Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Camphuchia cung tiến Đại hồng chung

PV.

(Tài chính) Ngày 25/05/2014, tại Chùa Unalom, trước sự chính kiến của Đức Tăng Thống (Vua sư) Samdech Preah Moha Sonkreach Tep Vong và bà Mem sam An, Phó Thủ tướng Chính phủ hoàng gia Campuchia, lãnh đạo các Bộ, ngành thuộc Chính phủ hoàng gia Campuchia cùng hơn 300 phật tử, ông Trần Bắc Hà – Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư Việt Nam sang Campuchia (AVIC), Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), cùng với các phật tử, nhà đầu tư thuộc Hiệp hội AVIC đã cung tiến chiếc Đại hồng chung (Chuông) cho chùa Unalom.

Chùa Unalom là một ngôi chùa cổ kính, linh thiêng bậc nhất tại thủ đô Phnom Penh, là trung tâm phật giáo của Vương quốc Campuchia, là đạo tràng tu hành của Đức Tăng thống (Vua sư) Samdech Preah Moha Sonkreach Tep Vong.

Với ước nguyện tiếng chuông chùa ngân vang xa sẽ thức tỉnh con người thành tâm theo Đức Phật, phát huy sức mạnh, trí tuệ của mình cho sự phát triển hòa bình, thịnh vượng của Vương quốc Campuchia và tình hữu nghị truyền thống bền chặt, lâu đời giữa hai quốc gia, Việt Nam và Campuchia, Đại hồng chung cung tiến này được đúc tại đỉnh núi chúa Bà Nà có độ cao 1.487m so với mực nước biển, thuộc địa phận thôn An Sơn, Xã Hòa Ninh, Huyện Hòa Vang, Tp. Đà Nẵng, Việt Nam, nơi đây nổi tiếng linh thiêng, hội tụ linh khí của đất, trời. Chiếc Đại hồng chung được đúc bởi bàn tay tài hoa, khéo léo của những nghệ nhân dân gian đúc đồng nổi tiếng của Việt Nam - những nghệ nhân đã đúc thành công Đại hồng chung lớn nhất Đông Nam Á đặt tại Chùa Bái Đính thuộc khu Di tích Văn hóa lịch sử Trường Yên, tỉnh Ninh Bình, Việt Nam.

Ông Lê Đào Nguyên, Ủy viên HĐQT BIDV, đại diện AVIC báo cáo quá trình đúc và mô tả về Chuông: “Với cấu tạo là một khối trụ khuôn vòm liền khối bằng đồng đỏ nguyên chất pha với thiếc, có đường kính miệng 145 cm, chiều cao 245 cm (quai chuông cao 70 cm, thân cao 175 cm), nặng 1.999 kg, hoa văn trang trí trên chuông là những đường nét và mô típ hài hòa thể hiện đậm nét văn hóa Phật giáo Đông Nam Á. Quai Chuông (hay còn gọi là Cù Lao) đúc nổi hình rồng có 4 chân, mỗi chân có 4 móng sắc nhọn quắp chặt xuống nóc chuông. Thân rồng uy nghi phủ kín bằng vẩy hình rồng, chắc khỏe, uốn cong tạo thành núm treo chuông. Đỉnh quai chuông trang trí hình búp sen. Phía ngoài thân chuông trang trí 4 núm gõ được bố trí thành 1 tầng, mỗi núm đối xứng cách đều nhau 50 cm và có 2 con rồng chầu nguyệt hai bên. Các núm chuông tròn nổi đều bằng nhau, có đường kính 14cm, bao quanh mỗi núm là mặt nguyệt. Tầng thứ nhất gồm 9 chữ Phạm trong ô chữ nhật và 9 hoa văn chữ Vạn; tầng thứ hai gồm 17 chữ Hán, tầng thứ ba gồm 4 chữ Hán (A Di Đà Phật) trong 4 ô hình chữ nhật, tầng thứ tư gồm 24 chữ Hán, hai bài kệ khai Chuông, một ô bài dịch chữ Hán và 1 ô thông tin người Cung Thỉnh, tầng thứ năm gồm 17 chữ Hán và 4 chữ Hán (Xuân Hạ Thu Đông), tầng thứ sáu là 8 Hoa Văn, tầng thứ bảy là sóng Biển”.

Trong phần phát biểu, Bà Men Sam An, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia đánh giá: "Đại hồng chung này là vật linh thiêng mà tiếng Chuông hướng đánh thức, khai mở tâm trí và xoa dịu, xóa tan bao nỗi khổ đau nhọc nhằn của cuộc sống để con người được sống một thực tại màu nhiệm và an nhiên trong sự chở che của Đức Phật...”.

Theo văn hóa Phật Giáo, Chuông là một pháp khí không thể thiếu trong lễ nghi của Phật giáo, chuông được thỉnh tại mỗi chùa trước khi cử hành nghi lễ và sau khi chấm dứt buổi lễ. Tiếng chuông là những âm thanh mang năng lượng sáng tạo, khi âm thanh huyền diệu của nó ngân vang, sẽ làm chuyển hóa lòng người trở nên nhẹ nhàng, thanh thản, trí tuệ trở nên minh mẫn, vào một con đường chí tâm duy nhất sống theo lời của Đức Phật dạy, để mang ích lợi cho mình cũng như cho mọi người. Chuông chùa được chia làm 2 loại: Đại hồng chung là loại chuông lớn, âm thanh ngân vang xa, thường được treo trong lầu chuông và Tiểu chung là loại chuông nhỏ, thường được treo ở một góc Phật đường.

Phát biểu tại buổi Lễ, Vua sư Vương quốc Campuchia, Samdech Preah Akka Mahasongkareachea Thippade Tep Vong xác nhận “Đây là chiếc chuông lớn nhất tại đất nước Campuchia đến thời điểm hiện tại ...”. Ngài ghi nhận, cảm ơn tấm lòng của các doanh nghiệp Việt Nam đã tặng Đại hồng Chung. Nhân dịp này, ngài cũng bày tỏ sự cảm ơn chân thành đối với nhân dân Việt Nam đã giúp Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng, góp phần phục hưng nền Phật pháp trên đất nước Campuchia. Đại Tăng thống chỉ rõ: “Việt Nam và Campuchia đều đã trải qua chiến tranh, mất mát. Đây chính là thể hiện ước nguyện một cuộc sống hòa bình của nhân dân 2 nước, cùng nhau đoàn kết, xây dựng đời sống ấm no, tránh cái ác, cái xấu, làm theo lời Đức Phật dạy…”. “Đây cũng chính là biểu hiện cụ thể cho mối quan hệ hợp tác vô cùng ý nghĩa, đời đời bền vững giữa nhân dân hai nước Việt Nam- Campuchia”, Vua sư Samdech Tap Vong khẳng định.

Ghi nhận tình cảm của các Nhà đầu tư Việt Nam sang Campuchia, đúng 18h00, trước sự chứng kiến của đông đảo phật tử, nhân dân Phnom pênh, 9 tiếng chuông trầm hùng, ngân vang đã được Đức Đại Tăng thống cùng Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia dóng lên từ chiếc Đại hồng Chung, được đặt uy nghiêm ngay phía trước ngôi chủa Unalom cổ kính.

Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Campuchia chính thức ra đời và hoạt động từ 2009. Trong suốt 5 năm qua, bên cạnh việc hỗ trợ, cùng các Doanh nghiệp mở rộng hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lich... trong các lĩnh vực được Chính phủ 2 nước khuyển khích, Các doanh nghiệp thành viên AVIC luôn quan tâm hỗ trợ các hoạt động an sinh xã hội, chia sẻ với những khó khăn trước mắt của nhân dân Campuchia, tiêu biểu như BIDV, Viettel, HAGL...