Công ty Mía đường Sơn La: Chuyển mình từ tái cơ cấu

THANH GIANG

(Tài chính) Từ một doanh nghiệp (DN) làm ăn “bết bát” nằm bên bờ phá sản, vậy nhưng chỉ sau một thời gian ngắn Công ty Mía đường Sơn La (mã cổ phiếu SLS) đã vươn mình đứng vào top đầu của ngành Mía đường Việt Nam; là cổ phiếu luôn hấp dẫn nhà đầu tư… “Tái cơ cấu” là nội dung cốt lõi tạo nên sự hồi sinh kỳ diệu cho SLS.

Dự kiến năm 2014, kế hoạch lợi nhuận trước thuế của SLS đạt khoảng 32,1 tỷ đồng. Nguồn: internet
Dự kiến năm 2014, kế hoạch lợi nhuận trước thuế của SLS đạt khoảng 32,1 tỷ đồng. Nguồn: internet
Chuyển mình từ tái cơ cấu

Có thể nói, trong các câu chuyện về xử lý nợ xấu, tái cơ cấu DN ở Việt Nam, hình ảnh Công ty Mía đường Sơn La đã nhiều lần được đưa ra để viện chứng cho những thành công và làm bài học chia sẻ với các DN và nhà quản lý…

Ra đời năm 1997, chỉ trong vòng 10 năm, số phận của Công ty Mía đường Sơn La (nay là Công ty cổ phần Mía đường Sơn La - SLS) đã trải qua đủ mọi thăng trầm. Đến cuối năm 2007, Công ty lâm vào cảnh thua lỗ nặng nề, âm vốn chủ sở hữu, nợ nần chồng chất, không đủ điều kiện cổ phần hóa, hàng trăm công nhân không có việc làm, vùng nguyên liệu mía trở thành bãi đất hoang hóa…

Bước ngoặt cho sự hồi sinh của SLS được bắt đầu từ năm 2008, khi Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) vào cuộc “giải cứu” bằng cách xử lý nợ, tái cơ cấu, chuyển nợ thành vốn góp và chuyển Công ty sang mô hình công ty cổ phần. Ngay lập tức, SLS đổi thay về mọi mặt, tình hình tài chính được lành mạnh, sản lượng và chất lượng mía đường tăng lên; Lợi nhuận của Công ty và thu nhập cho cán bộ công nhân viên, các hộ trồng mía được nâng cao; Nộp NSNN ngày một tăng, đảm bảo quyền lợi cho các cổ đông…

Trên đà đổi thay, Công ty đã không ngừng đầu tư nâng cấp dây chuyền thiết bị chế biến đường từ 1.500 tấn mía/ngày lên 2.200 tấn mía/ngày; Đầu tư nâng cao chất lượng giống mía nguyên liệu cho năng suất và trữ lượng đường cao. Do vậy, các vùng nguyên liệu mía của SLS có tỷ lệ mía đường luôn ở top đầu của ngành mía đường (xoay quanh 8,5 mía/đường) có năm đã đạt 7,59 mía/đường (năm 2012), trong khi phần lớn các nhà máy mía đường ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, tỷ lệ mía đường luôn ở mức trên 10 mía/đường.

Báo cáo tái chính năm 2013, doanh thu SLS đạt trên 575 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt trên 67,8 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ là 68 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh của Công ty chủ yếu dựa vào hoạt động kinh doanh chính, doanh thu tài chính và thu nhập khác chiếm tỷ trọng không đáng kể. Điều này khẳng định rõ định hướng phát triển của Công ty tập trung đầu tư chuyên sâu về phát triển, chế biến mía đường, hạn chế đầu tư ngoài ngành. Chỉ số EPS (lợi nhuận trên cổ phiếu) của SLS đạt khoảng trên 7.000 đồng trong năm nay 2013, hay xấp xỉ 10.000 đồng trong năm 2012. SLS luôn phấn đấu giữ mức chi trả cổ tức tốt nhất cho các cổ đông (năm 2012 trả 35%, năm 2013 kế hoạch trả chỉ 15%, nhưng kết quả lợi nhuận có thể trả tương đương năm 2012).

Đánh giá về sự chuyển mình của SLS, ông Hoàng Văn Chất, Phó bí thư Tỉnh ủy Sơn La cho biết: Hiện SLS là một DN mạnh trong tỉnh có tình hình tài chính tốt, cơ chế chính sách rõ ràng đối với bà con nông dân trồng mía. Thành công của SLS mang dấu ấn rất lớn của DATC.

Thành công không dừng lại

Từ bước ngoặt lớn của sự chuyển đổi đến nay, sau 6 năm hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, SLS cho thấy tốc độ phát triển bền vững với doanh thu, lợi nhuận, cổ tức luôn đứng top đầu không những trong ngành mía đường, mà còn thuộc nhóm trên trong tất cả các DN niêm yết trên hai sàn chứng khoán, bất chấp những tác động xấu của khủng hoảng.

Vì sao chỉ trong một thời gian ngắn mà SLS đã “lột xác” một cách “ngoạn mục” là câu hỏi được rất nhiều DN quan tâm nhưng lời giải cũng dễ dàng nhận thấy đó là nhờ vào tái cơ cấu. SLS đã thực hiện tái cơ cấu một cách toàn diện từ nợ xấu, đến quản trị DN, vùng nguyên liệu, máy móc thiết bị… Đặc biệt là “bàn tay” của DATC đã thực hiện chuyển nợ thành vốn góp và tạo cuộc “cách mạng” thay đổi đội ngũ lãnh đạo vừa có tâm, vừa có tầm về điều hành Công ty...

Không chỉ dừng lại ở đó, khi đã thực sự hồi sinh, vững vàng phát triển, tập thể lãnh đạo Công ty vẫn luôn đặt vấn đề nâng cao khả năng quản trị, luân chuyển hàng tồn kho, chăm lo yếu tố đầu vào và đời sống người lao động cũng như người trồng mía…

Theo ông Phạm Ngọc Thao – Chủ tich Hội đồng quản trị SLS, có 3 yếu tố lợi thế khiến SLS phát triển và tối đa hóa được lợi nhuận đó là: Thứ nhất, vòng tròn sản xuất khép kín từ đầu vào là cây mía ra đường thành phẩm đến bã mía làm phân vi sinh, giúp giảm thiểu chi phí sản xuất; Thứ hai, vùng nguyên liệu tập trung xoay quanh Quốc lộ 6, nhưng lại cách nhà máy đường gần nhất cả trăm cây số, nên rất hiếm khi Công ty bị cạnh tranh không lành mạnh; Thứ ba, do SLS luôn quan tâm đầu tư bổ sung dây chuyền thiết bị nên công nghệ chế biến đường của Công ty cổ phần Mía Đường Sơn La luôn hợp lý và hiệu quả.

Bên cạnh nhiều yếu tố đưa đến thành công cho SLS, một trong những yếu không thể coi nhẹ đó là vùng nguyên liệu. Ông Phạm Ngọc Thao cho hay “Chúng tôi coi ổn định vùng nguyên liệu là cái gốc của những thành công. Trong ngành mía đường, chi phí nguyên liệu chiếm 80% giá thành. Do đó, chăm lo cho người nông dân, nâng cao năng suất vùng mía là con đường duy nhất để hạ giá thành. Hiện nay, có khoảng 6.000 hộ dân trồng mía cung cấp cho SLS. Mỗi năm, SLS đầu tư ứng trước cho bà con nông dân trồng mía từ 70 tỷ đồng đến 100 tỷ đồng, để mua mía giống, phân đạm, cải tạo đường giao thông, đầu tư cho một số hộ vay mua phương tiện chuyên chở mía…”

Dự kiến năm 2014, kế hoạch lợi nhuận trước thuế của SLS đạt khoảng 32,1 tỷ đồng. Con số này thấp hơn mức thực hiện 2013 do đã được tính đến nhiều yếu tố. Từ việc thị trường đang dư cung, giá sản phẩm đường đi xuống đến việc đường nhập lậu vẫn không kiểm soát được, tiêu thụ xuất khẩu đường qua Trung Quốc đang rất khó khăn…

Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 3 - 2014