Giám sát yếu khiến kinh doanh thua lỗ kéo dài

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Qua thực tế thực hiện thời gian qua cho thấy các quy định về giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) còn bất cập, chưa thực sự tạo cơ chế hiệu quả để kịp thời phát hiện, cảnh báo cho chủ sở hữu DN về những nguy cơ, dấu hiệu rủi ro về tài chính.

Giám sát yếu khiến kinh doanh thua lỗ kéo dài
Quản lý và giám sát tài chính đối với vốn nhà nước tại các DNNN là cần thiết nhằm đánh giá đúng thực trạng hiệu quả hoạt động của DN. Nguồn: internet

Góp phần giảm DNNN làm ăn thua lỗ

Ông Đặng Quyết Tiến – Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, từ 30/6/2010 trở về trước, khi các DNNN hoạt động theo Luật DNNN, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 271/2003/QĐ-TTg ngày 31/12/2003, tiếp đó là Quyết định số 224/2006/QĐ-TTg ngày 6/10/2006 về việc ban hành Quy chế Giám sát và Đánh giá hiệu quả của DNNN và Quyết định số 169/2007/QĐ-TTg ngày 8/11/2007 về việc ban hành Quy chế Giám sát đối với DNNN kinh doanh thua lỗ, hoạt động không có hiệu quả (thay thế Quyết định số 271/2003/QĐ-TTg).

Việc thực hiện các quyết định trên đã từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, kỷ cương của số đông các DNNN, đồng thời tạo ra sự phấn đấu, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, từng bước gắn việc phân phối kết quả sản xuất kinh doanh của DN với hiệu quả công tác điều hành, quản trị DN. Qua công tác giám sát, cơ quan quản lý nhà nước về tài chính đã có sự cảnh báo với chủ sở hữu DNNN về những nguy cơ, dấu hiệu rủi ro tài chính.

Kết quả cho thấy, cùng với sự đổi mới về cơ chế chính sách tài chính thúc đẩy sắp xếp lại DNNN, cơ chế giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả DNNN đã góp phần đưa số DNNN làm ăn thua lỗ giảm từ 60% những năm đầu 2000 xuống còn 20% năm 2010.

Số lượng các tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT) đã đạt xếp loại A – hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (doanh thu và thu nhập khác năm sau cao hơn năm trước 5%, lợi nhuận thực hiện và tỷ suất lợi nhuận thực hiện cao hơn kế hoạch, chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật hiện hành) đã tăng.

Đặc biệt trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế tài chính 2009-2010 vẫn duy trì được số lượng DN xếp loại A (năm 2009 có 53% các TĐ, TCT và 70% các công ty độc lập thuộc các bộ, ngành xếp loại A; năm 2010 có 54% các TĐ, TCT và 67% các công ty độc lập thuộc các bộ, ngành xếp loại A; năm 2011 có 68 % các TĐ, TCT và 66 % các công ty độc lập thuộc các bộ xếp loại A).

Chưa thực sự tạo cơ chế hiệu quả

Tuy nhiên, theo ông Tiến, qua thực tế thực hiện trong thời gian qua cho thấy các quy định về giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN còn bất cập.

Về nội dung giám sát, ông Tiến cho rằng, mặc dù quy chế đã quy định hàng năm các bộ ngành, ủy ban nhân dân tỉnh, hội đồng quản trị các TĐ, TCT nhà nước phải thực hiện công tác giám sát tài chính và tổng hợp kết quả giám sát và đánh giá phân loại hiệu quả hoạt động của DNNN (xếp loại A,B,C) để nắm thực trạng hoạt động của DN và kịp thời đưa ra các những giải pháp, khuyến nghị để giúp DN kịp thời khắc phục các yếu kém trong hoạt động của DN.

Tuy vậy, trong thời gian vừa qua, các cơ quan đại diện chủ sở hữu mới chỉ tập trung vào việc phân loại, đánh giá xếp loại DN theo A, B, C mà chưa chú trọng đến nội dung giám sát tài chính DN theo quy định.

Do đó, đã xảy ra tình trạng một số DNNN có vi phạm trong vấn đề sản xuất kinh doanh, đầu tư và quản lý vốn, tài sản nhà nước nhưng chưa được kịp thời phát hiện và có biện pháp chấn chỉnh kịp thời.

Đặc biệt, đối với các DNNN kinh doanh thua lỗ, hoạt động không hiệu quả, việc giám sát chưa thực sự có kết quả để đưa ra các giải pháp xử lý phù hợp nên hiện tượng kinh doanh thua lỗ kéo dài, số lỗ luỹ kế gia tăng tại một số DN.

 Bên cạnh đó, về chế tài xử lý đối với các vi phạm trong việc giám sát, đánh giá hiệu quả DN, theo ông Tiến là chưa đầy đủ, rõ ràng và chưa đảm bảo được tính răn đe.

"Một số DN, bộ ngành, Uỷ ban nhân dân tỉnh chưa làm tốt công tác giám sát, đánh giá xếp loại DN, chất lượng báo cáo đánh giá xếp loại chưa đạt yêu cầu, chưa đúng quy định và còn chậm trễ nhưng chưa có biện pháp xử lý. Một số DN kinh doanh thua lỗ nhưng chưa nghiêm chỉnh thực hiện chế độ báo cáo giám sát theo quy định chậm bị xử lý hoặc chế tài xử lý chưa đủ mạnh để chấn chỉnh kịp thời, khắc phục sự yếu kém của DN…", ông Tiến nhấn mạnh.

Ông Tiến cho biết, từ ngày 1/7/2010 Luật DNNN hết hiệu lực, các DNNN chuyển sang hoạt động theo Luật DN vì vậy các văn bản về giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của DN cũng cần phải sửa đổi cho phù hợp.

Vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2013/NĐ-CP ngày 25/6/2013 về Quy chế giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính đối với DN do nhà nước làm chủ sở hữu và DN có vốn nhà nước, nhằm mục đích tăng cường hoạt động quản lý giám sát tình hình tài chính, việc đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai minh bạch tình hình tài chính của các DNNN và DN có vốn nhà nước.

Quản lý và giám sát tài chính đối với vốn nhà nước tại các DNNN là một việc làm cần thiết nhằm đánh giá đúng thực trạng hiệu quả hoạt động của DN, giúp nhà nước và các cơ quan quản lý nhà nước kịp thời phát hiện các yếu kém trong quá trình hoạt động kinh doanh của DN.

Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN