BIDV dành 15.000 tỷ đồng cho vay phát triển thủy sản

pv.

(Tài chính) Ngày 25/8, Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản chính thức có hiệu lực. Để triển khai và nhanh chóng đưa chương trình này đi vào cuộc sống, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã triển khai chương trình tín dụng tổng thể giai đoạn 2014-2017 hỗ trợ phát triển thủy sản theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP với tổng doanh số cho vay 15.000 tỷ đồng.

BIDV dành 15.000 tỷ đồng cho vay phát triển thủy sản theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP. Nguồn: internet
BIDV dành 15.000 tỷ đồng cho vay phát triển thủy sản theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP. Nguồn: internet

Theo đó, chương trình tín dụng bao gồm: (i) Cho vay đóng mới, nâng cấp tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá, cho vay vốn lưu động để khai thác hải sản và cung cấp dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ theo chính sách của Nghị định 67/2014/NĐ-CP; (ii) Cho vay ngắn hạn thi công đóng tàu; (iii) Cho vay các dự án đầu tư theo hình thức BT, cho vay ứng trước vốn đối với chương trình phát triển thủy sản do vốn ngân sách Nhà nước bố trí; (iv) Cho vay phát triển nuôi trồng, sản xuất giống, chế biến thủy hải sản và gia tăng năng lực chế biến hải sản, cá ngừ đại dương.

Ngay từ khi Nghị định đang trong quá trình soạn thảo, với kinh nghiệm triển khai Quyết định số 393/TTg về đánh bắt xa bờ năm 1997, BIDV đã chủ động đi đầu trong việc tổ chức các chương trình khảo sát thực tế, tọa đàm, lấy ý kiến trực tiếp của bà con ngư dân, các nhà khoa học, các cấp chính quyền địa phương, các đơn vị liên quan về các chính sách phát triển thủy sản của Chính phủ... để tổng hợp, đóng góp ý kiến hoàn thiện vào dự thảo. Đồng thời BIDV là ngân hàng đăng ký sớm nhất triển khai gói tín dụng 3.000 tỷ đồng đầu tư phát triển đội tàu cung cấp dịch vụ hậu cần, khai thác hải sản xa bờ và cho vay vốn lưu động hỗ trợ chủ tàu, ngư dân.

Để cụ thể hoá các nội dung trên, ngày 03/6/2014, BIDV đã ký kết Thoả thuận hợp tác nguyên tắc với UBND tỉnh Bình định tài trợ tín dụng đóng mới, phát triển đội tàu đánh bắt thủy sản công suất lớn giai đoạn 2014-2017 (trị giá 700 tỷ đồng, nằm trong phạm vi của gói tín dụng 3000 tỷ đồng); Hợp đồng nguyên tắc tài trợ tín dụng đóng mới 27 tàu vỏ sắt phục vụ đánh bắt xa bờ với 01 doanh nghiệp và 09 ngư dân; đồng thời đã tiếp nhận nhu cầu vay vốn đóng tàu mới, nâng cấp tàu của 98 ngư dân/chủ tàu. Bên cạnh đó, BIDV đã triển khai gói hỗ trợ cho vay vốn lưu động phục vụ khai thác, hậu cần, thu mua hải sản tại địa bàn các tỉnh từ Nghệ An đến Bình Định – đây là những tỉnh trọng điểm có đội tàu đánh bắt xa bờ tại khu vực Hoàng Sa, Trường Sa và DK1, đến nay tổng số giải ngân đạt trên 106 tỷ đồng.

Về phía nội bộ BIDV cũng đã tổ chức các chương trình tập huấn để chuẩn bị triển khai Nghị định, giới thiệu chương trình cho vay đánh bắt xa bờ và đề án cho vay theo chuỗi giá trị sản xuất cá ngừ đại dương. BIDV cũng đã chỉ đạo các chi nhánh chủ động tiếp cận, tìm hiểu, hướng dẫn khách hàng về hồ sơ, thủ tục vay vốn.

Khi Nghị định chính thức được ban hành, BIDV đã chủ động đề xuất với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện chính sách tín dụng theo Nghị định 67 và thông qua kinh nghiệm thực tiễn, BIDV đã có những đề xuất, giải pháp cụ thể nhằm góp phần phát triển hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản nói chung và thực hiện có hiệu quả Nghị định 67 nói riêng.

Qua nghiên cứu Nghị định 67 và các Thông tư hướng dẫn của các Bộ ban ngành; trên cơ sở tìm hiểu và trao đổi thực tế với những đối tượng có liên quan thụ hưởng chương trình (ngư dân/doanh nghiệp/cơ quan chức năng liên quan…)  tại hội thảo ở các địa phương; để Chương trình có tính hiện thực cao, BIDV xin có ý kiến báo cáo đề xuất:

(i) Các Bộ ngành, đơn vị liên quan, bên cạnh việc sớm ban hành các mẫu thiết kế tàu phù hợp, cần có biện pháp để giảm chi phí đóng mới/nâng cấp tàu, tăng khả năng thu hồi vốn của chương trình.

(ii) Đối với các địa phương thuộc 28 tỉnh/thành phố triển khai chương trình, đề nghị sớm thành lập Ban chỉ đạo triển khai các chính sách phát triển thủy sản tại địa phương; đề xuất cho phép các ngân hàng thương mại được tham gia từ giai đoạn xem xét, duyệt danh sách chủ tàu đủ điều kiện vay vốn để đẩy nhanh quá trình cấp tín dụng.

(iii) Đề nghị Chính phủ sớm xác định ngân sách bố trí hỗ trợ cho các địa phương về đầu tư các cơ sở hậu cần nghề cá, quy hoạch lại các ngư trường đánh bắt và tổ chức tốt hoạt động đánh bắt theo mô hình chuỗi khai thác khép kín nhằm nâng cao sản lượng và giá trị đánh bắt.

(iv) Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các địa phương cần xây dựng chương trình hướng dẫn, đào tạo đối với ngư dân để nắm bắt và định hướng thay đổi thói quen, tập quán đánh bắt riêng lẻ sang đánh bắt theo tổ, đội với tàu vỏ sắt công suất lớn hơn nhằm gia tăng hiệu quả….

(v) Ngoài ra, chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng cần có sự phối hợp, hỗ trợ các ngân hàng quản lý tài sản đảm bảo tiền vay và nguồn tiền từ đánh bắt hải sản để quản lý thu hồi nợ vay, đảm bảo việc thu hồi vốn của chương trình.

Với việc tham gia một cách tích cực và chủ động, BIDV đã thể hiện rõ vai trò và trách nhiệm của Ngân hàng đi đầu trong việc thực hiện các chủ trương, nhiệm vụ của Chính phủ, góp phần thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững ngành thủy sản gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.