90% Doanh nghiệp nhỏ và vừa không tiếp cận được vốn vay ưu đãi

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Đây là khó khăn chính được ông Đào Văn Hà - Giám đốc Ban Quản lý các dự án Tín dụng Quốc tế ODA - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đưa ra tại hội thảo "Cơ hội tài trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ Công nghiệp phụ trợ của Ngân hàng" do Ban Quản lý dự án Tín dụng Quốc tế ODA phối hợp với các chuyên gia Tư vấn Dự án tổ chức sáng nay (12/4), tại Hà Nội.

Theo đó, có khoảng 30% doanh nghiệp nhỏ vừa vừa (DNNVV) vay được vốn từ ngân hàng, 90% không tiếp cận được vốn vay ưu đãi, 42% doanh nghiệp không thể vay vốn, 71% vay vốn lãi suất cao trên 17% (Số liệu khảo sát gần 8.000 DN).

Thách thức mà DNNVV Việt Nam phải đối mặt

Số liệu về tình hình phát triển các DNNVV cho thấy, tính đến 31/12/2012 , DNVVN chiếm 97,5% tổng số DN đang hoạt động. Số DNNVV tăng bình quân 21,5%/năm với doanh thu bình quân tăng 29,6%/năm, đóng góp ngân sách nhà nước tăng 45,4%/năm.

Tuy nhiên, các DN này đang phải đối mặt với những khó khăn chính gồm: Khả năng tài chính và nguồn vốn hạn chế; chất lượng nhân lực thấp, kỹ năng, năng lực quản trị kinh doanh hạn chế; chính sách hỗ trợ chưa đồng bộ và chưa đến được DN; trình độ công nghệ, kỹ thuật thấp; hàng tồn kho nhiều...

Theo bà Trịnh Thị Hương - Phó phòng Phát triển DNNVV, Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kề hoạch và Đầu tư), để thu hút đầu tư nước ngoài DNNVV trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, Chính phủ Việt Nam đã ban hành cơ chế khuyến khích công nghiệp hỗ trợ dựa trên các quy định pháp luật, trong đó rõ nhất là thông tư 96. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng có kế hoạch phát triển khu công nghiệp cho công nghiệp hỗ trợ và các công ty Nhật Bản. Hiện đang cân nhắc hình thành cụm công nghiệp.

Bà Hương cũng đưa ra khuyến nghị đối với các DNVVN công nghiệp hỗ trợ Việt Nam: Kinh doanh với các doanh nghiệp Nhật cần phải rất tích cực. Đồng thời cần phải có sự hợp tác giữa các doanh nghiệp thông qua thành lập hiệp hội và các hoạt động tương tự.

Giải pháp phát triển DNNVV

Ông Đào Văn Hà cũng đưa ra khung pháp lý hỗ trợ DNNVV gồm: Nghị định 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009 của CP về trợ giúp phát triển DNNVV; Nghị quyết 22/NQ-CP ngày 5/5/2010 về việc triển khai thực hiện Nghị định 56/2009/NĐ-CP; và các KH phát triển DNNVV 5 năm (giai đoạn 2006 =- 2010, giai đoạn 2011 - 2015).

Bên cạnh đó, các nhóm chính sách, chương trình trợ giúp phát triển DNNVV cũng được hoàn thiện như: Cải cách quy định gia nhập thị trường cho DN, hợp nhất hồ sơ đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế; giảm thời gian thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế từ 15 ngày xuống còn 5 ngày.

Hình thành Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV tại địa phương: 13/63 địa phương đã thành lập quỹ với tổng số vốn điều lệ của các quỹ lên tới 575 tỷ đồng. Quỹ bảo lãnh tín dụng ra đời đã tạo thêm kênh hỗ trợ tài chính cho DN góp phần tạo điều kiện cho các DNNVV vay vốn của các tổ chức tín dụng.

Hội thảo cũng đưa ra mục tiêu cụ thể của kế hoạch phát triển DNNVV 5 năm 2011 - 2015 gồm: Số thành lập mới giai đoạn 2011 - 2015 đạt 350.000 doanh nghiệp; tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu chiếm 25% trong tổng kim nghạch xuất khẩu toàn quốc; đóng góp khoảng 40% GDP, 30% tổng thu ngân sách nhà nước; tạo thêm khoảng 3,5 - 4 triệu chỗ làm việc mới trong giai đoạn 2011 - 2015.