Gemadept lại tính chuyện đa ngành

Theo Doanh nhân

Trong khi nhiều doanh nghiệp tái cấu trúc, trở về hoạt động cốt lõi, Gemadept - một doanh nghiệp lớn chuyên về khai thác cảng biển, logistics - lại đang tính chuyện đầu tư bất động sản và trồng rừng.

Tái cấu trúc là hoạt động được nhiều doanh nghiệp như Gemadept (GMD) buộc phải tiến hành trong 2 năm trở lại đây. Là doanh nghiệp lớn chuyên về khai thác cảng biển logistics nhưng từng sa lầy vào đầu tư tài chính những năm 2006 -2007, GMD đã mất tới 4 - 5 năm để khắc phục được bước phát triển chệch khỏi hoạt động kinh doanh cốt lõi.

Vừa thoát khỏi đầu tư tài chính…

Năm 2010, công ty đã phải trích lập dự phòng 71 tỷ đồng và bán lỗ chứng khoán 14 tỷ đồng. Con số này đã giảm mạnh so với năm 2009 - năm mà GMD liên tiếp thoái vốn và bán lỗ 111,7 tỷ đồng chứng khoán. Ngoài ra, công ty cắt giảm 145 tỷ đồng danh mục đầu tư dài hạn xuống còn 6,3 tỷ đồng vào đầu năm 2011. Danh mục đầu tư chứng khoán GMD đang nắm giữ gồm các mã đáng chú ý như Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), Ngân hàng TMCP Nam Việt (NVB), Ngân hàng TMCP Hàng hải (MSB).

Doanh thu của GMD trong 3 năm gần nhất đều tăng trưởng, nhưng lợi nhuận sau thuế giảm mạnh 214 tỷ đồng năm 2010 xuống chỉ còn 14 tỷ đồng năm 2011. Đó là hệ quả của việc cơ cấu danh mục đầu tư chứng khoán, bán lỗ chứng khoán và trích dự phòng khoản đầu tư tài chính. Để thoát khỏi đầu tư tài chính tràn lan, GMD phải áp dụng tái cơ cẩu tổng thể về tài chính và hoạt động kinh doanh.

… đã tính chuyện đầu tư bất động sản và trồng rừng?

Theo tầm nhìn đến năm 2015, GMD định hướng phát triển thành tập đoàn đa ngành với hơn 30 công ty con giống như Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL). Ngoài mảng kinh doanh cốt lõi là khai thác cảng biển, logistics, GMD tỏ ra khá tham vọng khi lấn sân sang hai mảng kinh doanh mới là khai thác dự án bất động sản và trồng rừng tại Campuchia.

Trong 9 tháng năm 2012, doanh thu khai thác cảng đạt 565 tỷ đồng, logistics là 1.310 tỷ đồng, chiếm lần lượt 29% và 67% tổng doanh thu 1.939 tỷ đồng. Hoạt động cho thuê văn phòng của GMD chỉ đóng góp ở mức khiêm tốn là 63 tỷ đồng, chiếm 3% tổng doanh thu. Trong khi đó, đóng góp từ các dự án bất động sản và trồng rừng chỉ có thể có sau ít nhất 4 - 5 năm tới, khi các dự án đầu tư hoàn thành và đi vào khai thác. Cũng phải nói thêm, tốc độ tăng tài sản của GMD diễn ra khá nhanh chóng, trong khi doanh thu tăng chậm hơn nhiều. Doanh thu/ tổng tài sản của GMD chỉ ở mức 28% cho thấy phần lớn tổng tài sản 6.849 tỷ đồng của công ty chưa sinh lời.

Thử nhìn qua hai mảng kinh doanh sẽ mở rộng của GMD. Mảng cho thuê văn phòng khá ổn định, khi cao ốc Gemadept tại TP.HCM đạt công suất lấp đầy tới 90% trong bối cảnh thị trường bất động sản và văn phòng cho thuê ảm đạm, thừa cung tại TP.HCM. Ngoài ra, năm 2010, GMD đã đầu tư 32,5 tỷ đồng cho dự án cao ốc văn phòng Falcon tại Hà Đông (Hà Nội). Đáng chú ý ở đây là các dự án bất động sản công ty định triển khai gồm Saigon Gem (liên doanh với Saigon Tourist) và khu phức hợp tại Viên Chăn (Lào) đặt ra câu hỏi lớn về nguồn vốn đầu tư cũng như quản trị.

Về trồng cao su, GMD đã được cấp giấy phép đầu tư 30.000 ha cao su tại Campuchia với tổng mức đầu tư 150 triệu USD. Dự án đầu tư trồng cao su tại Lào và Campuchia đã được giải ngân hơn 62 tỷ đồng. Tuy nhiên, do đi sau tập đoàn HAGL, công ty sẽ chịu cạnh tranh về thị trường, bên cạnh bài toán về vốn đầu tư, công nghệ, nguồn nhân lực. Thêm vào đó, tuổi đời cây cao su để khai thác mủ khoảng 12-18 năm, nên đòi hỏi nguồn vốn dài hạn kèm theo giải pháp tài chính bền vững.

Giải pháp về tái cấu trúc về tài chính

Sau bài học về đầu tư tài chính, lúc này GMD tính chuyện tái cấu trúc hoạt động đi kèm với tái cấu trúc tài chính của cả tập đoàn nhằm đảm bảo về an toàn và thanh khoản. Công ty chủ yếu dùng vốn chủ sở hữu đầu tư dự án dài hạn, nên giải pháp này tỏ ra an toàn, thận trọng đảm bảo vốn lưu động cũng như thanh khoản bền vững. Năm 2010, sau khi phát hành tăng vốn điều lệ từ 475 tỷ lên 1.000 tỷ đồng, công ty đã thu về tổng vốn là 1.365 tỷ đồng để đầu tư vào các công ty con 857 tỷ đồng. Theo mô hình quản trị GMD, các công ty con này sẽ quản lý từng mảng kinh doanh chuyên biệt tại các khu vực khác nhau. Cần nói thêm, GMD rất thành công khi phát hành tăng vốn chủ kèm theo giá trị thặng dư. Điển hình như trong năm 2010, công ty đã phát hành thành công trái phiếu chuyển đổi, tăng vốn điều lệ thêm 94,4 tỷ với thặng dư vốn lên đến 302 tỷ đồng.

Chi phí tài chính tăng mạnh lên đến 162 tỷ đồng trong năm 2011 đã bào mòn lợi nhuận của GMD. Vì vậy, công ty đã cơ cấu bớt khoản vay sang vay ngoại tệ với lãi suất thấp 3-4%/năm, giảm chi phí lãi vay đi kèm thanh lý danh mục đầu tư tài chính, tăng cường thu hồi nợ. Danh mục đầu tư tài chính ngắn hạn của GMD đã giảm bớt 153 tỷ đồng xuống còn 158 tỷ đồng tính từ đầu năm 2012. Do có nguồn thu bằng ngoại tệ nên công ty hạn chế được một phần rủi ro tỷ giá biến động. Đồng thời, tỷ trọng khoản vay tài chính so với tổng tài sản của GMD chỉ ở mức 18% và hệ số nợ so với vốn chủ sở hữu là 0,52 nên khá an toàn. Xét về dài hạn, nhu cầu vốn đầu tư lớn từ năm 2012 - 2016 lên đến 96 triệu USD buộc công ty vẫn phải tăng tỷ lệ nợ, tuy nhiên, có thể sử dụng công cụ trái phiếu chuyển đổi để không phải thanh toán nợ gốc.

GMD có thể ghi nhận thu nhập bất thường trong năm 2013 nếu việc chuyển nhượng 25% cổ phần tại công ty cổ phần Cảng Cái Mép Gemadept - Terminal Link được hoàn tất. Công ty đang ghi nhận khoản đầu tư trên với giá trị 482,4 tỷ đồng trong danh mục tài chính ngắn hạn. Thương vụ này có thể bổ sung nguồn vốn đầu tư cho công ty, trong khi GMD vẫn nắm tới 40,12% vốn điều lệ, tương ứng 933 tỷ đồng tại Gemadept - Terminal Link.

Xét một cách tổng quan, GMD đã hoạch định chiến lược phát triển rõ ràng thay vì đầu tư tràn lan như giai đoạn trước. Bước ngoặt tái cấu trúc là bám sát thế mạnh từ mảng kinh doanh cốt lõi kèm với giải pháp an toàn về tài chính khi mở rộng đầu tư.