“Bốc thuốc” cho doanh nghiệp

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Khi năm mới đang gõ cửa và thời khắc đón Xuân sắp đến, con người, cũng như cỏ cây vạn vật, đều rạo rực với niềm hi vọng về một năm mới tốt lành. Các doanh nghiệp thì hi vọng một niên độ kinh doanh sẽ trở lại hanh thông...


Trong cơn sóng gió chung của kinh tế toàn cầu, con thuyền của doanh nghiệp (DN) Việt đều có khả năng thoát hiểm nếu biết dự đoán đúng chiều gió và sử dụng đúng nguồn lực hạn chế của mình. Tuy nhiên, hi vọng phải đặt nền móng trên hiện thực. Để nhìn lại một năm đã qua, dự đoán 365 ngày tiếp theo, xin tổng hợp ý kiến của các chuyên gia. Đây cũng có thể là một kết quả “hội chẩn” đưa ra những dự báo tương lai, có thể giúp DN “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.

Ngân hàng: Rủi ro chính sách hay rủi ro quản trị

Là huyết mạch chính của nền kinh tế, việc giữ cho dòng máu luôn lưu thông và đủ dưỡng chất, đáp ứng nhu cầu căn bản của cơ thể, hệ thống ngân hàng có vai trò vô cùng quan trọng.

Năm 2012, “bệnh” chính của ngành ngân hàng là “tắc mạch”, khiến toàn bộ nền kinh tế khó khỏe mạnh. Bệnh này không chỉ đến từ nguy cơ thiếu hồng cầu – thiếu thanh khoản khi việc huy động ngắn hạn cho vay trung và dài hạn xảy ra nhiều năm, mà còn đến từ các “cú” phanh hoặc “xả” đột ngột và biến động từ hoạt động điều hành của cơ quan quản lý. Nói cách khác, một trong những rủi ro của ngành ngân hàng đến từ chính sách tiền tệ.

Dù vậy, rủi ro chính sách không mang lại tổn thất lớn và sâu xa hơn nếu so với rủi ro quản trị nội bộ. Năm 2013, bài học nợ xấu và hàng loạt vụ vi phạm quy định của các tổ chức tín dụng trong năm 2012 vẫn còn đó. Nhiều ngân hàng phải tổ chức lại bộ máy quản trị của mình, cả cấu trúc hệ thống lẫn con người cụ thể.

Một điểm đáng lưu ý đối với ngành ngân hàng, là rủi ro từ quản trị nội bộ không chừa bất kỳ một đại gia hay tiểu gia nào. Ông Sanjay Kalra - Trưởng đại diện thường trú của Quỹ tiền tệ quốc tế IMF tại VN - nhấn mạnh, một ngân hàng yếu sẽ luôn có vấn đề của ngân hàng yếu. Sáp nhập, hợp nhất những ngân hàng yếu lại với nhau sẽ có thể cho ra một ngân hàng lớn hơn về quy mô nhưng cũng là một ngân hàng yếu hơn về khả năng quản trị rủi ro, nếu không có sự thay đổi trong chất lượng quản trị.

DN Xuất khẩu: “Vượt rào” bảo hộ

2013 không phải là năm đầu tiên DN xuất khẩu Việt làm quen với các hàng rào bảo hộ thương mại, nhưng theo nhiều chuyên gia, đây là năm VN phải đối mặt với điều này một cách gay gắt. Nguyên do là sau một giai đoạn khủng hoảng kinh tế kéo dài, nền kinh tế các nước nhập khẩu hàng hóa VN phải nỗ lực phục hồi và việc tăng cường bảo hộ cho DN nội địa là tất yếu.

Nhìn chung, các lĩnh vực xuất khẩu chịu nhiều hàng rào bảo hộ vẫn là thủy hải sản, lâm nghiệp, nông nghiệp và công nghiệp. Đây cũng là những lĩnh vực đóng góp tỉ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu của VN. Bên cạnh đó, mới đây, một số mặt hàng công nghiệp nặng của VN vừa phát triển ra khu vực Asean cũng phải đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá và các cuộc chiến này đều có thể khiến DN Việt tổn thất về chi phí, nhân lực.

Để tránh nguy cơ bị thu hẹp cửa ở các thị trường quan trọng, DN phải nắm chắc các loại rào cản thuế quan và phi thuế quan, theo dõi tin cảnh báo từ các nước thành viên WTO; về lâu dài, nâng cao chất lượng sản phẩm, gắn kết với những bạn hàng lâu năm mới, đó là cơ sở vững chắc để vượt qua mọi rào cản và hội nhập trên đại dương.

DN nội địa: Cải thiện sức mua và nỗi ám ảnh hàng tồn kho

Bước sang năm 2013, những lo lắng của DN đối với sức mua vẫn còn nguyên vẹn. Việc suy giảm số lượng đơn hàng mới trong quý IV/ 2012 là một cảnh báo bên cạnh “điểm sáng” các chỉ số tồn kho giảm. Do đó, DN sẽ phải cân đo đong đếm sản lượng sản xuất của mình đối với sức mua kỳ vọng, cơ cấu lại sản phẩm phù hợp nhu cầu thực tiễn của thị trường.

Cũng có không ít DN “thắng thị trường” và đi ngược lại xu hướng chung giữa một bối cảnh nặng nề về hàng tồn kho khi ứng dụng các lý thuyết vào thực tiễn như Masan, Hoa Sen Group, Vissan…. hay thậm chí rất nhiều DN “siêu nhỏ” như Thái Minh Foods cũng tự tìm ra phân khúc ngách và lối đi riêng cho mình, mở ra hướng đi về khu vực nông thôn. Trong khó khăn, việc xác định lại thị trường trọng tâm cho sản phẩm của mình là cần thiết. Cũng phải nói thêm, không có thị trường nào là… thấp kém và đôi khi chỉ cần những sản phẩm “giá bèo” lại cũng có thể trở thành phao cứu sinh cho một DN có mức vốn hóa thị trường không “bèo” chút nào. Thậm chí những ông chủ DN cũng trực tiếp bán hàng như ông chủ Trung Nguyên cũng là một cách “luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu” khách hàng đồng thời đẩy ra một lượng hàng lớn – một cách cải thiện “sức mua” thông minh trong vô vàn cách thoát hiểm mà trong cái khó có thể ló ra!

Có thể nói trong cơn sóng gió chung của kinh tế toàn cầu, con thuyền của DN Việt, dù là thuyền thúng loanh quanh ở mép nước hay thuyền khơi đánh bắt xa bờ, đều có khả năng thoát hiểm nếu biết dự đoán đúng chiều gió và sử dụng đúng nguồn lực hạn chế của mình, dù là đôi tay chèo hay những vấn đề nhiều mã lực. Và vấn đề dường như không mới mẻ là biết rút ra bài học từ những sai lầm và ảo tưởng để “vượt lên chính mình”, nếu không, phương thuốc nào cũng không có hiệu quả, “bản tin thời tiết” nào cũng vô giá trị khi các nhà khoa học, các hoa tiêu trên con thuyền DN không biết lắng nghe tiếng nói của thị trường và không biết… nghe đài! Năm Tỵ, với biểu tượng con rắn vốn lanh lợi và uyển chuyển, có khả năng thích nghi với mọi hoàn cảnh, hy vọng các căn bệnh, các rào cản đã nêu không còn ám ảnh, làm khó DN!

Lê Mỹ