Chuyển giao quyền lực trong doanh nghiệp Việt - Gian nan thủ lĩnh điều hành

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Các sự kiện CEO thoái vị gần đây cho thấy, nhiều cuộc chuyển giao quyền lực quản lý giữa các thế hệ lãnh đạo trong doanh nghiệp Việt Nam đã khó thành bởi nhiều nguyên nhân.

Cuộc chuyển giao quyền lực bất thành tại FPT cho lấy vị trí CEO luôn là thách thức của các DN lớn
Cuộc chuyển giao quyền lực bất thành tại FPT cho lấy vị trí CEO luôn là thách thức của các DN lớn

Nhắc đến FPT, việc ông Trương Đình Anh (thế hệ vàng của FPT) xin từ nhiệm sau 18 tháng làm tổng giám đốc và ông Trương Gia Bình lại quay về ngồi chiếc ghế nóng ở tuổi 56 cho thấy FPT đang có cuộc chuyển giao thế hệ lãnh đạo không thành công, lý do vì những khác biệt trong hoạch định chiến lược và phương thức điều hành giữa CEO và HĐQT.

Thời điểm trị vì ngắn ngủi của Trương Đình Anh, người đàn ông sinh năm 1970, đại diện cho thế hệ lãnh đạo thứ 2 còn trẻ và đầy tham vọng, hiện rõ với những đổi thay chiến lược và tái cấu trúc.

Tuy nhiên, sự kỳ vọng của cổ đông để có được những con số kinh doanh ngoạn mục đối với Đình Anh có lẽ vẫn chưa thỏa mãn. Biểu hiện là lợi nhuận trước thuế của FPT đạt 2.515 tỉ đồng, tăng hơn 24% so với năm 2010, đạt 104% kế hoạch đầu năm, nhưng chỉ bằng 96% so với kế hoạch bị điều chỉnh giữa năm.

Sau đó, tiếp đến 2 quý đầu năm 2012, doanh thu và lợi nhuận trước thuế hợp nhất của FPT đạt 11.465 tỉ đồng và 1.205 tỉ đồng, cũng chỉ bằng 37% và 40% kế hoạch cả năm. Trong đó, 2 mảng mang lại doanh thu lớn nhất cho FPT là phân phối và tích hợp hệ thống đều có doanh thu và lợi nhuận giảm so với cùng kỳ 2011.

Công cuộc chuyển giao thế hệ lãnh đạo không thành công và quay lại vị trí xuất phát điểm không chỉ có ở FPT mà diễn ra ở nhiều doanh nghiệp khác của Việt Nam trong vài năm trở lại đây.

Có thể kể đến là Tập đoàn Hoa Sen. Dù doanh nghiệp không quá lớn, nhưng vụ thất bại trong chuyển giao quyền lực ở Tập đoàn Hoa Sen lại ầm ĩ và tốn kém không ít giấy mực của báo chí. Và nếu như thời gian nắm quyền của ông Trương Đình Anh là 18 tháng thì thời gian tại vị của ông Phạm Văn Trung tại Tôn Hoa Sen chỉ là 18 ngày.

Chưa có thống kê chính xác nào về thời gian nắm quyền ít nhất của một CEO Việt Nam, nhưng nếu có thì con số 18 ngày có lẽ là chuyện xưa nay hiếm.

Xa hơn một chút, câu chuyện về chuyển giao quyền lãnh đạo tại Tổng Công ty Giấy Sài Gòn, cũng làm cho giới kinh doanh bàn tán không ít. Chỉ trong 3 năm, có tới 2 tổng giám đốc ra đi.

Không chỉ thất bại trong việc chuyển giao quyền lực cho các CEO nội, một số doanh nghiệp lựa chọn các CEO ngoại như là một giải pháp nhằm sử dụng khả năng quản trị quốc tế. Tuy nhiên cũng không nhiều trường hợp thành công.

Thực hiện tư duy đột phá để đưa doanh nghiệp lên tầm khu vực, năm 2008, ông Võ Quốc Thắng, Tổng giám đốc Công ty Đồng Tâm mời ông Etienne Lucien Laude, người Pháp về làm Tổng giám đốc Công ty. Ông Laude trước đó là Giám đốc Chất lượng Hệ thống Tiêu chuẩn Kỹ thuật khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tập đoàn Schneider Electric. Thế nhưng, đến năm 2010, ông Etienne Lucien Laude đã thôi việc tại Đồng Tâm.

Không rõ ràng như các trường hợp như vừa nêu, nhưng câu chuyện tại ACB theo giới quan sát là cũng tương tự. Là người sáng lập ra Ngân hàng Á Châu và là Tổng giám đốc đầu tiên của ACB, ông Trần Mộng Hùng đã dẫn dắt ACB không ngừng phát triển trong suốt giai đoạn đầu phát triển. Đến tháng 3/2008 ông rút khỏi vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị và thay vào đó là ông Trần Xuân Giá.

Trước đó 3 năm, vào tháng 6/2005, ông Lý Xuân Hải đã được Hội đồng Quản trị đưa lên làm Tổng giám đốc thay cho ông Phạm Văn Thiệt và thiết lập tổ chức được một một bộ máy quản trị điều hành mà thời đó, theo ông Trần Mộng Hùng là an tâm.

Kể từ đó đến nay, ACB luôn đạt mức tăng trưởng cao với khả năng sinh lời được thể hiện qua chỉ tiêu lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) luôn ở mức trên 30% (ngoại trừ năm 2010 tỉ lệ này là 28,9%). Cá biệt như năm 2007 tỉ lệ này lên tới 53,8% hay năm 2006 là 46,8%. Từ năm 2006 đến 2011, tổng tài sản của ACB cũng tăng gấp hơn 6 lần (từ 44.347 tỉ đồng lên 281.019 tỉ đồng).

Sự phát triển của ACB tưởng chừng như sẽ hưng thịnh dưới thời ông Lý Xuân Hải và ông Trần Xuân Giá. Tuy nhiên, khi vụ việc ông Nguyễn Đức Kiên và ông Lý Xuân Hải vỡ lở, thì mô hình quản trị mà ACB dày công dưới thời kỳ của người kế nhiệm bắt đầu được xem xét.

Biểu hiện rõ nhất là ngày 18/9 vừa qua, HĐQT Ngân hàng thương mại cổ phần Á châu (ACB) đã họp và chấp thuận việc từ nhiệm của ông Trần Xuân Giá vì lý do sức khỏe. Trong đó vụ việc có liên quan đến chuyện ông Lý Xuân Hải (nguyên Tổng giám đốc ACB) ủy thác cho 19 nhân viên nhận 718 tỉ đồng của Ngân hàng để gửi vào một ngân hàng khác.

Thay vào vị trí của nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Xuân Giá, nay đã 73 tuổi là ông Trần Hùng Huy, sinh năm 1978.

Theo thông tin nêu tại Bản cáo bạch năm 2010 của ACB, ông Trần Hùng Huy mặc dù mới 34 tuổi song đã là tiến sĩ kinh tế và là con trai của nguyên Chủ tịch HĐQT ACB Trần Mộng Hùng.

Ông Trần Hùng Huy bắt đầu đặt chân vào ACB từ năm 2002, lúc vừa 24 tuổi với vị trí Chuyên viên nghiên cứu thị trường và gắn bó với công việc này trong vòng 2 năm. Tiếp đó, từ 2004 đến năm 2008, ông Huy là Giám đốc Marketing, đồng thời trở thành Thành viên HĐQT ACB từ 2006. Đến năm 2008, ông trở thành Phó Tổng giám đốc của ACB.

Ngoài ra, tại Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Á Châu (ACBS), ông Huy cũng nằm trong Hội đồng thành viên của tổ chức này.

Không nói thì cũng có thể thấy rằng, chặng đường trước mắt của vị tân Chủ tịch trẻ tuổi của ACB là khá gian nan. Những biến động trên thị trường ngân hàng vừa qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến ngân hàng kể từ sau vụ bắt "bầu Kiên" - một cổ đông của ngân hàng và bắt nguyên Tổng giám đốc ACB Lý Xuân Hải, cộng với vụ việc mới đây nhất là nguyên chủ tịch HĐQT ACB Trần Xuân Giá bị khởi tố.

Một đặc điểm chung sau các cuộc chuyển giao kể trên là sau khi quá trình chuyển giao thất bại, những nhà sáng lập lại quay về vị trí cũ. Như ông Trương Gia Bình quay lại vị trí mà ông rời xa từ 3 năm trước hay ông Võ Quốc Thắng vẫn nắm vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc...