Để xuất khẩu thủy sản không "vỡ trận"

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Những khó khăn tiếp diễn từ đầu năm 2012 như thiếu nguyên liệu, nhu cầu của thị trường châu Âu giảm mạnh, sự tăng cường kiểm soát tôm nhập khẩu của Nhật Bản cũng như sự khát vốn của các doanh nghiệp thủy sản... đang khiến mục tiêu đạt 6,5 tỉ USD xuất khẩu thủy sản 2012 khó thành hiện thực.

Vậy làm thế nào để điều này không xẩy ra cũng như việc duy trì được lợi thế xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong những năm tiếp theo?

Khó đạt mục tiêu

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản 10 tháng đầu năm lên 5,04 tỉ USD và nếu tính theo kế hoạch xuất khẩu của cả năm (6,5 tỉ USD), thủy sản Việt Nam chỉ còn gần 1,5 tỉ USD là đạt mục tiêu. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia cũng như các DN xuất khẩu thủy sản, mục tiêu này rất khó đạt. Ông Nguyễn Thanh Hùng - Giám đốc Công ty CP thủy sản Hùng Hạnh phân tích, thế giới có ba thị trường chính tiêu thụ thủy sản của Việt Nam là Châu Âu, Mỹ và Nhật. Khó khăn bắt đầu từ giảm nhu cầu tiêu thụ của thị trường Châu Âu, đặc biệt là Đức giảm 18%, Italia giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái, thị trường Nhật Bản giảm mạnh. "Thông thường vào cuối năm, nếu các đối tác nước ngoài tăng cường mua hàng về phục vụ cho dịp Tết, thị trường sẽ sôi động trở lại, có thể giá sẽ tăng và hi vọng năm sau tình hình tốt hơn. Còn nếu tình hình sức tiêu thụ không có gì thay đổi đáng kể thì DN xuất khẩu thủy sản sẽ rất xấu, hàng loạt DN sẽ rơi vào tình trạng nguy hiểm và mục tiêu 6,5 tỉ USD của năm 2012 rất khó đạt được. Với tình hình hiện nay, phương án thứ 2 rất dễ xảy ra" - ông Hùng nói.

Bên cạnh lý do các thị trường truyền thống giảm nhu cầu, nhiều chuyên gia cũng nhận định, chính mối liên kết giữa người nuôi và các DN chế biến thủy sản chưa chặt chẽ, tình trạng thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, khả năng đổi mới và đa dạng hóa sản phẩm không cao, chưa xây dựng tốt quan hệ liên kết giữa sản xuất nguyên liệu và nhà máy chế biến,… cũng là một trong những nguyên nhân chính đẩy ngành này vào tình trạng khó khăn như hiện nay. Ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch HĐQT Cty Thuận Phước cho biết hiện DN thủy sản đang gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ, giá đầu ra thấp trong khi các chi phí đầu vào tăng vọt... "Khi chúng ta đạt mục tiêu xuất khẩu 5 tỉ USD, tôi có nói là con số này là con số cuối cùng mà ngành thủy sản Việt Nam xuất khẩu trong năm nếu chỉ dựa theo phương thức từ trước đến nay như khai thác điều kiện tự nhiên của Việt Nam và nhân công giá rẻ. Và khi các lợi thế nêu trên không còn thì việc không đạt mục tiêu 6,5 tỉ USD trong năm 2012 nếu có xảy ra cũng không có gì là bất ngờ." - ông Lĩnh nhấn mạnh.

Bền vững + thị trường mới + gia tăng giá trị

Theo các số liệu thống kê, cho đến thời điểm hiện nay đã có trên 30% xí nghiệp thủy sản đóng cửa, 50% DN đang rất khó khăn. Do đó, trong năm 2013 và cả những năm tiếp theo, khó khăn mà các DN xuất khẩu thủy sản phải đối mặt là vô cùng lớn. Theo ông Lĩnh thì thủy sản Việt Nam đã đánh mất thế cạnh tranh do không có quy hoạch bền vững, đặc biệt là vùng nguyên liệu. Ví dụ về ngành tôm: tại Ấn Độ giá tôm nguyên liệu rẻ hơn tại VN 2 USD/kg, giá tôm Banglades rẻ hơn một nữa so với Việt Nam, đặc biệt tôm nguyên liệu của Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam do người Thái vận chuyển đến tận các nhà máy rẻ hơn 1 USD/kg. Vì vậy, chúng ta cần phải có hướng đầu tư phát triển vùng nguyên liệu một cách bền vững, phát triển công nghiệp phụ trợ phục vụ chế biến thủy sản" - ông Lĩnh nhấn mạnh.

Việc tìm kiếm thị trường mới được xem là lối thoát quan trọng trong giai đoạn khó khăn hiện tại và là hướng đi được nhiều DN lựa chọn. Ông Lê Minh Hoàng - GĐ CTCP thủy sản Nhật Hoàng cho biết DN ông đang đẩy mạnh việc tiếp thị các sản phẩm của DN sang các thị trường mới, đặc biệt là Châu Á và Châu Phi. Tuy nhiên, muốn làm được điều, các DN cần chủ động trong việc tìm thị trường chứ không đơn thuần lệ thuộc vào sự chỉ định của nhà đặt hàng như cách phổ biến hiện nay.

Bên cạnh đó là việc gia tăng giá trị cho thủy sản bằng cách đổi mới và đa dạng hóa sản phẩm. "Các DN phải chủ động nghiên cứu lại cả quá trình, từng khâu trong sản xuất, xác định công đoạn mang lại giá trị gia tăng cao ngay trong một sản phẩm” - ông Hùng cho biết.