Thoái vốn DNNN: Không vì kinh tế khó khăn mà trì hoãn

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính

“Dù kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, nhưng tiến trình thoái vốn DNNN đã đầu tư vào ngành tay trái vẫn phải hoàn thành trước năm 2015” – Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính Đặng Quyết Tiến đã khẳng định như vậy khi trao đổi với báo chí về một số vấn đề xung quanh nội dung các tập đoàn tổng công ty buộc phải thoái vốn đầu tư ngoài ngành từ nay đến năm 2015 theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.

Phó Cục trưởng Đặng Quyết Tiến cho biết, ngoài bốn lĩnh vực kinh doanh là bất động sản, bảo hiểm, ngân hàng và chứng khoán (nếu không phải là ngành kinh doanh chính, được giao) thì các tập đoàn, tổng công ty phải thoái vốn. Theo chỉ đạo của Chính phủ trong tháng 8, các tập đoàn và tổng công ty phải trình Chính phủ đề án tái cơ cấu doanh nghiệp của mình. Trong đề án tài cơ cấu, thì các tập đoàn và tổng công ty phải xây dựng phương án thoái vốn. Còn thoái như thế nào, lúc nào cho đảm bảo hiệu quả nhất trong một giai đoạn thì các tập đoàn và tổng công ty cũng phải xây dựng đề xuất. 

Hiện nay, trước việc nhiều DNNN vin vào lý do “kinh tế khó khăn, thoái vốn, không bảo toàn được vốn”, Phó Cục trưởng Đặng Quyết Tiến khẳng định, trong đề án tái cơ cấu của mình, các tập đoàn, tổng công ty phải nêu rõ kế hoạch và lộ trình thoái vốn. Bộ Tài chính cũng sẽ tổng hợp và xây dựng cơ chế thoái vốn trình Chính phủ, trong đó sẽ có hướng dẫn, tạo khung khổ pháp lý để các tập đoàn và tổng công ty có cơ sở thực hiện. 

Trên thực tế có nhiều cách thoái vốn khác nhau. Chẳng hạn, có thể thực hiện chuyển giao vốn cho Tổng công ty đầu tư kinh doanh vốn nhà nước, cổ phần hóa, chuyển đổi sở hữu, mua bán nợ... Mới đây, Chính phủ chuyển Tổng Công ty viễn thông điện lực (EVN Telecom) vào Tổng công ty Viễn thông quân đội (Viettel).

Phó Cục trưởng Đặng Quyết Tiến cho rằng, để có được phương án hiệu quả cần phân tích từng trường hợp cụ thể. Nếu trước kia, một DN bỏ ra 10 đồng mà nay bán chỉ thu được có 8 đồng thì chắc chắn là lỗ. Do vậy, có thể chuyển số vốn đầu tư ngoài ngành để góp vào một doanh nghiệp khác hoạt động chuyên về ngành đó thì nhìn tổng thể chung vốn vẫn được bảo toàn. Ví dụ, tập đoàn A có nghề chính là kinh doanh xây dựng mà 2 năm trước lại đầu tay trái vào kinh doanh taxi. Một trong những giải pháp để bảo toàn vốn hiệu quả, tập đoàn này nên chuyển kinh doanh taxi cho một doanh nghiệp vận tải. 

Một số DN cho rằng đầu tư tay trái nhưng có lãi, Phó Cục trưởng cho biết Chính phủ đã chỉ đạo rất rõ ràng là các DNNN phải thoái vốn xong trước năm 2015 và không có ngoại lệ. Còn nếu để 3-5 năm nữa mà rủi ro thì sao. Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng tập đoàn, tổng công ty đầu tư kinh doanh trên từng lĩnh vực. Nên nhất quyết không thể có chuyện ngành nghề kinh doanh chính DN chưa làm tốt mà lại đi đầu tư vào những lĩnh vực tay trái có nhiều rủi ro. Nhất là lúc này cần đầu tư vào ngành đã giao thì DN lại than là thiếu vốn là không được. Do vậy, Chính phủ kiên quyết yêu cầu tập đoàn tổng công ty không thể chần trừ mà phải tìm cách thoái vốn để đảm bảo hiệu quả nhất. 

Một vấn đề hiện đang được dư  luận quan tâm là xử lý nợ cũng như những giải pháp về xử lý nợ sắp tới, theo Phó cục trưởng, việc xử lý doanh nghiệp thua lỗ kéo dài, mất khả năng thanh toán là điều phải làm triệt để. Có nhiều cách thực hiện nhưng giải thể - phá sản là giải pháp cuối cùng và coi như “xóa sổ” doanh nghiệp. Khi xóa sổ, nhiều vấn đề xảy ra, tồn tại tài chính, tài sản, các khoản nợ. Trong đó, quan trọng nhất là người lao động. Nhà nước vẫn phải đứng ra hỗ trợ bằng cách này cách khác để đảm bảo quyền lợi cho người lao động. 

Xác định nhiệm vụ quan trọng như vậy nên trong đề án tái cơ cấu, các tập đoàn tổng công ty phải báo cáo đâu là các khoản nợ xấu, thực sự đã mất, không có khả năng thu hồi. Sau đó, các tập đoàn, tổng công ty phải đưa ra các phương án điều chỉnh các dự án đầu tư, để điều chỉnh vốn vay trên vốn chủ sở hữu về mức đảm bảo an toàn. Sau khi các tập đoàn, tổng công ty đang rà soát xong, Bộ Tài chính sẽ tổng hợp thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và đề xuất phương án xử lý. Vì hiện tại, cơ chế giám sát hiện hành chưa bắt buộc và chế tài yêu cầu doanh nghiệp phải báo cáo nợ trong đầu tư kinh doanh. 

Bộ Tài chính cũng đang nghiên cứu xây dựng Đề án xử lý nợ của doanh nghiệp, trong đó sẽ củng cố vai trò của Công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng (DATC). DATC phải nâng cao năng lực để thực hiện được. Theo đó, sẽ mời các chuyên gia từ những nước đã xử lý nợ thành công, chẳng hạn Nhật Bản để hỗ trợ xây dựng đề án này.