Doanh nghiệp Việt đối thoại với tiểu thương chợ Đồng Xuân

PV.

(Tài chính) Hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Hiệp hôi các nhà bán lẻ Việt Nam đã phối hợp với Công ty cổ phần Đồng Xuân tổ chức hội nghị “Đối thoại giữa các doanh nghiệp sản xuất hàng Việt với thương nhân chợ Đồng Xuân”.

Quần áo nhập khẩu bày bán từ Trung Quốc chiếm khoảng 60%. Nguồn: internet.
Quần áo nhập khẩu bày bán từ Trung Quốc chiếm khoảng 60%. Nguồn: internet.

Chương trình đã tạo được sự kết nối giữa nhà sản xuất và phân phối đồng thời đưa các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích, thúc đẩy kinh doanh hàng Việt tại chợ Đồng Xuân nói riêng cũng như tại các chợ truyền thống nói chung.

Chợ Đồng Xuân hiện đang kinh doanh các nhóm hàng bao gồm: vải sợi, da giầy, nông sản, mỹ phẩm và các ngành hàng tiêu dùng khác. Các ngành hàng ở đây đều thuộc phân khúc thị trường thu nhập thấp. Riêng ngành hàng thời trang chiếm đến 2/3 các mặt hàng tại chợ. Tuy nhiên đa số ngành hàng này được các tiểu thương nhập khẩu từ Trung Quốc hoặc lấy từ các làng nghề may mặc, các cơ sở gia công quần áo tư nhân trong nước để phân phối về vùng nông thôn bán lẻ.

Đại diện Công ty Cổ phần Đồng Xuân cho biết, trước đây, quần áo nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 80%, nhưng 7 tháng đầu năm, tỷ lệ này đã giảm xuống còn khoảng 60%. Tuy vậy đây vẫn là con số khá lớn, với thu nhập của người dân Việt Nam còn thấp, do vậy kinh doanh gì tại chợ cũng phải rẻ. Doanh nghiệp sản xuất, người kinh doanh phải tính giá thành, kiểu dáng, chất lượng sản phẩm cho người Việt. Đạt được các yêu cầu này thì hàng Việt mới có lợi thế cạnh tranh với các nguồn hàng trước đây.

Để hỗ trợ tiểu thương tiếp cận được với nguồn hàng chất lượng cao, Công ty Cổ phần Đồng Xuân đã phối hợp với Hiệp hội Hàng Việt Nam chất lượng cao , Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam… đề xuất chương trình đưa hàng may mặc và một số mặt hàng chất lượng cao khác vào kênh phân phối chợ Đồng Xuân. Tuy nhiên, ý tưởng này không dễ thực hiện bởi chênh lệch về đẳng cấp thương hiệu, quy mô kinh doanh cũng như nhận thức giữa tiểu thương và doanh nghiệp đang có phần khác nhau.

“Vấn đề là các doanh nghiệp dường như không thực sự mặn mà với việc cung cấp hàng vào các chợ truyền thống, điều này cũng hợp lý và công bằng bởi các doanh nghiệp lớn thường có các đơn hàng hoặc là thị trường xuất khẩu lớn ra nước ngoài và việc xuất khẩu, so sánh với việc tiêu thụ ở thị trường trong nước thường khó khăn hơn rất nhiều. Các chợ truyền thống do các hộ kinh doanh nhỏ lẻ và với tiềm lực về mặt tài chính, kinh tế không lớn nên những đơn hàng cũng rất đặc thù. Ví dụ, với mặt hàng giầy dép, mỗi mã hàng chỉ có thể đặt từ 5 đến 10 đôi, lớn hơn là 20 đôi, vì vậy, các đơn hàng này không thực sự hiệu quả”, bà Đinh Thị Mỹ Loan – Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam chia sẻ.

Lý giải cho vấn đề hàng Trung Quốc ngập tràn chợ Đồng Xuân, đại diện của Bộ Công thương cho rằng, do các nhà sản xuất với các hộ tiểu thương chưa có dịp hợp tác với nhau. Hơn nữa, trước đây hàng Trung Quốc ở chợ Đồng Xuân chiếm khoảng 80-90% về tiêu thụ nên bà con tiểu thương thực sự là chưa mặn mà với hàng Việt. Ngoài ra, các nhà sản xuất cũng chưa thực sự hiểu được các bà con tiểu thương, nên đây là thời điểm thích hợp để hưởng ứng cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, đồng thời các nhà sản xuất cũng như các tiểu thương trong chợ Đồng Xuân sẽ hiểu nhau hơn. Trong thời gian tới, Bộ Công thương sẽ làm những chương trình kết nối giữa các chợ truyền thống và các nhà sản xuất.

Theo thống kê của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cả nước hiện có 8.546 chợ các loại (trong đó có 74 chợ đầu mối, 1.933 chợ khu vực thành thị và 6.613 chợ ở khu vực nông thôn) và khoảng 1 triệu cửa hàng quy mô nhỏ của hộ gia đình có nhà ở mặt tiền. Số cơ sở bán lẻ hiện đại ở Việt Nam còn rất ít, cả nước mới có khoảng 724 siêu thị và 132 trung tâm thương mại các loại. Đặc biệt, số cửa hàng tiện lợi hoạt động theo đúng nghĩa (có thương hiệu và vận hành theo chuỗi) ở Việt Nam mới tính hàng trăm. Đại bộ phận thương nhân trong nước hoạt động ở mức quy mô vừa và nhỏ, việc tổ chức hệ thống phân phối theo chuỗi chưa đủ sức làm “nòng cốt” cho thị trường, có tới 55% số doanh nghiệp có số vốn dưới 100 triệu đồng. Qua số liệu cho thấy: Chợ truyền thống vẫn là kênh phân phối lớn trong chuỗi bán lẻ của Việt Nam.