Còn nhiều rào cản “kìm chân” DATC phát triển

Huyền Thanh

Đạt được nhiều kết quả tích cực trong mua bán nợ, tái cơ cấu doanh nghiệp, song trên thực tế vẫn tồn tại một số vấn đề về thể chế đang “kìm chân” sự phát triển của Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC). Cần cơ chế thông thoáng hơn, gỡ bỏ những tồn tại, hạn chế tạo động lực cho DATC phát huy thế mạnh để phát triển là vấn đề đang đặt ra.

Thời gian qua, DATC đã rất tích cực trong xử lý nợ, tái cơ cấu các doanh nghiệp của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines)
Thời gian qua, DATC đã rất tích cực trong xử lý nợ, tái cơ cấu các doanh nghiệp của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines)

Chính thức đi vào  hoạt động từ năm 2004, đến nay, DATC thể hiện tốt vai trò, trọng trách là công cụ kinh tế giúp Chính phủ thực hiện mục tiêu thúc đẩy cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và ngân hàng thương mại nhà nước. DATC đã mua bán, xử lý nợ và tài sản tồn đọng đạt trên 90.000 tỷ đồng, hỗ trợ cho trên 3.000 DN xử lý công nợ, tài sản tồn đọng trước, trong và sau CPH, tham gia tái cơ cấu phục hồi kinh doanh.

Điển hình có thể kể đến như: Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (SBIC), Tổng công ty Cà phê Việt Nam, Tổng công ty Xây dựng Miền Trung, các Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1, 4, 5, 6, 8 (Cienco 1, 4, 5, 6, 8), Tổng công ty Xây dựng Thăng Long, Tổng công tý Lắp máy Việt Nam, Công ty Haprocimex, Công ty thực phẩm Miền bắc thuộc Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam....

Đặc biệt là hai trường hợp: Tổng công ty Dâu tằm tơ và Tổng công ty xây dựng đường thủy, Chính phủ mất nhiều năm chỉ đạo xử lý nhưng không thành công bởi gặp nhiều vướng mắc về công nợ tồn đọng, nhưng DATC đã xử lý thành công chỉ trong một thời gian ngắn.

Cùng với đó, DATC đã tiếp nhận, xử lý nợ và tài sản tồn đọng loại trừ không tính vào giá trị DN để góp phần trợ giúp tích cực đẩy nhanh tiến trình CPH khoảng 5.000 tỷ đồng nợ và tài sản loại trừ khỏi giá trị DN cho trên 2.600 DNNN thực hiện CPH. Công ty đã xử lý thu hồi gần 700 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước từ số nợ và tài sản tồn đọng được loại trừ không tính vào giá trị DN CPH…

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện mua bán xử lý nợ, DATC cũng đã gặp phải không ít khó khăn với các quy định liên quan; trong đó, có thể kể đến những bất cập về quyền thu giữ tài sản, quyền nhận tài sản khi thực hiện xử lý nợ tại các DN.

Tại Bộ Luật Dân sự 2015, đã bỏ quyền thu giữ tài sản bảo đảm của bên nhận bảo đảm, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác. Điều này gây khó khăn rất lớn đến quyền xử lý tài sản bảo đảm của DATC.

Bởi vì, DATC không thể chủ động thu giữ nếu các chủ tài sản không đồng thuận, cố tình chống đối, thậm chí tạo ra các tranh chấp khác liên quan đến tài sản bảo đảm để khởi kiện ra tòa nhằm kéo dài thời gian xử lý tài sản bảo đảm. DATC sẽ phải chờ Quyết định phán quyết của Tòa án, tạo tâm lý chây ỳ của bên có nghĩa vụ trả nợ. Theo đó, việc xử lý tài sản bảo đảm của DATC sẽ bị kéo dài thời gian, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả xử lý nợ xấu của DATC.

Bên cạnh đó, trong quá trình DATC xử lý nợ đã mua, khách hàng vay đồng ý bổ sung thêm tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất nhưng theo các quy định tại Điều 174, 175, 176 Luật Đất đai 2013, DATC không được nhận thế chấp quyền sử dụng đất.

Mặt khác, khi DATC bán lại khoản nợ xấu đã mua cho bên mua nợ là các cá nhân, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng thì các cá nhân, tổ chức này cũng không được nhận thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất theo quy định của Luật Đất đai. Vì vậy, DATC khó có thể bán những khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất cho cá nhân, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng.

Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai có bổ sung điểm c vào khoản 2 và bổ sung khoản 3 vào Điều 81 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định tổ chức được phép mua bán nợ được kế thừa quyền và nghĩa vụ của bên nhận thế chấp, bên nhận bảo lãnh đã giao kết trong hợp đồng thế chấp, hợp đồng bảo lãnh bao gồm cả tài sản là quyền sử dụng đất đã thế chấp, quyền sử dụng đất.

Tuy nhiên, quy định này chỉ giải quyết được 1 phần vướng mắc của DATC bởi các đối tượng khác không phải tổ chức mua bán nợ vẫn gặp vướng mắc do vướng quy định tại Điều 174, 175, 176 Luật Đất đai.

Để phát huy vai trò của DATC trong xử lý nợ, cũng như thúc đẩy thị trường mua bán nợ phát triển, theo các chuyên gia kinh tế cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý, giải quyết những tồn tại trên.