Chủ tịch PeaceSoft: "Bán công ty đâu phải lấy tiền tiêu xài"

Theo VnExpress

Sau khi bán một nửa cổ phần cổng thanh toán trực tuyến Ngân Lượng cho đối tác Malaysia, Chủ tịch PeaceSoft Nguyễn Hòa Bình cho rằng không loại trừ khả năng bán công ty nếu được giá.

PV: PeaceSoft vừa có một quyết định bất ngờ bán lại 50% cổ phần cổng thanh toán trực tuyến Ngân Lượng cho Tập đoàn MOL, ông có thể nói cụ thể hơn về giá trị thương vụ và quyền ra quyết định tại công ty sau này?

Chủ tịch PeaceSoft: "Bán công ty đâu phải lấy tiền tiêu xài" - Ảnh 1
Ông Nguyễn Hòa Bình
Chủ tịch PeaceSoft

Ông Nguyễn Hòa Bình: Giá trị thương vụ ko được phép tiết lộ, nhưng PeaceSoft thỏa mãn với tỷ lệ hoàn vốn (ROI) cao có thể nói là cao nhất của Ngân Lượng sau 4 năm đầu tư và phát triển. Ngược lại MOL cũng hài lòng với mức giá hợp lý để gia nhập thị trường Việt Nam vào mạng lưới toàn cầu của tập đoàn.

Còn về việc ra quyết định tại công ty, có thể nói rằng, ngành công nghiệp Internet nó rất khác biệt so với các ngành truyền thống khác, như là bất động sản, hay tài chính. Trong ngành này, những người vận hành công việc kinh doanh hàng ngày, những người hiểu thị trường, hiểu đối thủ có tiếng nói quan trọng nhất. Ví dụ ngay tại MOL, tập đoàn Berjaya chiếm 82% cổ phần, là cổ đông lớn nhất. Còn ông Ganesh Bangah là cổ đông sáng lập chỉ nắm 18% cổ phần. Tuy nhiên mọi quyết định đưa ra 2 bên đều có sự bàn bạc kỹ lưỡng trên tinh thần là tôn trọng ý kiến của những người vận hành trực tiếp.

Tương tự như vậy, tại Ngân Lượng, PeaceSoft và MOL mỗi bên đóng góp 50% cổ phần, chúng tôi là những người vận hành trực tiếp công việc hàng ngày và hiểu thị trường Việt Nam nhất, nên tiếng nói của được đánh giá cao và có trọng lượng hơn. Ngoài ra, MOL là một tập đoàn đầu tư ở nhiều quốc gia khác nhau, nên họ hiểu rằng tôn trọng tính địa phương sẽ là điều tốt hơn.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, do đầu tư vào quá nhiều trang web, mà không phải trang nào cũng "ăn nên làm ra", nên PeaceSoft đang thiếu vốn và phải bán bớt cổ phần, ông nói sao?

Một số mảng kinh doanh của Peacesoft đã có lãi. Một số vẫn đang tiêu tiền đầu tư. Trong lĩnh vực công nghệ Internet khó có thể dùng một thước đo của ngành khác như bất động sản, sắt thép… để áp vào được. Dòng đời của một công ty Internet, từ khi ra đời, phát triển thị trường đến khi thu hồi vốn và bắt đầu có lãi thông thường khoảng 5 đến 7 năm. Ví dụ Amazon đầu tư 7 năm mới có lãi.

Cuộc đua trong lĩnh vực này không phải đua ai là số một, mà là xem ai tồn tại đến cuối cùng để hái được hoa thơm quả ngọt. Trong thanh toán trực tuyến, có những doanh nghiệp đầu tư hàng triệu USD từ nước ngoài vào nhưng cho đến nay tên tuổi không còn nhiều dấu ấn trên thị trường. Những trang web hiện tại của PeaceSoft đang tiếp tục phát triển, và theo quan điểm của cá nhân tôi, 80% đang đi đúng lộ trình và thành công.

Ngân lượng liên doanh với MOL không phải vấn đề vốn, mà chủ yếu là muốn mở rộng gấp 5 gấp 10 mạng lưới trước đây. Bởi nếu mà Ngân lượng có nhu cầu về vốn thì ngân lượng chọn nhà đầu tư tài chính hơn nhà đầu tư chiến lược. Vì nhà đầu tư tài chính định giá tốt hơn.

Số tiền của thương vụ này sẽ được sử dụng như thế nào?

Chúng tôi sẽ hướng tới việc nâng cấp sản phẩm hiện có để phục vụ những hoạt động thanh toán trực tuyến tốt hơn, như đẩy mạnh hoạt động tiếp thị, marketing, thêm nhiều khác hàng để tăng doanh thu. Đồng thời, công ty sẽ đẩy mạnh việc cung ứng vốn cho các thương gia chấp nhận thanh toán thông qua ngân lượng. Thêm vào đó, ngân lượng sẽ đầu tư vào 2 sản phẩm thanh toán mới chưa có tại Việt Nam.

Trước PeaceSoft cũng có khá nhiều thương vụ doanh nghiệp Việt bán lại công ty cho đối tác nước ngoài. Có những băn khoăn về việc dường như các doanh nhân Việt Nam xây dựng công ty lớn đến mức nào đó chỉ nhằm mục đích đem bán, ông nghĩ sao?

Góc nhìn của tôi hơi khác một chút. Tôi không cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam chỉ xây lên để bán. Họ đang trong quá trình tích lũy tư bản để trở lên lớn hơn. Bởi, anh có một món hàng tốt, có người đem ngoại tệ vào để mua sản phẩm của anh, chứng tỏ năng lực và thị trường của anh đang rất là tốt. Anh thoái vốn ra, anh có một cục tiền mặt. Đó là biểu hiện người Việt Nam của mình đang tích lũy được tiền của nước ngoài một cách chính đáng.

Thứ hai, họ là doanh nhân. Họ đâu có lấy tiền để đi tiêu xài, đi mua nhà, mua du thuyền chơi bời, hay phóng túng. Chủ yếu là họ dùng tiền đó để họ tiếp tục xây dựng doanh nghiệp khác to hơn. Trước đây khi khởi nghiệp, họ thiếu thốn mọi bề, từ kinh nghiệm, ý tưởng tới vốn mà họ còn xây dựng được doanh nghiệp thành công như vậy. Bây giờ, có kinh nghiệm, có ý tưởng mà thêm vốn nữa, họ có cơ hội rất lớn để xây dựng những doanh nghiệp lớn với 100% vốn của người Việt Nam.

Theo tôi biết, có những công ty trong lĩnh vực công nghệ, tiếng là doanh nghiệp Việt Nam, nhưng đến 90% là thuộc sở hữu của nước ngoài. Về bản chất, đó là những công ty nước ngoài có vỏ Việt Nam. Như vậy con đường đem bán hết cho nước ngoài lấy một cục tiền, sau đó đem xây dựng lại doanh nghiệp 100% vốn của doanh nghiệp Việt Nam là tốt hơn. Quan trọng là cái tính toán đằng sau của các doanh nhân đó. Đây là giai đoạn quá độ rất tốt. Doanh nghiệp nào là nước ngoài thì nước ngoài hẳn.

Trong 10 tới 20 năm tới, tôi sẽ không ngạc nhiên là có những doanh nhân, những nhà tư bản thành công như Bạch Thái Bưởi thế hệ thứ 2, thứ 3, thứ 4 của Việt Nam. Chúng ta đã lỡ gần 100 năm không có tích lũy tư bản, không có những doanh nhân giàu có. Theo quan điểm của tôi, Việt Nam cần có rất nhiều lớp doanh nhân này, bởi họ giàu có tức là người Việt làm ông chủ, họ sở hữu các doanh nghiệp trong nước sẽ tốt hơn là để nước ngoài mua hết.

Vậy ông phản ứng thế nào nếu có một đề nghị mua lại PeaceSoft từ đối tác nước ngoài với một mức giá hời?

Đây là một việc không loại trừ. Nhưng quan trọng sau khi bán anh làm gì thôi. Có những người đi mua du thuyền, có những người đi du lịch nước ngoài, họ không làm nữa, họ nghỉ hưu sớm. Nhưng có những người họ dùng tiền tái đầu tư để tạo ra công ty còn lớn hơn, và đây là lựa chọn của tôi.

Ông đánh giá như thế nào về cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin trong điều kiện kinh tế hiện nay?

 Với các công ty của ngành công nghệ làm theo cái mô hình cũ như phát triển phần mềm, website, giải pháp bán một lần thì rất khó khăn. Bởi các doanh nghiệp từ nhà nước đến tư nhân, khi khó khăn thì chi phí họ dễ cắt giảm nhất là những cái đầu tư cho công nghệ thông tin. Bởi cái đầu tư công nghệ thông tin là đầu tư dài hạn. Như vậy, sức mua của doanh nghiệp phần mềm truyền thống bị giảm đi đáng kể. Đó cũng là ví dụ về việc anh chỉ có một vài khách hàng, trong tháng này có thể họ trả cho anh rất nhiều tiền, nhưng mà khi họ ngã bệnh thì anh sẽ rất khó khăn.

Kinh tế khó khăn là một cơ hội cho các doanh nghiệp có thể tận dụng internet để giúp doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng. Hiện, cái khó khăn của doanh nghiệp là hàng tồn kho và sức mua. Internet là kênh để doanh nghiệp có thể với được tới người tiêu dùng một cách nhanh nhất.

Nói như vậy để thấy đây là cơ hội cho các doanh nghiệp có những sản phẩm phục vụ nhu cầu đám đông, theo phương pháp điện toán đám mây phục vụ cả triệu người. Bởi sức mua tổng quát có thể giảm, nhưng họ sẽ không cắt giảm khoản chi nó quá nhỏ dành cho những cái để thuận lợi hóa, thuận lợi hóa cho cuộc sống của mình. Tuy nhiên cũng cần phải cảnh tỉnh là việc đầu tư vào các dịch vụ số lớn thì không đơn giản. Bởi đến lúc anh có thể hái quả ngọt thì cũng phải có ít nhất 2 đến 3 năm ăn sương nằm gió. Đầu tư nhiều tiền và có thể đầu tư không bao giờ trở lại. Tỷ suất thành công trong lĩnh vực internet xin nói buồn rằng chỉ 20%, 80% còn lại là thất bại, mất sạch tiền.