Đột phá xử lý nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp

Theo NDĐT

(Tài chính) Năm 2014, có 36 doanh nghiệp (DN) được Công ty mua bán nợ Việt Nam (DATC) hỗ trợ xử lý nợ và tài sản tồn đọng với tổng doanh số là 825,47 tỷ đồng, đạt 103% so kế hoạch, vượt 52,6% so cùng kỳ. Bên cạnh đó, công tác bán vốn nhà nước tại DN nhà nước nắm cổ phần chi phối đã được tiếp tục đẩy mạnh... Tuy nhiên, vẫn cần có thêm nhiều giải pháp đột phá, sáng tạo mới.

Công ty CP mía đường Sơn La là một trong những doanh nghiệp mía đường được DATC tái cơ cấu thành công, đã niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán tập trung.
Công ty CP mía đường Sơn La là một trong những doanh nghiệp mía đường được DATC tái cơ cấu thành công, đã niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán tập trung.
Tổng Giám đốc DATC Lê Hoàng Hải cho biết, năm 2014, thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận nợ và tài sản loại trừ khỏi giá trị DN khi cổ phần hóa DNNN, DATC chủ yếu tập trung nhận bàn giao tại các DN thuộc các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Số DN này đã tăng gấp bốn lần so cùng kỳ, và việc xử lý tài sản tại 38 DN đã đem lại giá trị thu hồi gần 24 tỷ đồng, trong đó thu từ xử lý tài sản là hơn 10 tỷ đồng, thu nợ do DN xử lý trước bàn giao là hơn 10 tỷ đồng.

10 năm trở lại đây, hoạt động tiếp nhận nợ và tài sản loại trừ khi chuyển đổi sở hữu DNNN đã góp phần đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, chuyển đổi sở hữu công ty nhà nước khi tổng số DN đã tiếp nhận nợ và tài sản loại trừ là 2.468 DN, với tổng giá trị nợ và tài sản bàn giao, tiếp nhận là gần bốn nghìn tỷ đồng. Kết quả đó góp phần hỗ trợ tích cực vào công tác triển khai đề án sắp xếp, chuyển đổi sở hữu DNNN của các bộ, ngành, địa phương đạt hiệu quả và đúng tiến độ -khẳng định.

Cùng với việc đẩy nhanh công tác tiếp nhận vốn tại các DN, DATC đã tập trung cho hoạt động tái cơ cấu DN và quản lý vốn góp tại các DN khác. Đến cuối năm 2014, tổng giá trị đầu tư góp vốn vào các DN khác của DATC đạt hơn một nghìn tỷ đồng, trong đó đầu tư thông qua xử lý nợ, tái cơ cấu tài chính, chuyển nợ thành vốn góp tại 87 DN đã có giá trị gần 800 tỷ đồng, vốn đầu tư trực tiếp tại 12 DN đã đạt mức 280 tỷ đồng.

Từ hoạt động tái cơ cấu DN, góp vốn cổ phần và thoái vốn để tái đầu tư vào các DN khác, DATC đã góp phần tích cực vào việc tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, cải thiện thanh khoản và nâng cao chất lượng của các tổ chức tín dụng; cải thiện tài chính của các DN, tăng thêm hàng hóa cho thị trường chứng khoán từ việc thoái vốn và tạo thêm việc làm cho người lao động, ổn định đời sống, sản xuất của nông dân theo chương trình mục tiêu của Nhà nước.

Trên cơ sở những kết quả đạt được, năm 2015, DATC đã đề ra mục tiêu phấn đấu cụ thể cho DN. Theo đó, bên cạnh việc tiếp tục giữ vững sự ổn định, bền vững, tăng trưởng nhanh trong tất cả các lĩnh vực hoạt động đã có thì việc chủ động nghiên cứu thực hiện các phương thức mới trong mua bán, tiếp nhận nợ, tái cơ cấu DN, quản lý vốn đầu tư, nâng cao hiệu quả đầu tư... được DATC xác định cụ thể.

Thứ trưởng Tài chính Trần Văn Hiếu cho biết, để khẳng định vai trò là công cụ quan trọng của Nhà nước trong xử lý nợ xấu, tái cơ cấu DN và phát triển thị trường mua bán nợ có tổ chức, DATC phải nắm vững cơ hội, theo sát quá trình tái cơ cấu các DN. Chính phủ yêu cầu phải đẩy mạnh tiến độ cổ phần hóa DNNN và tiến độ tái cấu trúc nền kinh tế hơn nữa. Vì vậy, với vai trò là cơ quan tham gia vào quá trình tái cơ cấu này, DATC cần có bước đột phá nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Theo đó, để hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra trong năm 2015, một trong những việc cần phải làm ngay là phải nâng cao vị thế của DATC trên thị trường trong nước và quốc tế. Đồng thời, DATC cần phải có kế hoạch, lộ trình cụ thể để từng bước thực hiện quá trình tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước một cách hiệu quả nhất.

Trong số các giải pháp được đề ra, năm 2015, có việc thành lập danh sách cụ thể phân loại từng DN trong tổng số các DN mà DATC đã thực hiện mua bán nợ, qua đó thống kê được có bao nhiêu DN có lãi tốt, bao nhiêu DN lỗ, bao nhiêu DN còn có tranh chấp về pháp lý, để từ đó có các biện pháp xử lý cụ thể với từng DN, nhằm bảo đảm công tác mua bán nợ được thực hiện có hiệu quả, bảo toàn và phát triển nguồn vốn được giao...

Trong công tác thoái vốn đầu tư, tập trung nguồn lực, để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện thì ngoài việc giới thiệu, kêu gọi đầu tư vào các DN có vốn góp của DATC, việc đánh giá để rút kinh nghiệm trong công tác đầu tư và quản lý vốn đầu tư cần được xác định là giải pháp ưu tiên hàng đầu.

Để đạt được mục đích đó, việc lắng nghe và đối thoại đồng thời, trực tiếp giữa lãnh đạo các DN và người đại diện vốn tại DN để trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh là rất cần thiết, Thứ trưởng Trần Văn Hiếu nhấn mạnh.