"Đũa thần" AMC?

Theo Quỳnh Chi (Doanh nhân Sài Gòn)

Hiện nay, các tổ chức kinh tế đều trông đợi quyết định thành lập Công ty Mua bán nợ (AMC) từ phía Chính phủ vì cho rằng khi AMC ra đời, nợ xấu của doanh nghiệp (DN) sẽ được giải quyết.

"Đũa thần" AMC?
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Nóng ruột đợi AMC

Về lý thuyết, các chính sách của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thời gian qua đã mang lại tính hiệu quả cao đối với thị trường tiền tệ. Nhưng trên thực tế, hầu hết ngân hàng thương mại (NHTM) đang phải đối mặt với nhiều rủi ro, trong đó rủi ro lớn nhất là nợ xấu không giảm mà còn có xu hướng tăng cao.

Cụ thể, đến cuối tháng 2/2013, nợ xấu là: 50.915 tỷ đồng, chiếm 5,98% trong tổng dư nợ. Trong đó, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) chiếm 62,8% trong tổng nợ xấu.

Để đối phó với vấn đề xử lý nợ xấu, mỗi NH đều lựa chọn một cách giải quyết nhưng đều vướng phải những khó khăn nhất định. Chẳng hạn, ông Đỗ Minh Toàn, Tổng Giám đốc ACB nói rằng, hiện nay các NH đa phần bán tài sản đảm bảo để thu hồi nợ.

Do đó, trong khi chờ đợi AMC thành lập và đi vào hoạt động, NHNN cũng cần xem xét cho phép các NHTM được phép chủ động đàm phán với khách hàng bán nợ xấu thông qua AMC trực thuộc của mỗi NH.

Đây được xem là giải pháp tốt giúp các NH có thể xử lý được phần nào nợ xấu hiện hữu nhưng theo quy định hiện nay thì các NHTM không được phép mua lại nợ của chính NH mình. Vì thế, ông Toàn cho rằng, NHNN nên xem xét cho phép các NHTM có thể mua - bán nợ thông qua các AMC trực thuộc.

Là một NH hiện đang có nợ xấu rất cao, lãnh đạo NH Agribank tại TP.HCM chia sẻ, nợ xấu của Agribank trên địa bàn khoảng 5,9 - 6%, chủ yếu rơi vào bất động sản.

Như vậy, với quy định được NHNN đưa ra tại Thông tư 02/2013/TT-NHNN quy định về việc phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng được áp dụng trong tháng 6/2013 sẽ có nhiều khó khăn cho Agribank.

Do đó, Agribank đề nghị NHNN xem xét lộ trình thực hiện cũng như áp dụng các quy định tại Thông tư 02 để có thêm điều kiện cơ cấu lại nợ và giảm tỷ lệ nợ xấu.

Nếu không, áp dụng các quy định tại Thông tư 02 theo dự kiến thì nợ xấu của Agribank trên khu vực TP.HCM sẽ tăng lên 7.892 tỷ đồng, tăng 69% nên so với cuối năm 2012. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng dư nợ. Trong bối cảnh hiện nay, nợ xấu tăng cao sẽ kéo theo rất nhiều khó khăn.

Cũng nói về nợ xấu, theo ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Eximbank, vấn đề này đáng báo động hơn chúng ta nghĩ. Nói như thế vì trước nay, các NH nước ngoài hoạt động tại Việt Nam đều rất cẩn trọng trong hoạt động tín dụng nhưng nay con số nợ xấu tại các tổ chức tín dụng này đã ở mức 2%.

Điều này cho thấy nợ xấu tại các NH đang rất nghiêm trọng, dù rằng các tổ chức tín dụng vẫn tham gia tích cực trong việc xử lý nợ xấu. Theo đó, không chỉ Eximbank mà tất cả các NH đều mong AMC sớm được thành lập.

Chỉ là công cụ hỗ trợ

Có thể nói, để xảy ra nợ xấu trong kinh doanh NH, trách nhiệm chính trong việc thu hồi nợ xấu là chủ nợ - NHTM và con nợ - DN vay vốn. Thực tế, các NHTM vẫn đang nỗ lực giải quyết nợ xấu trong khả năng và quyền hạn của mình.

Nhưng khi nợ xấu đã đến ngưỡng báo động, nếu cứ để các NHTM và DN tự xử lý, thì thời gian kéo dài, số lượng DN không có vốn sản xuất, kinh doanh phải dừng hoạt động, thậm chí phá sản sẽ tiếp tục gia tăng, trong khi hàng hóa lại chậm tiêu thụ.

Như vậy, nền kinh tế sẽ mất đi một lượng vốn lớn, do vốn không được quay, dòng tiền trong nền kinh tế không lưu thông được, hệ thống NH tiếp tục khó khăn về thanh khoản. Điều này sẽ đe dọa đến sự phát triển bền vững của hệ thống tài chính quốc gia.

Khi nợ xấu quá ngưỡng cho phép (nợ xấu khoảng dưới 5%/tổng dư nợ là bình thường), thì phải có biện pháp xử lý từ nhiều phía, trong đó có biện pháp từ phía cơ quan quản lý nhà nước. Lúc này, AMC trở thành công cụ cần thiết đối với thị trường.

Nói như Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, AMC thành lập hầu như không có rủi ro trong khi nó có thể giải quyết được nhiều vấn đề mà không ai chịu tổn thương nào. Trong bối cảnh hiện nay, đây là phương án hợp lý nhất và không còn phương án nào tốt hơn nữa.

Do đó, dù phải đợi đến ngày 15/4 tới mới biết được Chính phủ có phê duyệt thành lập AMC không, nhưng Thống đốc vẫn giữ quan điểm đề án sẽ được thông qua. Bởi theo Thống đốc, có nhiều lý do để AMC được ra đời:

(1) AMC thành lập sẽ tạo điều kiện "hoãn binh" để chờ đợi các DN tốt lên (nợ xấu chỉ xấu ở thời điểm hiện tại, nếu được gia hạn tạm thời, sau đó khi nền kinh tế tốt lên thì tài sản đó sẽ không còn là nợ xấu nữa);

(2) AMC ra đời thì tốt trong việc giải quyết tài sản (tài sản DN đang giữ gặp phải rất nhiều vấn đề về pháp lý, khó hợp thức hóa... trong khi AMC là công ty của Nhà nước, nó có thể bắt các bộ ngành liên quan hợp thức hóa mọi thủ tục, giải quyết mọi vấn đề đang vướng về giấy tờ để tài sản đó dễ dàng được bán đi); (3) AMC mua lại cục nợ xấu, đến lúc nào đó NH cần mua lại tài sản đó thì AMC sẵn sàng bán lại cho NH (tất nhiên khi mua bán cả hai đều thầm hiểu phải có những quy ước hợp lý)...

Nói là vậy, nhưng Thống đốc cũng khẳng định, AMC không phải là đũa thần giúp NH và DN có thể biến cục nợ xấu thành tốt. Việc thành lập AMC (nếu có), cũng chỉ là một trong các giải pháp nên các NHTM cần phải cân nhắc vì mỗi giải pháp đều có những ưu điểm và hạn chế nhất định.

Cũng cần nói thêm, AMC chỉ là mua lại nợ để đảm bảo thanh khoản cho NH chứ bản thân NHNN cũng không thể nhá nổi "cục nợ" mà các NHTM đã chê. Theo đó, để xử lý nợ xấu, các NH phải tách bạch nợ xấu thành từng nhóm, mỗi nhóm sẽ có phương án xử lý riêng.

Hoặc các NH đặt mục tiêu phải đạt được trong việc xử lý nợ xấu là tạo điều kiện để các NHTM thiết lập quan hệ tín dụng mới, có cơ sở để những DN còn khả năng hoạt động vay vốn, đồng thời thanh lọc những DN, NH yếu kém.