Ba cây chụm lại...

Theo dddn.com.vn

(Tài chính) Chúng ta thường hay đánh giá về sự liên kết lỏng lẻo giữa các doanh nghiệp (DN) Việt Nam, cạnh tranh không lành mạnh, thiếu sự hợp tác để cùng phát triển...

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Trong nhiều trường hợp, điểm yếu này làm cho DN Việt thiệt hại nặng nề khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu hoặc xuất khẩu cùng một ngành hàng ra thị trường thế giới. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng  sâu rộng của Việt Nam, các DN Việt luôn đối mặt với sức ép cạnh tranh dữ dội đến từ các DN nước ngoài thì sự khiếm khuyết này càng đẩy DN Việt vào tình thế rất bất lợi.

Trong bức tranh tổng thể không mấy lạc quan đó, cũng có một vài ví dụ về điểm sáng, đó là những DN Việt có sự liên kết rất chặt chẽ như Vinamilk, từ khâu sản xuất nguyên liệu, sản xuất, chế biến, tiêu thụ giữa các DN trung ương, địa phương cho đến các hộ nông dân... Vinamilk có một chiến lược phát triển rất bài bản. Vì vậy trong sự cạnh tranh khốc liệt với các công ty sản xuất sữa nước ngoài, Vinamilk có một thị phần và chỗ đứng đáng kính nể.

Trong sản xuất cơ khí, nhiều công ty cũng hợp tác phân công sản xuất dựa trên thế mạnh của mình, vì vậy, nhiều công ty cũng có bước phát triển mạnh mẽ và vững chắc và là điểm sáng của ngành cơ khí chế tạo Việt Nam như các công ty Phụ tùng 1, SVEAM, Fomeco, DISOCO thuộc tổng công ty VEAM.

Đi sâu phân tích về sự hợp tác chưa bền chặt của các DN Việt Nam, có thể nổi lên do các nguyên nhân chính:

Thứ nhất, đa phần các DN Việt Nam chưa có một hệ thống quản trị tiên tiến, các tiêu chí như: chất lượng, giá thành, khả năng đáp ứng cung cấp hàng đúng tiến độ... đều chưa đảm bảo.

Thứ hai, công nghệ còn rất lạc hậu, thiếu vốn để trang bị các thiết bị và công nghệ hiện đại để đáp ứng với yêu cầu của khách hàng.

Thứ ba, thiếu nguồn nhân lực có chất lượng cao.

Chính vì những yếu tố trên, nên các DN Việt Nam, tự thân chưa thể là bạn hàng truyền thống của nhau, khi các sản phẩm cần cung ứng thì DN ngoại có tính cạnh tranh cao hơn. Do vậy, sự hợp tác để cùng lớn mạnh ngày càng trở nên xa vời. Vì vậy, chìa khóa cho sự hợp tác và liên kết trong cộng đồng DN Việt là phải vươn lên, giai đoạn đầu là ngang tầm khu vực, sau đó phấn đấu để đạt tầm quốc tế.

Việc chuyển tải kiến thức này đòi hỏi rất kiên trì mới đi đến thành công, vì sự nhận thức chuyển thành hành động cần phải qua một quá trình lâu dài.

Chúng ta cần tìm hiểu và học hỏi một số kinh nghiệm phát triển của các DN Nhật Bản. Tập đoàn Toyota là một ví dụ. Với vị thế là DN lớn, có phương thức sản xuất Toyota nổi tiếng trên thế giới, Toyota không những chuyển giao hệ thống quản trị cho các công ty con, các nhà cung cấp của mình mà còn chuyển giao kinh nghiệm quản lý, tổ chức sản xuất cho nhiều công ty khác ở Nhật Bản.

Ở Việt Nam, Toyota cũng đã phối hợp tổ chức nhiều lớp học "Chương trình đào tạo Monozukuri" cho các lãnh đạo DN, trường đại học, viện nghiên cứu.

Tuy nhiên, việc chuyển tải kiến thức này đòi hỏi rất kiên trì mới đi đến thành công, vì sự nhận thức chuyển thành hành động cần phải qua một quá trình lâu dài. Do vậy, chỉ tổ chức vài khóa học sẽ rất khó đạt được kết quả mong đợi. Một cách làm có thể áp dụng được ngay, ít đòi hỏi về chi phí, đó là tổ chức cho các DN tham quan học hỏi các DN có mô hình hoạt động hiệu quả, sau đó quyết tâm để áp dụng tại DN của mình.

Loại trừ một số trường hợp có tính cá biệt, DN Việt thiếu tính liên kết chủ yếu xuất phát từ sự yếu kém mang tính hệ thống trong nội bộ, vì vậy rất mong VCCI hãy làm cầu nối để các hoạt động này được tiến hành thường xuyên, giúp cho DN Việt trang bị thêm hành trang trong quá trình hội nhập. Có như vậy, sự hợp tác, liên kết để cùng lớn mạnh mới mong thành hiện thực.