Công nghiệp đóng tàu: Cần chọn mặt gửi vàng

Theo Báo Đầu tư

Với trên 3.200 km bờ biển trải dài từ Bắc vào Nam, 28 tỉnh, thành phố có biển, hơn 10 triệu lao động trực tiếp gắn với biển, song đến nay, đóng góp của kinh tế biển vẫn còn khá khiêm tốn so với sự đầu tư và tiềm năng vốn có. Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là ngành công nghiệp đóng tàu của Việt Nam vẫn chưa đủ mạnh để vươn ra biển lớn.

Công nghiệp đóng tàu: Cần chọn mặt gửi vàng

Chính vì ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam chưa thể vươn xa, nên có người ví rằng, Việt Nam là “quốc gia biển”, nhưng vẫn đang đứng trước biển, chứ chưa thật sự ra biển lớn.

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4/2012, báo cáo của Bộ Tài chính đã nêu ra những con số về các khoản nợ lớn của 4 tập đoàn kinh tế nhà nước, trong đó có 2 đơn vị thuộc ngành kinh tế biển. Một số doanh nghiệp được giao nhiệm vụ đầu tư và khai thác kinh tế biển đã bộc lộ những yếu kém trong việc quản lý, để xảy ra thất thoát tài sản của Nhà nước, để lại hậu quả lớn cho nền kinh tế.

Từ thực trạng trên, trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước lần này, cần xác định rõ vai trò của các doanh nghiệp nhà nước làm đầu tàu phát triển kinh tế biển. Đồng thời, có thể cân nhắc san sẻ nhiệm vụ của các đơn vị đã bộc lộ những yếu kém, bất cập trong thời gian qua cho các đơn vị khác có năng lực tốt hơn, nhằm hiện thực hóa được mục tiêu của Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020.

Một trong những nhiệm vụ trước mắt của Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2012 là phát triển công nghiệp đóng tàu; tạo các điều kiện cần thiết để bảo đảm an ninh, an toàn cho người dân hoạt động, sinh sống trên biển, đảo và ở những vùng thường bị thiên tai…

Nhìn vào bản đồ phát triển nhà máy đóng tàu của nước ta trong khoảng 10 năm trở lại đây, có thể thấy vẫn khá dàn trải. Mặc dù có nhiều cơ sở sửa chữa và đóng tàu, đào tạo và nghiên cứu…, nhưng vẫn còn manh mún, lạc hậu, không theo kịp trình độ phát triển của thế giới. Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, trong số hơn 100 đơn vị đóng tàu trên cả nước, thì số cơ sở có thể sửa chữa tàu biển có trọng tải từ 6.500 tấn trở lên chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Những yếu kém trên có nguyên nhân chủ quan từ sự yếu kém trong quản lý của các doanh nghiệp được giao trọng trách phát triển ngành công nghiệp này.

Từ thành công của mô hình phát triển kinh tế gắn với quốc phòng, an ninh của một số doanh nghiệp quốc phòng, điển hình như Tập đoàn Viễn thông Quân đội, Công ty Tân Cảng Sài Gòn, Tổng công ty Bay dịch vụ, nên chăng, trong tái cơ cấu nền kinh tế lần này, cần san sẻ một phần nhiệm vụ của những đơn vị kinh tế nhà nước hoạt động không hiệu quả trong lĩnh vực công nghiệp đóng tàu cho các doanh nghiệp đóng tàu quốc phòng.

Hiện nay, Quân đội có khoảng 20 nhà máy vừa đóng mới, vừa bảo dưỡng kỹ thuật tàu, thuyền các loại. Trong đó, 4 đơn vị có thương hiệu lớn trên thị trường là Công ty TNHH một thành viên Ba Son, Công ty Sông Thu, Công ty Đóng tàu Hồng Hà và Công ty 189. Các doanh nghiệp này không chỉ đóng mới và sửa chữa được các tàu chiến với đòi hỏi khắt khe về kỹ thuật, công nghệ, mà còn nhận được nhiều đơn đặt hàng của khách hàng trong và ngoài nước.

Tháng 8 vừa qua, Công ty Đóng tàu Hồng Hà đã hạ thủy tàu TT400TP số 2 – HQ273 với trang bị hiện đại phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Không chỉ đáp ứng các đơn đặt hàng trong nước, nhiều năm nay, Công ty Đóng tàu Hồng Hà cũng nhận được nhiều đơn đặt hàng từ Tập đoàn Đóng tàu Ren Sen (Hà Lan) – một trong những tập đoàn đóng tàu hàng đầu thế giới.

Để thúc đẩy ngành công nghiệp đóng tàu, Việt Nam có thể tham khảo phần nào mô hình của Hàn Quốc. Ngành công nghiệp đóng tàu của nước này khởi đầu chỉ phục vụ nhu cầu trong nước với những tàu, thuyền có trọng tải thấp. Nhưng Hàn Quốc đã lựa chọn các doanh nghiệp mạnh để tập trung đầu tư, nên sau 30 năm, ngành công nghiệp đóng tàu đã trở thành ngành xuất khẩu lớn của nước này, đồng thời cũng đưa Hàn Quốc trở thành nước xuất khẩu tàu hàng đầu thế giới, được tôn vinh là một “kỳ tích sông Hàn”.

Bài học về lựa chọn doanh nghiệp mạnh, nhiều kinh nghiệm để làm điểm, đầu tư tập trung của Hàn Quốc có thể là một gợi ý cho quá trình phát triển ngành công nghiệp đóng tàu của Việt Nam.