Doanh nghiệp nhỏ hướng ngoại

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Một lượng rất lớn DNNVV thuộc nhiều lĩnh vực sản xuất, thương mại, du lịch… đang đầu tư, kinh doanh sang các nước láng giềng gần Việt Nam. Doanh nghiệp Việt Nam chọn con đường kinh doanh sang nước láng giềng là đang đi trước, đón đầu cơ hội tự do hóa thương mại, khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập.

Doanh nghiệp nhỏ hướng ngoại
Doanh nghiệp Việt Nam chọn con đường kinh doanh sang nước láng giềng là đang đi trước, đón đầu cơ hội tự do hóa thương mại. Nguồn: internet
Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Hoa Sen (xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh) đang chuẩn bị khoảng 6 nhân viên là thợ chuyên thi công chống thấm ở các dự án trung tâm thương mại sang Lào làm việc. Đây là sự hợp tác giữa Công ty Hoa Sen với một DN xây dựng nhỏ của Trung Quốc. Mỗi đợt làm việc tại nước láng giềng từ 15 ngày đến 1 tháng.

Quá trình làm việc, tùy theo nhu cầu sử dụng sản phẩm (vật liệu xây dựng chuyên dùng) nhiều hay ít, công ty đều chủ động bao cả phần thi công và vật liệu. Giám đốc công ty, ông Lê Nguyễn Phước Vũ cho biết, công ty đã thực hiện 4 chuyến đưa công nhân sang Campuchia, Lào và một chuyến Myanmar làm việc. Thu nhập sau khi trừ chi phí, công ty lãi được hơn 1 tỷ đồng…

Ông Vũ nhận định, tuy làm việc ở xa, điều kiện vận chuyển phương tiện lao động, vật tư khó khăn hơn trong nước, nhưng các nước này đang trong giai đoạn khôi phục, phát triển kinh tế. Họ đang đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài. Nguồn vốn từ các nước phát triển như Pháp, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc đang đầu tư rất mạnh tại đây.

DN Việt Nam như Công ty Hoa Sen chuyên về thi công chống thấm ở các dự án trung tâm thương mại, chung cư cao cấp. Ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận (Bình Dương, Đồng Nai…), tuy mật độ xây dựng nhiều nhưng cạnh tranh cũng rất lớn. DN tư nhân, DN nhỏ khó chen chân được vào dự án lớn. Vì vậy, chọn đi làm xa, vất vả, nhưng kinh doanh theo kiểu mua đứt, bán đoạn lại “ngon ăn”.

Cũng chọn cho mình hướng tìm việc mới, tiêu thụ sản phẩm ra thị trường nước láng giềng, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Phú Quang (đường Nguyễn Tất Thành, quận 4, TP. Hồ Chí Minh) - DN chuyên kinh doanh hàng may mặc thời trang và hàng tiêu dùng - hàng tháng đều chuyển 2 đến 3 chuyến hàng hóa Việt Nam sang Campuchia bán theo đơn đặt hàng.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hiền, Giám đốc công ty cho biết, Phú Quang cung cấp tất cả hàng hóa theo đơn đặt hàng của đối tác là nhà phân phối ở chợ Cây Tre, Chợ Mới tại Phnom Penh và một số tỉnh thành khác của Campuchia như Siem Reap, Battambang, Sihanouk Ville…

So sánh với các cửa hàng bán lẻ tại Việt Nam của công ty thì việc bán hàng sang Campuchia có nhiều lợi thế hơn. Đầu tiên là “tiền trao cháo múc”, hàng gửi đi khoảng 10 ngày là công ty nhận được tiền. Đối tác Campuchia chuộng chữ tín và kinh doanh trung thực, số lượng hàng hóa đủ, đúng chất lượng là họ trả tiền rất nhanh chóng và đặt hàng số lượng lớn.

Hiện nay, Campuchia đang chuẩn bị cho đợt mua sắm đón Tết cổ truyền của họ (vào tháng Tư), vì vậy đơn đặt hàng liên tục gửi sang.

Thông qua đối tác Campuchia, Công ty Phú Quang còn tiếp cận được một số tiểu thương bán hàng sỉ tại chợ biên giới Tây Bắc Campuchia giáp Thái Lan như chợ cửa khẩu Poipet và chợ Long Kưa. Chính đặc điểm này mà công ty thấy lợi ích lớn khi làm việc với nước láng giềng gần. Hiện nay, công ty đang đưa một nhóm nhân viên makerting sang làm việc với bạn hàng mới người Thái Lan ở chợ Long Kưa và hy vọng sẽ có thêm tuyến hàng mới trong năm 2015.

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng phòng Giao dịch quốc tế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, ngoài những DN lớn, có tên tuổi như Hoàng Anh Gia Lai, Vinamilk, Vissan, Hoa Sen Group… còn một lượng rất lớn DNNVV thuộc nhiều lĩnh vực sản xuất, thương mại, du lịch… đang đầu tư, kinh doanh sang các nước láng giềng gần Việt Nam như Lào, Campuchia, Myanmar, Thái Lan và Philippines.

Ông Tuấn cho rằng, DN Việt Nam chọn con đường kinh doanh sang nước láng giềng là đang đi trước, đón đầu cơ hội tự do hóa thương mại, khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập, dự kiến trong năm 2015 này.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đến hết năm 2014 đã cấp mới giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài cho 109 dự án, sang 28 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tổng số vốn đăng ký là trên 1 tỷ USD. Ngoài ra còn có 22 dự án tăng vốn với tổng vốn tăng thêm đạt 739 triệu USD. Tính chung, tổng vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài (cấp mới và tăng vốn) đạt 1,786 tỷ USD.

Ngoài dòng vốn đầu tư của Nhà nước thông qua các DNNN, đầu tư của khối tư nhân, đặc biệt là của cá nhân, DNNVV ngày càng tăng. Cụ thể, DNNN chiếm 11,5% dự án đầu tư ra nước ngoài, còn lại 12,5% là của nhà đầu tư cá nhân và 76% thuộc các DN tư nhân.