Doanh nghiệp dầu khí “ngồi trên đống lửa”

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Trong bối cảnh giá dầu biến động liên tục, việc tăng cường công tác dự báo thị trường để thu xếp nguồn hàng, cân đối tồn kho và tiêu thụ hàng, đưa ra quyết định thời điểm xuất/nhập kịp thời là rất quan trọng. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tìm kiếm khách hàng, phát triển thị trường tiêu thụ, tạo cơ sở gia tăng sản lượng tiêu thụ và đơn vị bán.

Doanh nghiệp dầu khí “ngồi trên đống lửa”
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Giảm mạnh nguồn thu

Sự suy giảm mạnh mẽ của giá dầu từ nửa cuối năm 2014 đã ảnh hưởng lớn đến tình hình tài chính của hầu hết các đơn vị trong Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Theo tính toán của Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power), nếu giá dầu giảm 1 USD/thùng so với kế hoạch đề ra, sẽ làm doanh thu của DN giảm 100 tỷ đồng, lợi nhuận giảm 4 tỷ đồng và nộp ngân sách Nhà nước giảm 1 tỷ đồng.

Tuy nhiên, không chỉ ảnh hưởng đến doanh thu, mà tiến độ thực hiện các dự án cũng có nguy cơ bị chậm lại do thiếu vốn đầu tư.

Theo ông Hoàng Ngọc Đang, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Thăm dò và khai thác dầu khí (PVEP), việc giá dầu giảm đến 60% so với mức cao nhất trong năm 2014 đã khiến cho công ty mất cân đối về tài chính và ảnh hưởng tiến độ thực hiện các dự án. Trong khi đó, giá dầu năm 2015 lại tiếp tục được dự báo sẽ giữ ở mức thấp, trong khi chi phí các dịch vụ dầu khí không giảm tương ứng và kịp thời, làm ảnh hưởng hiệu quả của các dự án, doanh thu và lợi nhuận, gây khó khăn trong việc thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu của năm 2015.

“Theo kế hoạch, PV Power phải đầu tư 1,6 triệu USD trong năm 2015. Nhưng khi giá dầu giảm, kế hoạch ban đầu phần tiền để lại đảm bảo 800 triệu USD và vay 700 triệu USD khó thực hiện. Bởi phần tiền để lại chỉ còn 200 triệu USD, như vậy phải đi vay 1,2 - 1,5 tỷ USD. Do vậy, hoàn thành nhiệm vụ 2015 là khó. Nên để đối phó tình hình này, phải cắt hoặc giảm đầu tư, giãn tiến độ các dự án khoảng 500 triệu USD trong năm 2015. Một số công trình cho những năm tiếp theo cũng sẽ bị chậm lại, đặc biệt là giếng thăm dò sản lượng cho những năm tiếp theo chắc chắn bị chậm lại”, ông Đang nói.

Không hoãn thăm dò, khai thác

Theo đại diện của Công ty TNHH MTV Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR), việc giá dầu giảm từ tháng 7/2014, xuống còn 68,66 USD/thùng, đã kéo theo giá sản phẩm cũng giảm đáng kể, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. Riêng tháng 11/2014, giá dầu thô giảm 8,5 USD/thùng so với tháng 10/2014 làm BSR lỗ 237 tỷ đồng.

Hiện dầu thô đưa vào chế biến cho tháng 12/2014 là các lô dầu được nhập về của tháng trước nên giá cao, trong khi giá sản phẩm đã giảm tới mức tương ứng với giá dầu thô là 68,66 USD/thùng, nên theo tính toán của BSR, kết quả sản xuất kinh doanh tháng 12/2014 lỗ khoảng 476 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Xuân Sơn, Chủ tịch HĐQT PVN cho biết, chỉ khi có hiệu quả mới khai thác, còn nếu kinh doanh không hiệu quả, PVN tính đến phương án giãn hoặc giảm sản lượng khai thác, thậm chí là dừng lại để giữ tài nguyên. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất đặt ra với toàn ngành dầu khí hiện nay là phải hoàn thành mục tiêu cắt giảm 20 - 30% chi phí thuê ngoài và nâng cao quản trị rủi ro.

Hiện PVN vẫn đang tiếp tục bám sát diễn biến giá dầu để có biện pháp và kế hoạch kinh doanh phù hợp, đồng thời lên phương án và các kịch bản cụ thể để đối phó với giá dầu giảm, triển khai chủ trương của Chính phủ sẽ xây dựng kho dự trữ 1 triệu tấn dầu.

Theo đại diện của Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas), trong bối cảnh giá dầu biến động liên tục, việc tăng cường công tác dự báo thị trường để thu xếp nguồn hàng, cân đối tồn kho và tiêu thụ hàng, đưa ra quyết định thời điểm xuất/nhập kịp thời là rất quan trọng. Do đó, để đạt được mục tiêu kinh doanh năm 2015, một trong những phương hướng được PVN đặt ra là nhạy bén hơn với những biến động của thị trường nhiên liệu trên thế giới để đưa ra những dự báo tốt hơn, làm cơ sở xác định thời điểm mua, bán nguồn hàng, giá cả.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác tìm kiếm khách hàng, phát triển thị trường tiêu thụ, tạo cơ sở gia tăng sản lượng tiêu thụ và đơn vị bán.

Cho rằng không nên chỉ trông chờ vào giá dầu phục hồi, ông Phạm Việt Anh, Tổng giám đốc Tổng công ty Vận tải dầu khí (PV Trans) cho rằng, các DN cần sớm có bước đi, chiến lược mới để đảm bảo hoạt động và doanh thu. Trong đó, chú trọng đến các ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật vào khai thác để giảm chi phí, giá thành khai thác và sản xuất dầu, nâng cao hiệu quả khai thác.

Dẫn chứng từ Thái Lan, ông Anh cho biết các DN dầu khí nước này đã đưa vào vận hành giàn khoan nhẹ, thời gian khai thác nhanh với chi phí thấp mà hiệu quả cao.

Cùng với việc theo dõi sát diễn biến giá dầu, lên các phương án và đề xuất kịp thời, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định, Chính phủ sẽ có chính sách cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho các DN ngành dầu khí. Tuy nhiên, với những dự án thăm dò và khai thác dầu khí, Phó thủ tướng lưu ý các DN cần tập trung nguồn vốn, không được giãn, hoãn hay dừng thăm dò khai thác, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước với mục tiêu khai thác 4 triệu tấn dầu.