DATC: Những dấu ấn trên hành trình đổi mới

pv.

(Tài chính) Trong hành trình hơn 10 năm “làm những công việc không ai muốn” – mua bán nợ và xử lý nợ xấu, Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) đã tạo được nhiều dấu ấn tích cực. Những kết quả và kinh nghiệm xử lý nợ xấu, tái cơ cấu doanh nghiệp của DATC càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh hiện nay…

DATC đã và đang triển khai mua bán nợ, xử lý tài chính, tái cơ cấu để hỗ trợ cổ phần hóa cho khoảng 20 tổng công ty 100% vốn nhà nước. Nguồn: internet
DATC đã và đang triển khai mua bán nợ, xử lý tài chính, tái cơ cấu để hỗ trợ cổ phần hóa cho khoảng 20 tổng công ty 100% vốn nhà nước. Nguồn: internet
Du n khc ghi

Sau 10 năm đi vào hoạt động, đến nay, DATC đã hoàn thành việc tiếp nhận nợ và tài sản tồn đọng loại trừ khỏi giá trị doanh nghiệp (DN) khi cổ phần hóa DNNN khoảng 3.000 DN, trong đó, có hơn 1.000 DN Trung ương. Về cơ bản, DATC đã tiếp nhận nợ và tài sản tồn đọng loại trừ ra khỏi giá trị DN khi cổ phần hóa của hầu hết các DNNN.

Song song với việc tiếp nhận, DATC đã chủ động, tích cực xử lý nhanh các khoản nợ và tài sản tồn đọng để tăng cường khả năng thu hồi vốn về cho Nhà nước; Hoàn thành việc xử lý tài sản và thu hồi nợ loại trừ đã tiếp nhận khi cổ phần hóa các DNNN, thu về ngân sách nhà nước (NSNN) hàng nghìn tỷ đồng, góp phần giải phóng nhanh kho bãi, mặt bằng… Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN đã cổ phần hóa sớm triển khai được các kế hoạch phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh đã đề ra; đồng thời, tận thu cho NSNN từ số nợ và tài sản tồn đọng đã loại trừ khỏi giá trị DN khi cổ phần hóa.

Một giải pháp quan trọng giúp lành mạnh hóa tình chình tài chính, góp phần thúc đẩy tiến trình sắp đổi mới DNNN là hoạt động mua bán nợ cũng đã được DATC thực hiện có hiệu quả trong những năm qua. Lũy kế từ năm 2004 đến hết năm 2013, Công ty đã thực hiện tổng cộng 136 phương án mua bán nợ với giá trị khoản nợ theo mệnh giá là 10.172 tỷ đồng, giá vốn mua nợ là 2.996,6 tỷ đồng; đã thu hồi được 3.172,2 tỷ đồng, đạt tỷ lệ thu hồi 106%. Trong đó, chỉ tính riêng năm 2013, DATC đã ký được 15 hợp đồng mua nợ trị giá 1.793 tỷ đồng với giá vốn mua nợ là 537 tỷ đồng, vượt kế hoạch năm và tăng gấp 2 lần so với thực hiện năm 2012.

Nhiều DN thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu, sau khi được DATC tham gia xử lý nợ, tái cơ cấu đã phục hồi và phát triển mạnh như: Công ty cổ phần Sadico Cần Thơ, Công ty cổ phần Mía đường Sơn La (SLS), Công ty cổ phần Đường Kontum (KTS)… các DN này đã được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán và luôn nằm trong top cổ phiếu có tỷ lệ sinh lời lớn nhất trên sàn niêm yết với EPS đạt từ 6.000 - 12.000 đồng/cổ phiếu.

Bên cạnh đó, DATC đã và đang triển khai mua bán nợ, xử lý tài chính, tái cơ cấu để hỗ trợ cổ phần hóa cho khoảng 20 tổng công ty 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần; Thực hiện hàng trăm phương án mua bán nợ theo thỏa thuận và chỉ định của Thủ tướng Chính phủ để xử lý tài chính tái cơ cấu DN và thu hồi nợ.

Đặc biệt, dù bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước còn bị bao phủ nhiều khó khăn, nhưng năm 2013 DATC vẫn tạo ra được điểm sáng khác biệt. Đó là Công ty phát hành thành công trái phiếu trong nước và quốc tế để xử lý nợ nước ngoài và nợ trong nước của các DN thuộc Vinashin. Công ty đã phát hành và niêm yết thành công trái phiếu của DATC tại Sở giao dịch chứng khoán Singapore với giá trị trái phiếu trên 626 triệu USD; Cùng với đó phát hành thành công trái phiếu trong nước với số tiền là 3.574.720.700.000 đồng để xử lý 17,5 ngàn tỷ đồng của Vinashin nợ tại 19 tổ chức tín dụng trong nước.

Vn còn đim nghn

Hoạt động mua bán nợ không chỉ giúp giải quyết bài toán nợ xấu ngân hàng mà còn hỗ trợ DN cân đối lại tình trạng tài chính, làm tăng thanh khoản cho cả nền kinh tế. Bởi vì, nếu tài chính không được làm “sạch”, DN sẽ ở mãi trong vòng luẩn quẩn: nợ xấu, lãi vay lớn, kinh doanh yếu kém và không có dòng tiền mới để tái đầu tư. Bản thân ngân hàng cũng không thể thu hồi được các khoản nợ và nếu để tự xử lý thì ngân hàng vừa mất thời gian, lại không có chuyên môn sâu để tối đa hóa giá trị thu hồi. Trong suy thoái, giá trị tài sản cầm cố bị định giá thấp và nợ xấu thường mất giá nhanh, vì thế mua bán nợ là một công cụ hữu hiệu để vừa giúp duy trì tình trạng “sống” cho tài sản, vừa giúp ngân hàng chuyển hóa “vốn chết” thành “vốn sống”.

Đối với DATC, tuy có dáng dấp của một tổ chức xử lý nợ quốc gia – công cụ chính sách được sử dụng phổ biến ở nhiều nước khi đối phó với vấn nạn nợ xấu cao, nhưng DATC lại thiếu những chế tài đặc thù để có thể hoạt động hiệu quả. Trong đó, việc còn thiếu cơ chế hình thành và sử dụng quỹ tài chính đủ lớn để xử lý nợ xấu và hỗ trợ vốn cho DN tái cơ cấu có lẽ là điều cần được khắc phục đầu tiên ở thời điểm hiện tại. Nếu để kinh doanh có lợi nhuận như mô hình hiện tại thì DATC sẽ phải thận trọng trong từng giao dịch mua nợ xấu để còn có lãi khi xử lý, nên tổ chức này không thể xử lý nhanh trên quy mô lớn để vừa “phải” gánh nặng nợ xấu cho hệ thống tài chính, vừa “cứu” các DN mắc nợ – một mong muốn mà Chính phủ đang trăn trở tìm cách gỡ.

Trong hoạt động của DATC, ngoài việc phải đảm bảo kinh doanh hiệu quả, bảo toàn vốn Nhà nước (tổ chức tái thiết DN) thì quy mô vốn của DATC còn hạn chế khiến cho công tác tái cấu trúc DN chậm hơn mong đợi. Ngoài ra, trên cơ sở hoạt động thực tiễn của DATC, một số chuyên gia kinh tế cũng dẫn ra một số điểm nghẽn chính sách đang cản trở hoạt động mua bán nợ hiện nay. Đó là:

Thứ nhất, cơ chế cho vay hiện chưa tạo động lực để DATC hỗ trợ các DN tái cơ cấu. Trên thực tế, các DN buộc phải bán nợ có tình hình tài chính rất bết bát, không có vốn lưu động để hoạt động. Việc chuyển nợ thành vốn góp của các nhà đầu tư, trong đó có DATC, cũng không tạo ra dòng tiền lưu động cho DN triển khai hoạt động sản xuất - kinh doanh. DATC không được cho các DN này vay thêm để có vốn hoạt động, nên rất nhiều trường hợp DN “sạch” rồi, nhưng vẫn không thể hoạt động.

Thứ hai, cơ chế xóa nợ tương đương lỗ lũy kế đối với những DN khách nợ không âm vốn chủ sở hữu sau khi đã được DATC chuyển nợ thành vốn góp hiện rất khó khăn. Trong khi nếu không thể xóa nợ, thì các DN này rất khó tiếp cận vốn vay ngân hàng để phục hồi hoạt động.

Thứ ba, hiện cơ chế quy định DATC phải áp lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước đối với đối tượng tái cơ cấu là DNNN. Đối với DN ngoài Nhà nước, mức lãi suất này sẽ được cộng thêm 1% và thường cao hơn lãi suất của ngân hàng thương mại. Các DN khách nợ thường khó chấp nhận mức lãi suất này và không chịu xác nhận công nợ, làm ảnh hưởng đến kết quả tái cơ cấu. Do đó, mức lãi suất đầu tư nên thay đổi linh động và theo lãi suất thị trường.

Thứ tư, cần có cơ chế thông thoáng hơn cho phép DN giảm vốn điều lệ tương ứng với phần lỗ lũy kế. “Nếu không có cơ chế giảm quy mô DN khi thua lỗ thì DN đó cứ mãi ôm khoản lỗ để rồi đi đến phương án cuối cùng là phá sản.

Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 4 - 2014