Doanh nghiệp thiếu thanh khoản - Hệ quả của "đầu tư nóng"

Theo Đại biểu Nhân dân

Câu chuyện nợ nần của hãng taxi Mai Linh đang được dư luận quan tâm từ nhiều ngày nay. Các chuyên gia cho rằng, đây chỉ là một trường hợp điển hình về tình trạng nhiều doanh nghiệp đã bỏ qua tất các cảnh báo, chạy theo lợi ích trước mắt, dùng vốn ngắn hạn đầu tư dài hạn, đầu tư dàn trải và đầu cơ. Và khi tình hình khó khăn, doanh nghiệp sẽ tiếp tục lâm vào thiếu thanh khoản. Đây là sự trả giá cho việc liều lĩnh chạy theo lợi nhuận. Và chính họ phải chấp nhận cú ngã đau này, phải tái cơ cấu doanh nghiệp, thậm chí là phá sản.

Doanh nghiệp thiếu thanh khoản - Hệ quả của "đầu tư nóng"
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Dư luận từng xôn xao về trường hợp của Công ty thủy sản Bình An. Doanh nghiệp này trước đó làm ăn hiệu quả, tạo hàng nghìn việc làm, nhưng do phát triển quá nóng, vốn vay lãi suất cao, khiến rơi vào tình trạng mất thanh khoản, không trả nợ được nông dân và ngân hàng. Rất may là đã có ngân hàng đứng ra hỗ trợ vốn, giúp Bình An tái cơ cấu thành công. Gần đây là trường hợp của Công ty cà phê Thái bị lỗ đến 389 tỷ đồng. Doanh nghiệp này gần đây thua lỗ và đối mặt với án hủy niêm yết do phát triển nóng, đầu tư dàn trải, dùng vốn ngắn hạn đầu tư cho dài hạn…

Và nay là câu chuyện của hãng taxi Mai Linh, trả lời phỏng vấn báo chí, lãnh đạo Tập đoàn này cho biết, trước đây huy động vốn ngắn hạn lãi suất cao từ 18 đến 25%/năm từ cán bộ công nhân viên để đầu tư dài hạn cho việc mua xe mới và 60 công ty con, với 28.000 lao động. Thế nhưng các công ty con trả cổ tức rất thấp so với lãi vay, chỉ từ 3-5%/năm. Chính sự chênh lệch này đã khiến Tập đoàn Mai Linh thua lỗ, nợ nần.

Gợi ý về cách giải quyết nợ nần cho tập đoàn này, có ý kiến cho rằng, từ kinh nghiệm tái cơ cấu thành công của Công ty thủy sản Bình An, thì cách tốt nhất với Mai Linh là các chủ nợ và chủ doanh nghiệp ngồi lại bàn bạc để thống nhất phương án giãn nợ, hài hòa lợi ích. Trường hợp của Mai Linh đỡ rắc rối hơn trường hợp của Bình An, vì nợ này chủ yếu của người lao động, nên không bị sức ép siết nợ, phát mại tài sản. Hiện lãnh đạo Tập đoàn Mai Linh cũng đang đàm phán với những người gửi tiền tại Mai Linh đồng ý với phương án giãn nợ thêm ít nhất 1 - 2 năm, đồng thời giảm bớt lãi vay vì hiện Tập đoàn đang phải trả lãi vay rất cao, tới 8-25%/năm. 

Cũng có quan điểm khác cho rằng, Tập đoàn Mai Linh nên giảm bớt lượng xe ở những địa bàn ít khách, nhu cầu sử dụng taxi thấp và tập trung vào những thị trường trọng điểm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể phối hợp với các ngân hàng thương mại, hoặc các đối tác để họ mua lại một phần tài sản hay góp vốn đầu tư vào Mai Linh. Đây sẽ là nguồn vốn để doanh nghiệp trả nợ. Tuy nhiên, dù cách nào, thì lúc này vẫn cần một đề án tái cơ cấu có tính khả thi và hiệu quả, mới mong thu hút được tài chính từ các nhà đầu tư. 

Câu chuyện của Mai Linh chỉ là một trong nhiều doanh nghiệp gặp phải tình trạng tương tự. Nói về nguyên nhân của tình trạng này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan phân tích, có một thời thị trường bất động sản tăng giá từng ngày, nhiều doanh nghiệp cảm tưởng cứ đầu tư vào là có lãi, nên chấp nhận vay lãi suất cao để đầu tư. Bài học này đã ở nhiều nước. Ở Việt Nam cũng đã từng có những cảnh báo các doanh nghiệp. Các chương trình đào tạo nào cho các nhà quản trị chủ chốt bao giờ cũng nhắc nhở về vấn đề cân đối giữa đầu tư ngắn hạn và dài hạn theo chiến lược như thế nào. Nhưng có lẽ cái lợi trước mắt đã làm mờ mắt doanh nghiệp và họ lao theo đầu tư không đúng, nên họ phải trả giá.

Có thể thấy, điểm chung của những trường hợp vừa nêu là các doanh nghiệp đã mắc phải sai lầm nguy hiểm là lấy vốn ngắn hạn đầu tư dài hạn một cách mất cân đối. Nói như các chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, họ đã quá kỳ vọng vào lợi nhuận nên đầu tư theo kiểu đầu cơ, cảm tính, bỏ qua những nguyên tắc của đầu tư, thiếu cơ sở khoa học. Do đó khả năng hoàn vốn chậm, thậm chí mất khả năng hoàn vốn. Và từ đó lan tỏa sang hệ quả khác liên quan đến ngân hàng, liên quan đến sự ổn định chung của hệ thống tài chính tiền tệ, tạo tranh chấp trong nền kinh tế. Chính vì thế họ đã bị ngã đau. Đây là bài học đắt giá mà mỗi doanh nghiệp cần phải thực sự nhìn thẳng để rút kinh nghiệm, nhìn thẳng về lỗi của chính mình.

Như vậy, hệ lụy câu chuyện lấy vốn ngắn hạn đầu tư dài hạn một cách mất cân đối, mang toan tính đầu cơ lướt sóng, không chỉ khiến doanh nghiệp ngã đau, mà còn lan ra cả những chủ nợ, có thể là ngân hàng, có thể là người lao động hay các tổ chức kinh tế khác, và góp phần đẩy mạnh sự phát triển của tín dụng đen. Cũng có những đề xuất của doanh nghiệp cho rằng, nên có những hộ trợ từ phía Nhà nước để giúp họ giải quyết khó khăn.

Song, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, cần kiên quyết không cứu giúp các doanh nghiệp  này. Trong cơ chế thị trường, doanh nghiệp lãi nhiều doanh nghiệp hưởng, còn doanh nghiệp thua lỗ doanh nghiệp tự chịu. Không có chuyện đã lãi lớn trước đây, nay khó khăn thì lại kêu để được Nhà nước hỗ trợ. Sự hỗ trợ của Nhà nước chỉ có thể ở cơ chế để giúp các doanh nghiệp đó tái cơ cấu nhanh hơn, hiệu quả hơn, hay mua bán sáp nhập hoặc phá sản nhanh hơn. Còn với người lao động thì đã có những chính sách khác, trong đó có Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Như thế mới không tạo cơ chế xin cho, tạo tiền lệ xấu trong giải quyết các vấn đề của thị trường.

Nhớ lại cuộc khủng hoảng tài chính tại Mỹ năm 2008, hàng chục ngân hàng phá sản, trong đó, Chính phủ Mỹ đã để cho cả những ngân hàng có lịch sử hai ba trăm năm phá sản. Đó là sự đau đớn. Nhưng chính sự đau đớn  ấy mới là liều thuốc đặc trị cho tình trạng doanh nghiệp có ý định làm ăn mang tính đầu cơ, ăn sổi, thiếu chuyên nghiệp và quản trị chặt chẽ. Còn ở nước ta, một chuyên gia kinh tế cho rằng, tình trạng như một số doanh nghiệp vừa nêu sẽ tiếp tục xảy ra trong năm 2013. Bởi doanh nghiệp sẽ không thể cầm cự được do những sai lầm trong quyết định đầu tư từ những năm trước.