nắm bắt thông tin thị trường các nước trong FTA cũng không phải là chuyện dễ dàng với DN Việt.

Cuộc khảo sát 225 DN xuất nhập khẩu gần đây của nhóm nghiên cứu Hà Công Anh Bảo (Đại học Ngoại thương) cũng đã đưa ra khuyến nghị Nhà nước cần tăng cường phổ biến, hướng dẫn nội dung của các FTA thế hệ mới cho các DN. Đây là giải pháp có thể thực hiện và cần phải được thực hiện ngay để giúp các DN nắm, hiểu, vận dụng một cách phù hợp các FTA này.

Kết quả khảo sát chỉ rõ các DN biết về các FTA từ các nguồn thông tin khá đa dạng. Trong đó, chỉ có 21 DN trả lời là từ Chính phủ, 42 DN là thông qua đối tác, 49 DN thông qua Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, 49 DN thông qua các hiệp hội ngành nghề.

Trong khi đó, phần lớn các DN biết về FTA là thông qua kênh truyền thông (151 DN) và 22 DN biết về các FTA thông qua các kênh khác. Như vậy có thể thấy việc phổ biến thông tin về các FTA thế hệ mới cần phải chú trọng hơn nữa.

Cần thông tin sâu

Mới đây, tại một hội nghị về phát triển bền vững cây ăn quả các tỉnh phía Nam tổ chức tại Long An, đại diện một số Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và DN có than phiền rằng rất khó trong việc hoạch định, cơ cấu vụ mùa vì họ và nông dân rất thiếu thông tin về thị trường tiêu thụ.

Vì vậy, điều mà ngay cả cơ quan quản lý và DN mong mỏi là cần thông tin về thị trường, đặc biệt là thông tin phải có tính dự báo để người dân, DN chủ động hơn trong sản xuất.

Đứng ở góc độ quản lý một hợp tác xã (HTX) nông nghiệp chuyên sản xuất hồ tiêu chất lượng cao, ông Nguyễn Ngọc Luân, Giám đốc HTX Lâm San (Đồng Nai), cho biết HTX tập trung XK vào EU là thị trường chính. Tuy nhiên, HTX cũng quan tâm, tìm hiểu thông tin về thị trường Trung Quốc từ rất lâu, đã tham gia nhiều hội chợ triển lãm ở nước này để nắm thông tin.

Vấn đề mà ông Luân còn băn khoăn sau khi tìm hiểu thông tin thị trường Trung Quốc là những yêu cầu về mặt chất lượng thì HTX đều đáp ứng được, nhưng với điều kiện là cần có sự hợp tác lâu dài với những đối tác có các chương trình dài hạn. Nguyên nhân là do khi HTX thay đổi các chương trình sản xuất đòi hỏi cần có thời gian, chứ không phải lâu nay cứ gọi điện thoại đến rồi chào hàng và bán.

Ông Phạm Thiết Hoà, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC), cho biết qua nhiều năm làm xúc tiến thương mại thấy thông tin là nhu cầu đầu tiên và ngày càng trở nên quan trọng đối với DN Việt Nam cũng như nhà đầu tư trước khi quyết định sản xuất, XK.

"Chúng tôi luôn trăn trở trước mong muốn của DN là thông tin phải kịp thời và cập nhật thực tế liên tục cho từng thị trường, từng ngành hàng, nếu không thì DN rất khó mở rộng XK. Nếu thông tin không kịp thời và cập nhật, DN sẽ không theo kịp thị hiếu thị trường các nước có xu hướng thay đổi nhanh, không nắm bắt kịp những thay đổi trong chính sách của các nước để tránh rủi ro", ông Hoà bộc bạch.

Thời gian tới, ITPC sẽ tập trung thông tin sâu vào từng chuyên ngành, nhất là những ngành hàng có giá trị gia tăng cao và nhiều thị trường tiềm năng nhất.

Cung cấp thông tin không chỉ là đi tìm người mua cho DN, mà còn là thông tin đánh giá người mua, tiềm năng người mua, thông tin về những tiêu chuẩn, hàng rào kỹ thuật của các nước để DN Việt có thể đáp ứng đúng.