Doanh nghiệp nhà nước giảm chỉ tiêu kinh doanh

Theo NLĐ

Xu hướng suy giảm về doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước trong năm 2013 là khá rõ ràng. Dự báo tình hình kinh tế năm 2013 tiếp tục gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đã đồng loạt hạ chỉ tiêu kinh doanh so với năm 2012.

Tăng đầu tư, giảm lợi nhuận

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, 73 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đều giảm chỉ tiêu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm nay. Theo kế hoạch, doanh thu của các doanh nghiệp này dự kiến chỉ đạt 95,8% kế hoạch, lợi nhuận trước thuế và nộp ngân sách chỉ đạt khoảng 79% so với mức thực hiện năm 2012.

Trong đó, mức điều chỉnh giảm mạnh nhất là doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương. Tập đoàn Dầu khí dự báo chỉ đạt 85% doanh thu, đạt 61% lợi nhuận so với năm 2012. Tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước năm 2012 cũng giảm 4,16% so với mức thực hiện của năm 2011, chỉ đạt 14,84%.

Trong đó, chỉ có 20% số doanh nghiệp đạt tỉ suất lơi nhuận trên vốn hơn 20%, còn lại đa số đều có mức lợi nhuận dưới 10%. Bộ Kế hoạch - Đầu tư lo ngại việc giảm chỉ tiêu kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước sẽ tác động tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế nói chung, vì khu vực kinh tế này đang đóng góp gần 30% GDP và 40% ngân sách Nhà nước.

Mặc dù giảm mạnh các chỉ tiêu hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng các doanh nghiệp lại có kế hoạch đầu tư cao hơn so với năm 2012. Tính chung các doanh nghiệp này, tổng vốn đầu tư phát triển năm 2013 là 506.995,3 tỉ đồng, tăng 32,4% so với thực hiện năm 2012. Trong đó, riêng 8 tập đoàn kinh tế dự kiến đầu tư 274.278 tỉ đồng, tăng 18,4% và chiếm hơn một nửa kế hoạch đầu tư của khối DNNN.

Theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, xu hướng suy giảm về doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước trong năm 2013 là khá rõ ràng.

Nguy cơ tăng nợ

Theo các chuyên gia kinh tế, việc DNNN tăng đầu tư nhưng giảm lợi nhuận cho thấy căn bệnh đầu tư dàn trải chưa được khắc phục triệt để. Việc này ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế vì đầu tư được coi là động lực chính để tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội năm 2012 cho thấy hệ số ICOR (đo lường số đơn vị vốn cần tăng thêm để tạo ra một đơn vị sản lượng) của Việt Nam từ giai đoạn 2006 -2008 đã lên đến 5.4, cao hơn nhiều so với mức 3 – 4.1 của một số nước châu Á khác. Riêng khối DNNN, chỉ số ICOR còn cao gấp 1,5 lần so với mức chung của cả nền kinh tế. Bên cạnh đó, nợ của khu vực doanh nghiệp này cũng rất cao, lên đến 1,3 triệu tỉ đồng, cũng khiến rủi ro của DNNN cao.

Bản tin nợ công số 8 Bộ Tài chính vừa phát hành cho biết nợ công của Việt Nam tính đến ngày 31-12-2011 là 1,392 triệu tỉ đồng, bằng 54,9% GDP năm 2011. Trong nợ của Chính phủ có 285.000 tỉ đồng nợ được Chính phủ bảo lãnh, bằng 11,3% GDP, trong đó, DNNN chiếm tỉ lệ không nhỏ gồm các khoản vay bảo lãnh vay nước ngoài, bảo lãnh vay/phát hành trái phiếu trên thị trường vốn trong nước cho một số dự án trọng điểm theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.