"Đại phẫu” doanh nghiệp nhà nước mang tên tái cơ cấu

Văn Trường

(Tài chính) Đó là ý kiến của PGS.,TS. Trần Đình Thiên, Viện Kinh tế Việt Nam tại hội thảo Đổi mới mô hình tổ chức thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN và phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng 10/12 tại Hà Nội.

"Đại phẫu" DNNN mang tên tái cơ cấu. (Ảnh: ST)
"Đại phẫu" DNNN mang tên tái cơ cấu. (Ảnh: ST)
Mục đích của hội thảo này là nhằm khắc phục những yếu kém, tồn tại của mô hình quản lý hiện hành; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN; góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN và để nền kinh tế Việt Nam được đối xử như một nền kinh tế thị trường đầy đủ theo thông lệ quốc tế. Cùng với đó, tăng cường giám sát chặt chẽ hoạt động của DNNN cũng như quản lý phần vốn tại các DN này.

PGS.,TS. Trần Đình Thiên, Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá, DNNN – lực lượng chủ chốt – chủ lực của nền kinh tế hiện đang được đặt lên “bàn mổ” để thực hiện một “ca đại phẫu” mang tính quyết định: tái cơ cấu.

Trong khi đó, nhìn nhận ở khía cạnh khác, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, để thúc đẩy tái cơ cấu DNNN điều kiện quan trọng bậc nhất là chấm dứt mọi sự thiên vị, ưu đãi, đặc quyền dành cho DNNN trong việc phân bổ các nguồn lực của quốc gia, kể cả quyền kinh doanh.

Còn theo báo cáo đánh giá về mô hình thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN và phần vốn nhà nước tại DN của Ban Cải cách và phát triển DN - CIEM,  thì mô hình đổi mới này có 4 mặt được, đó là:

Thứ nhất, việc ban hành được khung pháp luật về chức năng quản lý nhà nước, chức năng chủ sở hữu nhà nước và tổ chức thực hiện quyền, nghĩa vụ chủ sở hữu nhà nước tại DN theo hướng đổi mới phù hợp hơn với yêu cầu của kinh tế thị trường…, tạo thuận lợi hơn cho tổ chức thực hiện các quyền của chủ sở hữu nhà nước và quyền tự chủ hơn cho DN trong hoạt động sản xuất kinh doanh;

Thứ hai, việc chuyển từ mô hình quản lý “song trùng” sang chế độ bộ, UBND cấp tỉnh – cơ quan quyết định thành lập công ty nhà nước, Công ty TNHH một thành viên được giao thực hiện hầu hết các quyền của chủ sở hữu đối với DN do mình quyết định thành lập; đặc biệt là việc quy định mỗi một tổ chức thực hiện quyền, nghĩa vụ chủ sở hữu đã không những góp phần giảm bớt sự chồng chéo, trùng lặp, bỏ trống trong thực hiện chức năng quản lý chủ sở hữu;

Thứ ba, việc thành lập Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và giao cho công ty này thực hiện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại trên 900 DN được chuyển đổi từ công ty nhà nước độc lập trực thuộc bộ, UBND cấp tỉnh; cùng với việc quy định các công ty mẹ trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước được giao thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước đối với công ty con được chuyển đổi từ DN thành viên, đã tạo điều kiện thực hiện chức năng của chủ sở hữu nhà nước tại các DN có quy mô không lớn theo cơ chế quản lý của nhà đầu tư, kinh doanh vốn phù hợp hơn với kinh tế thị trường và tạo ra “vách ngăn” hạn chế sự can thiệp trực tiếp của các cơ quan hành chính nhà nước đối với các công ty thành viên trong tập đoàn kinh tế;

Thứ tư, việc hình thành, củng cố và phát triển chế độ người đại diện phần vốn nhà nước tại DN đã góp phần phân tách chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản lý nhà nước và nâng cao hiệu quả hoạt động của DN có vốn nhà nước.

Bên cạnh những mặt được còn tồn tại một số hạn chế, khiếm khuyết chủ yếu như: chưa đồng bộ và thiếu nhất quán trong hệ thống quy phạm pháp luật về chủ thể giám sát. Chưa xác định các chủ thể và trách nhiệm của các chủ thể công quyền khác như Quốc hội, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh… trong việc thực hiện chức năng giám sát thực hiện quyền, nghĩa vụ chủ sở hữu nhà nước tại DNNN; Thiếu nhất quán vê khái niệm vốn nhà nước tại DN; Pháp luật hiện hành về tổ chức thực hiện và tách bạch chức năng quản lý nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước vừa chưa đầy đủ và vừa thiếu nhất quán dẫn đến lúng túng hoặc tùy tiện trong tổ chức thực hiện…

Báo cáo cũng nêu kinh nghiệm của một số nước (Trung Quốc, Indonesia, Singapore, các nước Bắc Âu và Hàn Quốc) về đổi mới mô hình thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN.
 
Được biết, báo cáo này là nguồn thông tin quan trọng, phục vụ việc xây dựng Đề án “ Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả DNNN, bảo đảm vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (Đề án đã trình Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 6 – khóa XI); Đề án “Tách chức năng đại diện chủ sổ hữu nhà nước với chức năng quản lý nhà nước của các cơ quan nhà nước và đổi mới mô hình tổ chức thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN” (trình Chính phủ cuối năm 2012); Đề án “Nghiên cứu thành lập cơ quan chuyên trách thực hiện quyền chủ sở hữu tại DN” (trình Chính phủ trong năm 2013).