DATC và KAMCO: Chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác thành công

PV.

(Tài chính) Ngày 04/02/2015, tại Hà Nội, Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) đã phối hợp cùng Công ty Quản lý tài sản Hàn Quốc (KAMCO) tổ chức Hội thảo “Báo cáo cuối cùng về Chương trình Chia sẻ kiến thức với Việt Nam năm 2014”. Đây là hoạt động nằm trong Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Nâng cao năng lực hoạt động xử lý nợ và tái cơ cấu DNNN của DATC” theo Chương trình Chia sẻ Tri thức (KSP) do Bộ Chiến lược và Tài chính Hàn Quốc tài trợ cho DATC. Hội thảo đã thu hút được sự tham dự của nhiều chuyên gia trong và ngoài Bộ Tài chính, của DATC và KAMCO…

Ông Phạm Mạnh Thường - Phó Tổng giám đốc DATC phát biểu tại Hội thảo.
Ông Phạm Mạnh Thường - Phó Tổng giám đốc DATC phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Phạm Mạnh Thường đánh giá cao những nỗ lực hợp tác tài trợ của phía Hàn Quốc đối với DATC trong thời gian qua. Từ năm 2007, DATC và KAMCO đã ký Bản ghi nhớ đầu tiên với nội dung chính là đẩy mạnh hợp tác và phối hợp của hai bên, tập trung trao đổi kinh nghiệm xử lý nợ tồn đọng và tái cơ cấu DNNN. Báo cáo về kết quả bước đầu của Chương trình Chia sẻ Tri thức (KSP) 2014 do KAMCO phối hợp với DATC thực hiện đã phần nào thể hiện sự hiệu quả của mô hình hợp tác này. Bên cạnh đó, ông Phạm Mạnh Thường cũng mong muốn chương trình KSP sẽ tiếp tục được triển khai và KAMCO tiếp tục tăng cường hợp tác, tài trợ, chia sẻ kinh nghiệp cho DATC trong xử lý nợ xấu, tái cơ cấu doanh nghiệp.

Tại Hội thảo, bà Đoàn Thu Thủy – Phó trưởng Ban Hợp tác đối ngoại của DATC đã trình bày tham luận nêu bật những nỗ lực hợp tác giữa KAMCO và DATC thời gian qua. Đồng thời, bà Thủy cũng khái quát tổng quan về tình hình thị trườn mua bán nợ của Việt Nam cũng như vai trò của DATC trong xử lý nợ xấu, tái cơ cấu doanh nghiệp.

Theo đó, với vai trò là công cụ của nhà nước trong những năm qua, DATC đã hoạt động mua bán, xử lý nợ và tài sản theo chỉ định; hoạt động tiếp nhận nợ và tài sản tồn đọng loại trừ ra khỏi giá trị doanh nghiệp khi chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp 100% vốn nhà nước; công cụ phát triển thị trường vốn; công cụ xử lý nợ công; thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp; thực hiện đầu tư trực tiếp…

 
DATC và KAMCO: Chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác thành công  - Ảnh 1

     Một số chuyên gia, lãnh đạo của KAMCO và DATC chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

Để nâng cao hiệu quả hoạt động, trong thời gian qua, DATC cũng đã tăng cường đẩy mạnh hợp tác với nhiều tổ chức kinh tế - tài chính trong và ngoài nước, trong đó có KAMCO. DATC đã chính thức kỹ kết thỏa thuận Hợp tác với hai đối tác của Hàn Quốc là Công ty TNHH Tài chính và Đầu tư Woori F&I và Công ty Quản lý Tài sản tài chính Hàn Quốc – KAMCO. Đối với Woori F&I, DATC đã ký biên bản ghi nhớ về quan hệ hợp tác từ tháng 4/2006 và Hợp đồng hợp tác kinh doanh mua nợ và tái cơ cấu Công ty TNHH Công nghiệp TS-ARI với đối tác thứ 3 là Quỹ đầu tư Clearwater vào năm 2007. Tháng 5/2012, DATC và KAMCO đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Những thách thức kinh tế tài chính thế giới”, triển khai Chương trình chia sẻ kiến thức và tổ chức một số chuyên thăm, làm việc thường niên của lãnh đạo KAMCO tại DATC.

Với kinh nghiệm được chia sẻ trong xử lý nợ xấu, tái cơ cấu doanh nghiệp và những nỗ lực của DATC nói riêng và Bộ Tài chính Việt Nam nói chung, trong thời gian qua hoạt động xử lý nợ xấu, tái cơ cấu doanh nghiệp thông qua DATC đã phát huy được nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt là trong năm 2014, DATC đã tạo ấn tượng bằng những kết quả tăng trưởng mạnh mẽ.  

Báo cáo tại Hội nghị tổng kết cho thấy, chỉ riêng năm 2014 DATC đã thực hiện hỗ trợ xử lý nợ và tài sản tồn đọng là 36 DN; tổng doanh số mua nợ và tài sản là 825,47 tỷ đồng, đạt 103% so với kế hoạch và vượt 52,6% so với năm 2013; tổng doanh thu đạt được là 1.032,36 tỷ đồng, đạt 121% so với kế hoạch, vượt 90,6% so với năm 2013; lợi nhuận đạt được là 135 tỷ đồng, đạt 117% so với kế hoạch, tăng gấp 2,54 lần so với năm 2013; nộp ngân sách nhà nước 50 tỷ đồng. Cùng với đó, công tác tiếp nhận nợ và tài sản loại trừ khỏi giá trị DN khi cổ phần hoá DNNN cũng đã được DATC tập trung thực hiện nhận bàn giao tại các DN thuộc các bộ, ngành, tập đoàn - tổng công ty nhà nước; các DN chuyển đổi có tài sản và nợ loại trừ thuộc UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Qua đó, tổng số DN được DATC tiếp nhận trong năm 2014 là 24, với giá trị nợ và tài sản loại trừ là 220,54 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với năm 2013; xử lý tài sản tại 38 DN với giá trị thu hồi là 23.698 triệu đồng, đạt 132% kế hoạch, vượt 56,7% so với thực hiện năm 2013. Trong đó, thu từ xử lý tài sản là 10.684 triệu đồng, thu hồi nợ 2.416 triệu đồng và thu nợ do DN xử lý trước bàn giao là 10.598 triệu đồng.

Như vậy, với kết quả đạt được trong hoạt động tiếp nhận nợ và tài sản loại trừ khi chuyển đổi sở hữu DNNN năm qua đã không chỉ góp phần thúc đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, chuyển đổi sở hữu công ty nhà nước mà còn đưa số lũy kế thực hiện trong lĩnh vực từ năm 2004-2014 tăng mạnh. Tổng số DN đã tiếp nhận nợ và tài sản loại trừ là 2.468 DN với tổng giá trị nợ và tài sản bàn giao, tiếp nhận là 3.643,22 tỷ đồng. Kết quả đó đã góp phần hỗ trợ tích cực vào công tác triển khai đề án sắp xếp, chuyển đổi sở hữu DNNN của các bộ, ngành, địa phương đạt hiệu quả và đúng tiến độ.

Cùng với việc đẩy nhanh công tác tiếp nhận tại các DN, DATC đã tập trung xử lý tài sản, thực hiện nhiều giải pháp thu hồi nợ nộp NSNN. Luỹ kế đến cuối năm 2014, tổng số nộp NSNN từ các hoạt động trên là 558 tỷ đồng. Trong đó, xử lý tài sản loại trừ 440,38 tỷ đồng, thu hồi nợ 20,62 tỷ đồng, thu nợ DN xử lý trước bàn giao là 96,58 tỷ đồng.

Trong hoạt động mua, bán nợ và tài sản, năm 2014 DATC đã quyết liệt thực hiện có hiệu quả để mang về doanh thu 734.112 triệu đồng, đạt 115% kế hoạch, tăng gấp 2,43 lần so với năm 2013. Đây thực sự là bước đột phá, mở đường cho các hoạt động của DATC trong những năm tiếp theo.

Tái cơ cấu DN và quản lý vốn góp tại các DN khác, một trong những lĩnh vực vốn là thế mạnh của DATC trong nhiều năm qua cũng đã được tận dụng và phát huy mạnh mẽ trong năm 2014. Tính đến cuối năm 2014, tổng giá trị đầu tư góp vốn vào các DN khác của DATC đạt 1.070,83 tỷ đồng; trong đó,  đầu tư thông qua xử lý nợ, tái cơ cấu tài chính, chuyển nợ thành vốn góp có vốn cổ phần tại 87 DN, với giá trị vốn góp là 790,33 tỷ đồng; đầu tư trực tiếp tại 12 DN với giá trị 280,5 tỷ đồng.

Kết quả trên là minh chứng rõ rệt nhất về hiệu quả hoạt động của DATC khi thực hiện vai trò quan trọng của mình trong xử lý nợ xấu, tái cơ cấu doanh nghiệp. Với những kết quả trên, tại Hội thảo các chuyên gia trong và ngoài nước tiếp tục tập trung phân tích, đánh giá tình hình nợ xấu và tái cơ cấu doanh nghiệp ở Việt Nam, thực trạng hoạt động của DATC, trên cơ sở đó đã đưa ra các khuyến nghị để nâng cao hơn nữa năng lực hoạt động của DATC. Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng cho rằng Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, mô hình hoạt động, năng lực cán bộ của DATC.

Có thể nói, những kinh nghiệm quý báu của Hàn Quốc trong quá trình tái cơ cấu hệ thống doanh nghiệp mà KAMCO chia sẻ thông qua hượp tác với DATC là bài học vô cùng hữu ích cho Việt Nam trong công tác tái cơ cấu các DNNN trong bối cảnh hiện nay.