Doanh nghiệp cần "xách cặp" đi học quản trị

Lương Bằng (HQ Online)

Doanh nghiệp Việt thiếu nền tảng quản trị cơ bản nên nhanh chóng lộ rõ “hụt hơi” trước biến cố khó lường của thị trường.

Doanh nghiệp cần "xách cặp" đi học quản trị
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Doanh nghiệp nội yếu thế

“Nếu các bạn thăm một nhà máy của Việt Nam và một nhà máy của doanh nghiệp FDI trong cùng một ngành, bạn sẽ cảm thấy “sốc”. Bởi vì sự khác biệt quá lớn. Nhà máy của doanh nghiệp FDI sử dụng ít lao động hơn, ít hàng lưu kho hơn, ít khâu trong quá trình sản xuất hơn…"- Lời chia sẻ của ông Alain Cany, nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam đã phần nào gợi mở lí do vì sao trong khó khăn, doanh nghiệp nội "thoi thóp", "ngắc ngoải" mà doanh  nghiệp FDI vẫn trụ vững và phát triển tốt.

Sức sống của doanh nghiệp FDI cũng nhận được lời khen ngợi của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Ông Lộc chia sẻ: Khó khăn của doanh nghiệp đang lớn hơn so với dự kiến của người làm chính sách. Khó khăn một cách toàn diện, từ doanh nghiệp lớn đến doanh nghiệp nhỏ và vừa, từ doanh nghiệp tư nhân cho đến doanh nghiệp Nhà nước. Chỉ có doanh nghiệp FDI là đỡ khó khăn hơn cả. Họ phát triển tương đối vững chắc, số lượng doanh nghiệp FDI giải thể cũng ít hơn rất nhiều. Điều này chứng tỏ năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp FDI tốt hơn, quản trị doanh nghiệp tốt hơn, và sản xuất gắn với chuỗi giá trị toàn cầu.

Chúng ta không thể sống sót nếu dựa vào các chính sách tài khóa, tiền tệ ngắn hạn chỉ có tác dụng tạm thời trong ngắn hạn. Nếu áp dụng những chính sách như vậy trong thời gian quá dài sẽ có thể “giết chết” nhiều doanh nghiệp.

Ông Alain Cany

Và một trong nhiều lí do khiến doanh nghiệp nội tỏ ra yếu thế cũng được đại diện cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đưa ra là “Các doanh nghiệp nội hướng vào thị trường trong nước dành thời gian để quan hệ nhiều hơn là nâng cao năng lực quản trị”.

Ngoài ra, ông Vũ Tiến Lộc cũng đề cập đến một điều được xem là nghịch lí. Ông Lộc chia sẻ: Dường như sự cạnh tranh của doanh nghiệp lớn tỉ lệ nghịch với quy mô doanh nghiệp. Trong gian khó, doanh nghiệp nhỏ và vừa lại có khả năng trụ vững tốt hơn doanh nghiệp lớn.

Cứu doanh nghiệp phải chọn lọc

Lúc này, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang rất cần một chương trình tổng thể cho sự phát triển của doanh nghiệp trong thời gian tới. Chương trình ấy theo ông Vũ Tiến Lộc phải triển khai dựa trên ba trụ cột.

Một là giữ vững ổn định vĩ mô, hướng tới kinh tế thị trường, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, lấy việc đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp Nhà nước làm trung tâm.

Hai là các biện pháp giải cứu, trợ giúp doanh nghiệp phải nhằm vào nhóm doanh nghiệp có tiềm năng cạnh tranh nhưng gặp khó khăn tạm thời. Không nên cứu toàn bộ doanh nghiệp nói chung vì như vậy chính sách sẽ dàn trải.

Vấn đề sống còn là phải lấy lại được niềm tin và khẳng định hướng đi cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế. Triển khai tái cấu trúc nền kinh tế đang chậm hơn so với yêu cầu vì thiếu động lực, thiếu quyết tâm chính trị.

Ông Vũ Tiến Lộc

Ba là có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao nội lực của chính doanh nghiệp. Đây là lúc không phải chỉ tập trung cải cách thể chế, giải phóng khó khăn bằng biện pháp tài chính mà phải giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị. Bấy lâu nay doanh nghiệp Việt vươn lên, phát triển kinh doanh ra cả thị trường thế giới nhưng không chú ý nhiều đến nền tảng quản trị.

Vì thế đây là lúc cần thiết để doanh nghiệp học những bài học quản trị cơ bản, để phát triển những bước tiếp theo, lấy đà tăng trưởng trong thời gian tới. Để làm được điều đó, doanh nghiệp rất cần “bàn tay đỡ đầu” của Nhà nước, mà theo lời ông Vũ Tiến Lộc là “phải đồng loạt ra quân hỗ trợ doanh nghiệp”.

“Phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa không biết tái cấu trúc như thế nào, nâng cao năng lực quản trị thế nào nên việc giúp đỡ doanh nghiệp là rất quan trọng” – ông Lộc chia sẻ.