DATC với tinh thần “Đoàn kết, sáng tạo, trách nhiệm, hiệu quả”

PV (T/h)

Trên chặng đường 14 năm xây dựng và phát triển, tập thể cán bộ, nhân viên Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) luôn nỗ lực không ngừng nghỉ, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ được giao, khẳng định vị thế dẫn đầu trên thị trường mua bán nợ. Bí quyết nào tạo dựng những thành công? Trao đổi với Tạp chí Tài chính, ông Lương Hải Sinh – Tổng giám đốc DATC lý giải rõ hơn về vấn đề này.

Để phát triển vươn tầm, DATC đã chủ động mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều cơ quan, tổ chức tài chính
Để phát triển vươn tầm, DATC đã chủ động mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều cơ quan, tổ chức tài chính

Phóng viên: Việc Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Hai là sự ghi nhận những nỗ lực vượt bậc của DATC. Xin ông đánh giá sơ bộ về chặng đường phát triển của Công ty?

Ông Lương Hải Sinh: Ngày 5/6/2003, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 109/2003/QĐ-TTg thành lập Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC), với số vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng. Nhiệm vụ đặt ra cho DATC là xử lý công nợ và tài sản tồn đọng nhằm hỗ trợ và thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Sau 7 năm hình thành và phát triển, ngày 30/06/2010, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký Quyết định số 1494/QĐ-BTC chuyển đổi Công ty sang Công ty TNHH MTV Mua bán nợ Việt Nam;  Ngày 29/4/2014, Công ty đã chính thức chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV Mua bán nợ Việt Nam, hiện vốn điều lệ được tăng lên 6.000 tỷ đồng.

Chính thức đi vào hoạt động từ đầu năm 2004 với 2 phòng chức năng, tổng số trên 30 cán bộ công nhân viên (CBCNV), đến nay DATC đã có 13 đơn vị, với 218 CBCNV. Thời gian tới, DATC sẽ tiếp tục thành lập thêm Văn phòng đại diện tại một số tỉnh, thành phố lớn khác, đồng thời nâng cấp lên thành Tổng công ty để phù hợp với vị thế, vai trò, sứ mệnh của mình.

Từ khi thành lập đến nay, DATC đã tham gia xử lý nợ xấu khoảng 63.000 tỷ đồng, bao gồm thông qua tiếp nhận để xử lý nợ và tài sản loại trừ khỏi giá trị DN là 4.531,7 tỷ đồng; Mua nợ trực tiếp theo cơ chế thị trường từ các chủ nợ 17.142,6 tỷ đồng; Xử lý nợ theo cơ chế đặc thù cho Vinalines là 4.915 tỷ đồng; xử lý nợ thông qua cơ chế phát hành trái phiếu, hối phiếu để tái cơ cấu nợ tại một số ngân hàng thương mại với giá trị khoảng 36.600 tỷ đồng; Tạo ra hơn 2.000 tỷ đồng lợi nhuận, nộp NSNN gần 1.000 tỷ đồng…

Bên cạnh đó, DATC đã góp phần làm hoàn thiện hơn hoạt động sau cổ phần hóa của 2.628 DNNN; Thực hiện tái cơ cấu tài chính, chuyển đổi cổ phần gần 100 DN; Giúp trên 20 tổng công ty (TCT) nhà nước nâng cao năng lực tài chính, đủ điều kiện cổ phần hóa theo lộ trình chung của Chính phủ thông qua xử lý nợ gắn với tái cơ cấu chuyển đổi các DN thành viên và công ty nhà nước trực thuộc tại các TCT.

Chỉ tính riêng trong năm 2016, số nợ xấu và tài sản đã được DATC mua và xử lý đạt gần 10.000 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 385 tỷ đồng, bằng 110% so với kế hoạch và tăng trên 20% so với thực hiện năm 2015, nộp ngân sách nhà nước 315 tỷ đồng. Đồng thời, DATC thực hiện tiếp nhận nợ và tài sản loại trừ tại 39 DN; xử lý tài sản và thu hồi nợ đã tiếp nhận tại 122 DN, qua đó giúp các DN này hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định hơn sau cổ phần hóa….

Với những kết quả đã đạt được, năm 2008 DATC đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động Hạng 3 và năm 2016 vừa qua, DATC tiếp tục được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động Hạng 2 để ghi nhận những nỗ lực vượt bậc của DATC từ khi thành lập đến nay.

Ông có thể bật mí “bí quyết” nào giúp Công ty liên tục gặt hái được những thành công trên?

 “Bí quyết” để tạo sự thành công cho DATC hết sức đơn giản, đó là chúng tôi cụ thể hóa khẩu hiệu “Đoàn kết, sáng tạo, trách nhiệm, hiệu quả” bằng hành động thiết thực. Cụ thể như:

- Thường xuyên củng cố, xây dựng khối đoàn kết nội bộ vững mạnh trong Đảng ủy, Hội đồng thành viên, Ban giám đốc, các tổ chức đoàn thể.

- Phát huy trí tuệ tập thể, khuyến khích, tạo điều kiện để tốt nhất để toàn thể CBCNV trong Công ty, phát huy hết khả năng sáng tạo của mình trong thi hành nhiệm vụ.

- Nêu cao tinh thần trách nhiệm của CBCNV khi thực hiện nhiệm vụ, nhất là đối với người đứng đầu các cấp. Mỗi công việc giao cho tập thể, cá nhân đều gắn trách nhiệm với kết quả thực hiện. Đồng thời, thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc  để đảm bảo các công việc đạt kết quả tốt nhất.

- Nguyên tắc hiệu quả luôn luôn được đặt lên hàng đầu. Theo đó, mỗi phương án đầu tư, kinh doanh, đều được xem xét, đánh giá và thảo luận rất kỹ để vừa đảm bảo hỗ trợ các doanh nghiệp vừa không để xảy ra trường hợp rủi ro...

Một nửa chặng đường năm 2017 đã qua, kết quả thực hiện các nhiệm vụ đặt ra trong năm được Công ty thực hiện như thế nào, thưa ông?

Xác định năm 2017, vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn thách thức, nên ngay từ đầu năm, bám sát  mục tiêu, kế hoạch và giải pháp đề ra, DATC đã  triển khai đẩy mạnh hoạt động trên tất cả các lĩnh vực, qua đó đã đạt được kết quả tương đối khả quan: Doanh số mua nợ  của DATC bằng 159% so với cùng kỳ 2016, giá trị khoản nợ đã mua đạt khoảng gần 3.000 tỷ đồng, doanh thu bằng 108% so với cùng kỳ năm 2016. DATC cũng đang thực hiện các thủ tục cuối cùng để hoàn thành việc chuyển đổi 03 DNNN có tình hình tài chính khó khăn, không đủ điều kiện cổ phần hóa thành công ty cổ phần thông qua hoạt động mua bán nợ: Haprocimex, Công ty Thực phẩm Miền Bắc, DAMCO. Đồng thời tiếp tục xử lý nợ, tái cơ cấu các Tập đoàn, Tổng Công ty được Chính phủ giao SBIC, Vinalines…

Bên cạnh đó, DATC cũng tập trung xây dựng, hoàn thiện và ban hành nhiều quy trình, quy chế nội bộ để thống nhất thực hiện trong các đơn vị thuộc Công ty.

Hiện nay, DATC được nhiều tổ chức tài chính đánh giá là đơn vị đi đầu trên thị trường mua bán nợ Việt Nam. Ông có bình luận gì về đánh giá này?

Tôi cho rằng, việc đánh giá trên là hoàn toàn chính xác. Cơ sở đánh giá của họ là nhìn nhận toàn bộ quá trình hình thành, phát triển và những kết quả DATC đã đạt được kể từ khi thành lập đến nay.

Theo đó, DATC đã thực hiện hàng trăm phương án mua bán nợ, chủ yếu thực hiện mua, bán nợ theo cơ chế thị trường với số vốn mua nợ lên tới cả chục nghìn tỷ đồng; giúp các tổ chức tín dụng xử lý hàng chục nghìn tỷ đồng nợ xấu; DATC đã thành công trong kết hợp với tái cơ cấu tài chính, chuyển đổi các DN khách nợ, qua đó giúp nhiều DN lành mạnh tài chính, khôi phục sản xuất kinh doanh; Hỗ trợ trên 20 TCT nhà nước đủ điều kiện cổ phần hóa theo lộ trình chung của Chính phủ.

Để phát triển vươn tầm quốc tế, DATC đã chủ động mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều cơ quan, tổ chức tài chính quốc tế, điển hình như: Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng SMBC- Nhật Bản, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA... Các tổ chức tài chính quốc tế cũng đánh giá cao kinh nghiệm mua bán, xử lý nợ của DATC. Đây “điểm nhấn” quan trọng để các tổ chức tài chính, cộng đồng DN đưa ra đánh giá về DATC.

Xin cảm ơn ông!