Doanh nghiệp thắng đậm mùa Tết

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) với một số mặt hàng nhạy cảm như thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm tươi sống, do chỉ bảo quản được trong thời gian ngắn, năng suất lại phụ thuộc vào thời tiết, trong khi nhu cầu cuối năm tăng cao, nên có thể sẽ biến động về giá.

Doanh nghiệp thắng đậm mùa Tết
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Từ giữa quý III/2014, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đã bắt đầu dự trữ hàng hóa cho dịp Tết 2015. Các hợp đồng nguyên tắc, hợp đồng đặt cọc… đã được ký kết nhằm đảm bảo ổn định 10 mặt hàng thiết yếu về sản lượng và giá cả. Tổng lượng dự trữ hàng hoá phục vụ Tết Nguyên đán Ất Mùi của Hapro ước khoảng 1.207 tỷ đồng, tăng 10% so với Tết Giáp Ngọ năm ngoái.

Ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó tổng giám đốc thường trực Hapro cho biết, hiện các điểm bán lẻ đã chỉnh trang lại cơ sở vật chất, trang trí hình ảnh nhận diện, nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm tạo sự hấp dẫn thu hút khách hàng. Nguồn hàng phục vụ Tết Nguyên đán năm nay cũng khá dồi dào, với nhiều chủng loại và giá cả, đặc biệt là các sản phẩm đặc sản truyền thống cũng được DN cung ứng ra thị trường như bánh chưng, giò, chả, nem, rượu vang Thăng Long, Vodka Hapro, bánh mứt kẹo, hạt điều…

Các sản phẩm này không chỉ được bày bán trong hệ thống bán lẻ cố định, mà Hapro còn tổ chức các gian hàng Tết ngoài trời theo mô hình quầy hàng Tết, cùng ba phiên chợ Tết được tổ chức tại ba huyện ngoại thành, với quy mô diện tích gian hàng từ 1.000 - 2.000 m2/phiên.

Không những cung cấp nguồn hàng đa dạng và phong phú về chủng loại, mẫu mã, trong đó chủ yếu là sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao, Hapro còn tổ chức nhiều hình thức bán hàng bên cạnh các điểm bán.

“Để khai thác và phục vụ tối đa nhu cầu của người dân, chúng tôi cũng dự kiến trong những ngày giáp Tết Nguyên đán, các địa điểm kinh doanh của Tổng công ty tăng thêm giờ bán hàng và căn cứ vào tình hình thực tế sẽ tiếp tục kéo dài thêm thời gian kinh doanh để phục vụ nhu cầu của người dân. Đặc biệt, một số địa điểm vui chơi, dịch vụ ăn uống sẽ mở cửa qua giao thừa và đảm bảo có ít nhất 5 điểm bán hàng trong các ngày Tết cổ truyền”, ông Vượng cho biết.

Cùng với nhà phân phối thì các DN sản xuất cũng đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn hàng dồi dào và đa dạng để cung ứng ra thị trường. Do đó, ông Đào Ngọc Nam, Giám đốc CTCP Sản xuất và Thương mại An Việt cho rằng, giá cả thị trường thực phẩm tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán sẽ ổn định và hiện chưa có biến động lớn về cung cầu.

Tuy nhiên, với một số mặt hàng nhạy cảm như thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm tươi sống, do chỉ bảo quản được trong thời gian ngắn, năng suất lại phụ thuộc vào thời tiết, trong khi nhu cầu cuối năm tăng cao, nên có thể sẽ biến động về giá.

Hiện nay, cùng lúc tăng cường sản xuất thì DN cũng liên tục tìm kiếm đối tác từ các tỉnh thành, mở rộng mạng lưới cung ứng sản phẩm rau củ, trứng, thịt gia cầm, gia súc để sẵn sàng đáp ứng nguồn hàng và nhu cầu thị trường trong mọi tính huống. “Hiện DN đã dự trữ và ký kết một số đơn vị cung cấp sản phẩm thiết yếu như trứng và thịt gia cầm…”, ông Nam nói.

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, đến thời điểm này, số lượng hàng hoá phục vụ tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán là hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu, với mức tiêu dùng dự báo sẽ tăng 15 - 18%. Giá cả hàng hoá năm nay cũng được dự báo là ổn định. Riêng nhóm hàng bình ổn giá thấp hơn so với giá thị trường là từ 5 - 7%.