Từ câu chuyện cổ tức…

Trong mùa ĐHCĐ năm nay, không ít DN “khó ăn, khó nói” với cổ đông do kết quả kinh doanh bết bát nhiều năm liền. Rất nhiều câu chuyện liên quan đến cổ tức được báo chí phản ảnh với “điểm nhấn” rõ nhất là sự thất vọng của cổ đông vì chuyện “khất” cổ tức, “nợ” cổ tức cũng như cách thức chia cổ tức của các DN.

Theo đó, có DN vài năm liền đều không chia cổ tức và sau 2 lần khất cổ tức, thì nay cổ tức năm 2010 lại tiếp tục được “khất” đến năm 2014. Nhiều DN đạt lợi nhuận cao nhưng lại chia cổ tức ở mức thấp. Thậm chí, một số DN vượt kế hoạch với mức lãi khủng và dự tính chia cổ tức 2012 là 8% song đến khi trình ĐHCĐ thường niên 2013 lại rút xuống còn 6%. Không ít DN tiếp tục dùng cổ phiếu chia cổ tức, thay vì bằng tiền mặt hoặc nhiều năm không trả cổ tức nhưng vẫn lên kế hoạch phát hành cổ phiếu chia cổ tức lẫn cổ phiếu thưởng với tỷ lệ lớn…

Tại các cuộc ĐHCĐ, nhiều cổ đông đã đề xuất HĐQT xem xét tăng cổ tức trong năm 2012 và 2013, song đề xuất này không được chấp nhận. Nguyên nhân khiến các DN không muốn chia cổ tức cũng rất đa dạng. Nhiều chủ DN phân trần, chia cổ tức đồng nghĩa với vốn của công ty sẽ giảm trong khi bối cảnh hiện nay, DN phải tập trung vốn để theo đuổi nhiều cơ hội đầu tư. Trong khi đó, một số DN giữ lại lợi nhuận nhằm phục vụ cho chiến lược thâu tóm, sáp nhập các công ty khác; không ít ngân hàng lại không chia cổ tức vì muốn dồn tiền cho tham vọng tăng trưởng liên tục và trở thành ngân hàng hàng đầu trong thời gian tới. Tất nhiên, trong số những DN nhiều lần “khất” cổ tức do cạn kiệt về nguồn vốn, làm ăn thua kém mà cũng có không ít DN nhiều năm liền không chia cổ tức vì thua lỗ và bị áp lực buộc phải có lãi, nếu không muốn bị hủy niêm yết.

…Đến văn hóa doanh nghiệp

Bên cạnh nhiều DN “khất” hoặc “nợ” chia cổ tức trong nhiều năm khiến cổ đông thất vọng thì không ít DN lại làm cổ đông hài lòng vì những chính sách kinh doanh và đầu tư hợp lý, không chỉ thực hiện được cam kết đề ra ban đầu mà còn vượt kỳ vọng của cổ đông. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc chia cổ tức không chỉ dừng lại ở chuyện thực hiện cam kết với nhà đầu tư và cổ đông mà nó còn thể hiện bản sắc văn hóa DN.

Ông Lê Quang Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Bảo Việt:
Tập Đoàn Bảo Việt đã khẳng định tính đúng đắn, kịp thời, phù hợp, hiệu quả của các giải pháp đã được HĐQT và ban điều hành đặt ra, đồng thời thể hiện sự cố gắng, quyết tâm cao của các công ty thành viên, cán bộ lãnh đạo, nhân viên trong toàn Tập đoàn.

Tập đoàn Bảo Việt là một minh chứng. Là một DN có vốn hóa lớn trên sàn chứng khoán, cổ phiếu của Bảo Việt (BVH) không chỉ hấp dẫn về triển vọng tăng trưởng mà được cộng đồng nhà đầu tư đánh giá cao khi thực hiện đúng cam kết chia cổ tức cho cổ đông. Kết quả đó được mang lại từ những nỗ lực điều hành hiệu quả của HĐQT, Ban Điều hành trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế. Năm 2012, Tập đoàn Bảo Việt đã triển khai hiệu quả các giải pháp kinh doanh và tiếp tục duy trì phát triển ổn định, vững chắc với kết quả kinh doanh khả quan, đạt được tốc độ tăng trưởng ổn định, vững chắc về doanh thu và lợi nhuận. Theo kết quả vừa được ĐHCĐ công bố, Công ty Mẹ đạt tổng doanh thu 1.393 tỷ đồng, hoàn thành 104,7% kế hoạch; Lợi nhuận sau thuế đạt 1.082 tỷ đồng tăng trưởng 19,7%. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn điều lệ đạt 15,9%.

Qua đó, Tập đoàn Bảo Việt đã chi trả cổ tức năm 2012 là 15% trên mệnh giá cổ phiếu (1.500 đồng/cổ phiếu), vượt 25% so với kế hoạch được ĐHCĐ giao là 12%, tương ứng số tiền 1.021 tỷ đồng, bằng 94,4% lợi nhuận thực hiện sau thuế… Tập đoàn Bảo Việt đã về đích trước hạn trong cam kết đối với cổ đông về mức chi trả cổ tức (theo kế hoạch 2011 - 2015, cổ tức dự kiến đạt được con số 15%). Điều này cho thấy sự tăng trưởng ổn định và bền vững trong đảm bảo quyền lợi cho cổ đông trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế cũng như thị trường bảo hiểm (mức cổ tức tăng từ 10%, đến 12% và nay là 15%).

Trong năm 2013, Tập đoàn Bảo Việt tiếp tục tập trung duy trì đà tăng trưởng, tạo sự chuyển biến mạnh về tăng trưởng doanh thu và hiệu quả; nâng cao tính chuyên nghiệp và hợp tác nội bộ mạnh mẽ, khẳng định thương hiệu và chất lượng dịch vụ hàng đầu Việt Nam. Theo đó, Bảo Việt sẽ tập trung triển khai các giải pháp trọng tâm nhằm phát triển thị trường và mở rộng mạng lưới, đẩy mạnh công tác nghiên cứu và phát triển sản phẩm, nâng cao năng suất và hiệu quả hoạt động của hệ thống phân phối, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng; hoàn thành các mục tiêu như sau: Tổng doanh thu Công ty mẹ đạt 1.411 tỷ đồng, tăng 1,4% so với năm 2012; Lợi nhuận trước thuế đạt 1.160 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.103 tỷ đồng, tăng trưởng 2% so với năm 2012.

Bên cạnh đó, Tập đoàn Bảo Việt cũng đề ra chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn điều lệ Công ty mẹ đạt 16,2%. Dự kiến mức chia cổ tức cho các cổ đông là 15%, thực hiện đúng cam kết đối với cổ đông, nhà đầu tư và khách hàng của Tập đoàn, đó là “Niềm tin vững chắc, Cam kết vững bền”. 

Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 5 - 2013

Cổ tức và cam kết của doanh nghiệp

ThS. Hoàng Thị Hường

(Tài chính) Mùa đại hội cổ đông (ĐHCĐ) năm nay không “yên ả” trước những cuộc tranh luận nảy lửa của cổ đông xoay quanh chuyện chi trả cổ tức. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có những doanh nghiệp (DN) làm cho cổ đông hồ hởi bởi không chỉ hoàn thành mục tiêu đề ra mà còn chia cổ tức cao hơn kế hoạch được giao, thực hiện đúng cam kết của mình với cổ đông.

Xem thêm

Video nổi bật