Doanh nghiệp không dám nói thẳng với chính quyền

Theo VEF

Có tới 60% doanh nghiệp muốn đối thoại với chính quyền về các vướng mắc của mình, nhưng khi gặp mặt công khai, doanh nghiệp lại ngại nói thẳng, chính quyền cũng thờ ơ, không rốt ráo giải quyết vấn đề.

Công bố một nghiên cứu về đối thoại công – tư tại các tỉnh, thành phố vừa thực hiện trong tháng 9-10 vừa qua, ông Đậu Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Phụ trách, Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ, nhu cầu đối thoại với chính quyền của DN rất lớn, nhưng không phải lúc nào cũng đạt hiệu quả như mong muốn.

Chính quyền câu giờ

Điều tra gần 8.200 DN của VCCI và VNCI cho thấy, có tới 60% DN đánh giá đối thoại trực tiếp với chính quyền là kênh hiệu quả nhất để đóng góp ý kiến xây dựng chính sách. Việc thông qua hiệp hội để nói lên nguyện vọng của mình chỉ nhận được 15,76% DN đánh giá tốt.

Có rất ít DN kỳ vọng kết quả tốt đẹp ở việc góp ý kiến một cách trực tiếp với cơ quan Nhà nước (tỷ lệ 12,71% DN), hay như qua đoàn Đại biểu Quốc hội của tỉnh (3,53% DN), qua website (4,24% DN). Đáng chú ý, kênh chính thống nhất là phòng kiểm soát thủ tục hành chính của UBND tỉnh, thành phố chỉ nhận được 0,47% DN lựa chọn.

Mặc dù nhu cầu lớn như vậy nhưng cho đến nay, vẫn chỉ có 12,61% DN xác nhận đã từng tham gia góp ý kiến về xây dựng chính sách. Phần còn lại, với tỷ lệ 87,39%% nói rằng, chưa từng tham gia việc này bao giờ.

Ghi nhận từ nhiều cuộc đối thoại, ông Đậu Anh Tuấn cho biết, nguyên nhân nằm ở chính quy trình chuẩn bị trước và sau các cuộc đối thoại này không tốt.

Ở nhiều cuộc, các lãnh đạo tỉnh phát biểu rất dài, có trường hợp tới 2 tiếng mà nội dung thì không trúng ý DN muốn giải đáp. Một số cuộc gặp khác thì DN sa đà vào những vấn đề mang tính cá nhân, chính quyền không thể trả lời hết.

Nhiều tỉnh tổ chức đối thoại nhưng lại chỉ lựa chọn những DN lớn, thành công, thân cận tham gia nên rốt cục là, trên hội trường ý kiến DN cho thấy toàn điều tốt đẹp.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều cơ quan vẫn chưa coi đây là một van xả để DN nói hết cơ sự, là dịp để Nhà nước thấu hiểu được DN. Lắng nghe xong, chính quyền không giải quyết rốt ráo vấn đề của DN. Tất yếu, DN nản, không còn muốn tham gia đối thoại. Hậu quả là những bức xúc về môi trường đầu tư kinh doanh vẫn tiếp tục âm ỷ.

Chuyên gia kinh tế Vũ Quốc Tuấn nói thẳng, tính hình thức rõ nét nhất là ở nhiều cuộc đối thoại về thuế, hải quan, trước những bất cập được DN nêu lên, lãnh đạo lại bảo, tôi xin tiếp thu, nghiên cứu, hoặc là câu giờ cho đến khi hết thời gian là xong.

“Quan trọng ở đây là sự thân thiện của chính quyền đối với DN đến đâu”, ông Vũ Quốc Tuấn nói.

Còn theo lý giải của Phó Giám đốc Nguyễn Mạnh Quyền, Sở KHĐT Hà Nội, nhiều DN lại nêu những vấn đề vướng mắc thuộc về các cấp Trung ương. Chúng tôi chỉ có thể ghi nhận và chuyển giao lên cấp Trung ương, nhưng ghi nhận lần thứ nhất, DN gật đầu đồng ý, ghi nhận lần 2, DN không gật đầu nữa và ghi nhận lần 3 thì DN bảo, có khi lần sau các ông vẫn ghi nhận thế. Nếu DN hỏi vấn đề địa phương, thuộc thẩm quyền thì Tp Hà Nội vẫn rất quyết liệt giải quyết.

DN sợ trù úm hay chính quyền không thích nghe?

Tuy nhiên, có một lý do quan trọng khác khiến các cuộc đối thoại chính quyền- doanh nghiệp trở nên hình thức, đó là tâm lý DN ngại nói thật.

Ông Đậu Anh Tuấn cho biết, rất nhiều DN có ngại va chạm, không dám nói thẳng. Vì có thể do DN chưa tin vào sự giải quyết công tâm của chính quyền nếu nói công khai trong hội trường. Thay vào đó, họ cho rằng, trao đổi riêng lẻ với cá nhân lãnh đạo chính quyền sẽ tốt hơn. Cách thức này có thể tốt cho việc riêng của một DN nhưng chỉ những DN thân cân mới làm được, hơn nữa, không có lợi cho cải thiện thực sự môi trường kinh doanh.

Đại diện lãnh đạo tỉnh Hà Nam thừa nhận, qua nhiều cuộc đối thoại ở tỉnh, đúng là có tình trạng, trong hội trường thì DN không nói, ra ngoài hành lang mới nói. Trong khi ở các DN FDI, họ đặt vấn đề rất cụ thể, thẳng thắn.

Tuy nhiên, luật sưVũ Xuân Tiền khẳng định: “Không dám nói thẳng chính là hạn chế lớn nhất ở một cuộc đối thoại giữa DN và chính quyền. Vì nói thật, họ sợ bị trù úm”.

Ông Tiền kể, qua tư vấn luật cho nhiều DN, ông khuyên DN nên kiện ra tòa án hành chính nhưng DN lắc đầu bảo, nếu tôi kiện, lập tức tôi chuyển khẩu sang nơi khác.

Bên cạnh đó, phía chính quyền có muốn nghe nói thẳng, nói thật hay không lại là chuyện khác. “Gần đây, tôi tham gia một cuộc họp của một ủy ban thuộc Quốc hội tổ chức. Nhưng sau đó giải lao, có một vị lãnh đạo cấp Bộ đã “phê phán” Ủy ban này là tại sao, lại mời mấy ông nói ngang như vậy đến dự?”, ông Tiền kể lại.

Thêm một lý do khác khiến DN khó nói thật, theo ông Chiến, Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ DN tỉnh Hải Dương chính là vì mối quan hệ cả nể trước đây.

Ông cho biết, hầu hết các vị lãnh đạo trong hiệp hội chủ yếu là giám đốc, chủ tịch của các DN lớn, các giám đốc, phó giám đốc, trưởng phòng sở ban ngành đã về hưu. Thế thì, liệu các đại diện này có dám đặt ra câu hỏi truy đến cùng, thật và thẳng đối với lãnh đạo tỉnh không?

Đó cũng là ý do mà cuộc nghiên cứu của VCCI trên còn chỉ ra rằng, vai trò của Hiệp hội trong các cuộc đối thoại với chính quyền rất mờ nhạt. Theo ông Trần Hữu Huỳnh, Trưởng Ban pháp chế của VCCI, nhiều Hiệp hội đang nhận tài trợ từ chính quyền tỉnh nên khi có đối thoại, bản thân hiệp hội cũng không muốn DN trực tiếp phát biểu ý kiến của mình.

Cũng vì không tín nhiệm vào sự giải quyết rốt ráo “hậu” đối thoại, nhiều cuộc khảo sát ý kiến DN ở tỉnh Hải Dương được ông Chiến cho biết, rơi vào tình trạng, DN bảo nhau tích chung chung ô trả lời cho xong. “Bản thân DN cũng cần phải nghiêm túc hơn khi nêu vấn đề với chính quyền”, ông Chiến nói.

Tiếp cận trực tiếp là cách mà nhiều DN “ngại nói thật” đang áp dụng. Nhưng nói về “kênh” này, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Giám đốc Sở KHĐT Hà Nội giãi bày thêm: “Nhiều DN tìm mọi cách để gặp được lãnh đạo Tp, không cách này thì cách khác, không gặp được ngày thì gặp tối, không được nữa thì lại nhờ người quen biết kết nối. Nhưng địa điểm đầu tư ở Hà Nội thôi mà có mấy chục DN tiếp cận gặp lãnh đạo thành phố thì rất bất cập. Lãnh đạo không gặp hoặc gặp đều có khi vẫn không giải quyết được vấn đề cho DN, lại khiến môi trường kinh doanh không tốt.

Ông Nguyễn Phương Bắc, Phó giám đốc Sở KHĐT Bắc Ninh cho rằng, để tăng tính hiệu quả các cuộc đối thoại công – từ này thì các địa phương cần phải thể chế hóa các quy định cứng. Hiện nay, Sở KHĐT Bắc Ninh cũng đang soạn thảo quy định trách nhiệm của người đứng đầu trong việc giải quyết kiến nghị của DN.

Theo khuyến nghị của VCCI, một cuộc đối thoại công – tư, giữa chính quyền và DN thực hiện tốt phải là một quy trình được chuẩn bị kỹ càng. Trong đó, giai đoạn chuẩn bị cần có những khảo sát nhanh , trao đổi sơ bộ với các nhóm DN, qua đó xác định được đúng chủ đề đối thoại là các vướng mắc bức xúc của DN.

Khi tổ chức, các địa phương có thể sáng tạo linh hoạt nhiều cách thức để cuộc đối thoại diễn ra hiệu quả, như việc tích cực truyền thông, mời các chuyên gia độc lập am hiểu làm chủ tọa cuộc gặp mặt, xây dựng biên bản xác nhận các vướng mắc đã được phản ánh, tiếp thu và cam kết giải quyết…

Điều quan trọng hơn là “hậu” đối thoại, các hoạt động theo dõi, đánh giá kết quả cuộc đối thoại phải tiếp diễn tích cực, công khai trên mạng để DN giám sát, cùng thực hiện.