Doanh nghiệp Việt Nam với việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Chúng ta biết tới Nhật Bản không phải với tư cách một quốc gia có nhiều công dân đạt giải Nobel hay Fields mà với vai trò là cái nôi của các thương hiệu như Sony, Toyota, Misubishi... Như vậy, chính các doanh nhân Nhật Bản đã làm nên thương hiệu của đất nước và đưa cái tên “Nhật Bản” bay xa khắp hoàn cầu. Vậy bài học cho DN Việt Nam là gì?

Doanh nghiệp Việt Nam với việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu

Thương hiệu là một điều mơ ước đối với mỗi DN. Lãnh đạo DN nào cũng khao khát có ngày tên tuổi DN mình sẽ nổi bật như Toyota, Gucci, Samsung, Nokia… nhưng xây dựng thương hiệu phải bắt đầu từ đâu lại là một ẩn số đặc thù đối với mỗi ngành nghề hàng hóa khác nhau. Trong khi các DN đang loay hoay và nỗ lực xây dựng thương hiệu cho mình thì dường như việc đánh cắp và xâm hại lại quá dễ dàng.

Trong thực tế, ai ai cũng thích thương hiệu, sưu tầm đồ hiệu - xe hiệu - nhà hiệu. Nhưng lại có một nghịch lí là không ít người trong số đó thích… làm hàng giả, hàng nhái và đầu cơ buôn bán hàng kém chất lượng. Ai cũng biết Trung Quốc là “thiên đường hàng nhái”, có lẽ nhìn mãi, dùng mãi hàng nhái thành quen nên có câu chuyện hài hước là khi ông chủ của Cty Cá sấu VN mang hàng cá sấu thật đến Hội chợ tại Trung Quốc thì khách hàng lắc đầu bảo: “Cá sấu giả”! Vậy mới biết người biết đồ thật cũng rất hiếm hoi! Và hậu quả là “Gậy ông đập lưng ông”, chính họ cũng bán tín bán nghi không biết đồ mình mặc là thương hiệu thật hay chì là… đồ “dởm”?

Hiện nay có nhiều cách “ăn cắp” thương hiệu như: Làm giống sản phẩm của thương hiệu uy tín từ kiểu dáng, mẫu mã đến logo. Đến tên gọi cũng “từa tựa” để gây sự hiểu nhầm cho người tiêu dùng; Làm giả hoàn toàn sản phẩm từ kiểu dáng, logo, tên gọi…

Trước những vấn nạn “ăn cắp” này, thương hiệu cần được bảo vệ bằng những cơ sở pháp lý chặt chẽ và việc thực thi pháp luật nghiêm túc. Đơn giản như trường hợp mũ bảo hiểm dởm. Tại sao không chặn từ khâu sản xuất mà lại phạt người dân khi họ đội mũ bảo hiểm dởm? Bởi thế, trước khi có một hành lang pháp lý đáp ứng những đòi hỏi của tình hình thực tế, các DN phải tự cứu mình trước bằng cách đăng ký quyền bảo hộ sáng chế.

Kinh nghiệm xây dựng và bảo vệ thương hiệu của Cty Cá Sấu VN cho thấy: yếu tố hàng đầu là người lãnh đạo phải hiểu thấu đáo được tất cả những giá trị nằm trong sản phẩm của mình và giúp người tiêu dùng cũng hiểu về những giá trị ấy để bản thân khách hàng là những người phát giác hàng giả, hàng nhái đầu tiên. Tiếp đó là kiểm soát được chặt chẽ các khâu để tránh phát sinh những sự cố ngoài ý muốn.

Với hầu hết các mặt hàng của đất nước, những giá trị văn hóa - lịch sử nằm sẵn trong bản thân mỗi sản phẩm. Nhưng xây dựng nên thương hiệu cho sản phẩm lại nằm ở yếu tố con người: người lãnh đạo DN, người thợ, người tiêu dùng... Những con người đó trước tiên phải biết yêu mình, biết làm cho người khác yêu quý tôn trọng bản thân mình.

VN đã bắt đầu có nhiều thương hiệu bay xa: FPT, Trung Nguyên, Bitis, XQ VN ... những DN này họ đã tìm được cách giải ẩn số cho riêng mình. Những DN ấy đều gặp nhau ở ba yếu tố Lịch sử - Văn hóa - Tình yêu, và đó cũng là con đường mà nhiều DN, trong đó có Cty Cá sấu VN đang vững vàng bước đi.