Chủ tịch Coca-Cola: 'Đầu tư vào Việt Nam vẫn rất hấp dẫn'

Nhật Minh

Công bố khoản đầu tư 300 triệu USD vào Việt Nam trong vòng 3 năm tới, Chủ tịch Coca-Cola, Muhtar Kent khẳng định đây vẫn là thị trường hấp dẫn khi sức tiêu thụ của người dân mới bằng 20% mức trung bình của thế giới.

- Trở lại Việt Nam sau 3 năm, ông nhận định như thế nào về những thay đổi của môi trường kinh doanh cũng như khả năng thu hút đầu tư tại đây.
- Tôi từng tới miền Nam vào những năm 1961 - 1962. Năm 2009, tôi có cơ hội trở lại, được tiếp kiến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Tại thời điểm đó, tôi có công bố kế hoạch đầu tư 200 triệu USD của Coca-Cola vào Việt Nam. Và lần này, tôi được tiếp kiến Chủ tịch Trương Tấn Sang và đưa ra cam kết đầu tư thêm 300 triệu USD cho đến năm 2015.


Chủ tịch Coca-Cola: 'Đầu tư vào Việt Nam vẫn rất hấp dẫn' - Ảnh 1
Chủ tịch Coca-Cola, Muhtar Kent tại Hà Nội. Ảnh: Nhật Minh

Đầu tư nửa tỷ USD vào một thị trường như vậy cho thấy Coca-Cola đánh giá như thế nào về thị trường Việt Nam. Chúng tôi thấy rất nhiều cơ hội, nhiều năng lượng và khả năng phát triển tại đây. Hiện mức tiêu thụ nước giải khát không cồn của người Việt Nam mới bằng khoảng 20% mức trung bình của thế giới. Đó chính là cơ hội không thể bỏ qua với chúng tôi.

- Kinh tế Việt Nam đang trải qua giai đoạn hết sức khó khăn. Điều này ảnh hưởng thế nào đến quan điểm đầu tư của Coca-Cola?

- Giống như nhiều nhà đầu tư khác, cái chúng tôi nhìn vào là tầm nhìn trung - dài hạn. Đúng là Việt Nam đang gặp khó khăn nhưng đây vẫn là một nền kinh tế năng động, nhiều tiềm năng. Sức mua đầu người so sánh với thế giới hiện khoảng 3.500 USD một năm. Như vậy trong vòng 10 năm tới, Việt Nam sẽ có một tầng lớp trung lưu đông đảo.

Nhìn vào lịch sử những nước có thu nhập bình quân đầu người khoảng 10.000 - 20.000 USD một năm hiện nay, thì để đi đến đích từ ngưỡng của Việt Nam hiện nay, không bao giờ là một con đường thẳng. Họ phải đi đến đó theo đường zic zac, nên các nhà đầu tư tỉnh táo luôn phải nhìn xa.

Cũng chia sẻ thêm rằng trong chiến lược đến 2020 của mình, Coca-Cola đặt mục tiêu tăng gấp đôi doanh
thu, từ 100 tỷ của năm 2010 lên 200 tỷ USD. Điều này có nghĩa là những gì chúng tôi phải làm trong 10 năm sẽ tương đương với cả 125 năm trước đó. Để làm được, chúng tôi đặc biệt coi trọng Đông Nam Á và trong khu vực này, Việt Nam sẽ là một trong những thị trường trọng tâm.

- Coca-Cola vừa công bố khoản đầu tư 300 triệu USD vào Việt Nam. Số tiền này sẽ được sử dụng vào việc gì thưa ông?

- Trong giai đoạn 2013 - 2015, số tiền đầu tư của Coca-Cola sẽ chủ yếu được sử dụng vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các nhà máy tại Việt Nam. Hiện chúng tôi có 3 nhà máy tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ đầu tư cho việc phát triển thương hiệu và thị trường ở đây. Như tôi đã nói, sức tiêu thụ đồ uống của người Việt mới bằng 20% mức trung bình thế giới. Như vậy, việc khỏa lấp 80% còn lại vẫn còn là một chặng đường dài. Chúng tôi cũng sẽ lưu tâm hơn đến việc hỗ trợ các đại lý bán lẻ, vốn rất quan trọng tại thị trường Việt Nam.

- Một thực tế là mặc dù đã đầu tư từ năm 1994, nhưng dường như kết quả kinh doanh của Coca-Cola tại Việt Nam vẫn là điều ít người biết tới. Ông có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?

- Ở thời điểm hiện tại, tôi chưa thể cung cấp con số cụ thể. Tuy nhiên, năm 2011, Coca-Cola Việt Nam có tăng trưởng 2 con số. Trong vòng 3 - 5 năm tới, mức tăng trưởng này cũng sẽ được duy trì. Điều quan trọng là cũng giống như Việt Nam, hoạt động đầu tư của chúng tôi cũng đang ở giai đoạn đầu của sự phát triển, khi mà nhiệm vụ chính là xây dựng "cơ sở hạ tầng", phát triển thị trường.

Ông Muhtar Kent sinh năm 1952 tại Mỹ. Ông được bổ nhiệm làm CEO của Coca-Cola vào tháng 7/2008 và trở thành Chủ tịch tập đoàn này từ tháng 4/2009. Ông hiện cũng là Chủ tịch danh dự của Diễn đàn doanh nghiệp Mỹ - ASEAN, đồng thời là thành viên của Nhóm ưu tú do Tổng thống Barrack Obama chỉ định nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại Mỹ - ASEAN.

Một yếu tố quan trọng nữa là Coca-Cola luôn mong muốn làm mọi việc theo cách phù hợp nhất với đất nước mà chúng tôi đầu tư, bằng các sản phẩm cũng như đóng góp cho xã hội. Ở Việt Nam hiện nay, chúng tôi có khoảng 2.000 nhân viên làm việc. Nhưng cứ một người làm trực tiếp như vậy lại tạo được ra 10 việc làm gián tiếp cho chuỗi cung ứng. Do vậy, tôi tin là việc mở rộng đầu tư sẽ mang lại nhiều việc làm hơn nữa.

- Là một thành viên của Diễn đàn doanh nghiệp Mỹ - ASEAN, ông nhận định như thế nào về khả năng có một dòng vốn đầu tư lớn từ Mỹ vào Việt Nam trong thời gian tới?

- Dự báo thực sự không phải là công việc ưa thích của tôi. Tuy nhiên, căn cứ trên những gì tôi biết thì hầu hết giới doanh nghiệp Mỹ đều đánh giá Việt Nam vẫn là một thị trường hết sức hấp dẫn, năng động để đầu tư. Cũng như nước giải khát, có rất nhiều sản phẩm còn có thể phát triển tại đây. Do vậy, bản thân tôi tin rằng, tương lai của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư vẫn rất rộng mở.