Doanh nghiệp sau M&A: Chuyển mình hay bán mình?

Trong một số thương vụ M&A, doanh nghiệp nội đã có thêm nguồn vốn cũng như các tri thức quản trị mới mẻ từ đối tác chiến lược để chuyển mình, tuy nhiên cũng có nhiều thương vụ, doanh nghiệp nội dường như đã chấp nhận bán mình.

Doanh nghiệp sau M&A: Chuyển mình hay bán mình?
Tập đoàn Prime Group mới đây đã bán 85% cổ phần của mình cho Tập đoàn Siam Cement Group. Nguồn: phapluatvn.vn

Ngã mũ trước sếp Prime Group

Tập đoàn Prime Group mới đây đã bán 85% cổ phần của mình cho Tập đoàn Siam Cement Group (SCG). Thương vụ này được coi như một vụ thâu tóm doanh nghiệp và trên thực tế, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho pháp nhân mới.

Thế nhưng, trong một bài trả lời phỏng vấn gần đây, ông Nguyễn Văn Nghĩa, Phó tổng giám đốc Prime Group lạc quan cho rằng thương vụ này là một mối quan hệ “hợp tác chiến lược”(!).

Bài phỏng vấn được tờ Vietnam Investment Review đăng tải cho hay việc sáp nhập với tập đoàn SCG là “một trong những động thái chiến lược quan trọng nhất trong kế hoạch phát triển của Tập đoàn Prime” (nguyên văn: “one of our biggest strategic moves”).

Ông Nghĩa được dẫn lời cho biết Prime đã có một nền tảng rất vững chắc về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, mạng lưới phân phối và thương hiệu uy tín, trong khi SCG có công nghệ nguồn và tiềm năng về vốn và điều đó sẽ giúp mở rộng mạnh mẽ hơn nữa trên thị trường nội địa.

Ông Nghĩa rất lạc quan khi nói rằng mọi thứ sẽ được duy trì như trước đây, cả về chiến lược hoạt động, đội ngũ lãnh đạo, quản lý, thương hiệu... đồng thời nhấn mạnh đến việc tiếp tục duy trì thương hiệu Prime như là một “thương hiệu Việt Nam”. “SCG đồng ý sáp nhập với Prime vì họ nhìn thấy tiềm năng tăng trưởng và sức mạnh thương hiệu”, ông Nghĩa nói.

Chưa rõ, với mức sở hữu ít ỏi 15% còn lại, tính chất “hợp tác chiến lược” theo cách hiểu của ông Nghĩa là như thế nào, vì chỉ cần mức sở hữu 51% “đối tác” đã có thể toàn quyền đưa ra các quyết định điều hành, chưa nói tới 85% trong trường hợp này.

Chấp nhận bán mình

Hồi đầu năm nay, SCG công bố việc mua 85% cổ phần của Prime Group với giá trị thực tế là 239,6 triệu USD Mỹ, tương đương 5.000 tỷ VND. Đến ngày 22/4/2013, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho ban lãnh đạo mới của tập đoàn Prime Group là tập đoàn SCG.

Không riêng trường hợp Prime, thừa cơ khủng hoảng nhiều tập đoàn nước ngoài đã và đang ồ ạt đổ tiền vào nắm giữ các doanh nghiệp Việt Nam.

Cuối năm 2012, thị trường vật liệu xây dựng nội địa cũng rúng động với thông tin tập đoàn xi măng lớn nhất Đông Nam Á, Semen Gresik (SMGR) của Indonessia đổ 230 triệu USD (hơn 4,8 nghìn tỉ đồng) mua lại 70% cổ phần của Xi măng Thăng Long, vốn thuộc sở hữu của  Tập đoàn Geleximco.

Có thể thấy, trong 2-3 năm gần đây, các thương vụ mua bán doanh nghiệp (M&A), trong đó các đại gia ngoại mua cổ phần nội diễn ra với mật độ dày đặc, trên khắp các “mặt trận”, từ thị trường vật liệu xây dựng, ngân hàng, bảo hiểm tới băng vệ sinh.

Đối với một số thương vụ, doanh nghiệp nội đã có thêm nguồn vốn cũng như các tri thức quản trị mới mẻ từ “đối tác chiến lược” để chuyển mình, như Vietcombank bán 15% cổ phần cho Ngân hàng Mizuho (Nhật Bản) trị giá 567 triệu USD;  Vietinbank bán 20% cổ phần cho Ngân hàng Tokyo Mitsubishi UFJ (Nhật Bản) trị giá 743 triệu USD; mới nhất như Vingroup bán 20% cổ phần trong Vincom Retail cho Quỹ đầu tư Warburg Pincus, trị giá 200 triệu USD…

Tuy nhiên, trong nhiều thương vụ,  doanh nghiệp nội dường như chấp nhận bán rẻ mình và dễ dàng bị thâu tóm bởi các tập đoàn nước ngoài trong chiến lược mở rộng kinh doanh trên toàn khu vực của họ.