Khẳng định “sức bền” trong xử lý nợ xấu

Minh Đức

(Tài chính) Mua bán, xử lý nợ xấu có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc đẩy nhanh quá trình tái cơ cơ cấu doanh nghiệp. Từ nhiều năm nay, Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) luôn bền bỉ thực hiện nhiệm vụ xử lý nợ xấu, tái cơ cấu, giúp hồi sinh nhiều doanh nghiệp. Trong bối cảnh tái cơ cấu doanh nghiệp đang được đẩy mạnh thực hiện như hiện nay, vai trò của DATC tiếp tục được khẳng định.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Miệt mài xử lý nợ, tái cơ cấu doanh nghiệp

Được thành lập từ năm 2013, từ hơn 10 năm nay, với chức năng, nhiệm vụ của mình DATC không mệt mỏi trong hành trình xử lý nợ xấu, thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp (DN). Rất nhiều DN đứng bên bờ vực phá sản, ở giai đoạn “trọng bệnh” đã “hồi sinh” sau khi DATC xử lý nợ xấu, tiến hành tái cơ cấu. Điển hình như: Công ty Mía đường Sơn La, Công ty Mía đường Kon Tum, Công ty Sadico Cần Thơ, Công ty Công trình Giao thông 677, Công ty cổ phần Thủy sản Bình An (Bianfishco)…

Tính đến nay, DATC đã mua được gần 7.000 tỷ đồng nợ tồn đọng, trong đó hơn 90% là nợ được mua từ các ngân hàng thương mại nhà nước và khoảng 92% được mua từ năm 2007 đến nay gắn với tái cơ cấu DN khách nợ. Việc mua bán nợ gắn với tái cơ cấu các DN khách nợ đã giúp đẩy mạnh hoạt động mua bán nợ với các ngân hàng, qua đó giúp các ngân hàng thương mại xử lý nhanh lượng nợ lớn tồn đọng, nâng cao năng lực tài chính.

Lũy kế từ năm 2007 đến hết năm năm 2013, DATC đã mua nợ để tái cơ cấu cho 89 DN khách nợ, gồm 62 DN đã hoàn thành và 27 DN đang triển khai thực hiện (gồm 33 DN 100% vốn nhà nước và 29 công ty cổ phần, là những DN được cổ phần hóa từ DN 100% vốn nhà nước và Nhà nước đang giữ cổ phần chi phối hoặc nhà đầu tư chiến lược, các DN này có tiềm năng, thị trường phát triển), với giá trị các khoản nợ theo sổ sách kế toán là 8.680 tỷ đồng, giá vốn mua nợ là 2.284 tỷ đồng (tỷ lệ mua nợ bình quân là 26,3%), đã thu hồi được 2.245,6 tỷ đồng, đạt tỷ lệ thu hồi là 98,3% (bao gồm cả chuyển nợ thành vốn góp cổ phần tại 62 DN tái cơ cấu thành công là 709,3 tỷ đồng).

Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2014, tổng doanh số mua nợ của DATC đạt 492,148 tỷ đồng, đạt 60,8% so với kế hoạch năm 2014, tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2013; Tổng doanh thu 6 tháng đạt 535,333 tỷ đồng, đạt 52% kế hoạch năm 2014, tăng gần 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2013.

Không dừng lại ở đó, hiện DATC đã và đang triển khai mua bán nợ, xử lý tài chính, tái cơ cấu để hỗ trợ cổ phần hóa cho khoảng 20 tổng công ty là những DN 100% vốn nhà nước  thành công ty cổ phần, tích cực góp phần thực hiện lộ trình cổ phần hóa DN 100% vốn nhà nước của Chính phủ thành công.

Bám sát các nguyên tắc

Một trong những nguyên tắc căn bản là muốn tái cơ cấu DN thành công thì nợ xấu phải được xử lý dứt điểm. Nguyên tắc này luôn được DATC nắm chắc thực hiện trong suốt quá trình hoạt động của mình. Hoạt động mua bán nợ đang là một lối thoát cho các DN đang gặp phải nhiều khó khăn về tài chính trong sản xuất kinh doanh (SXKD). Giải quyết nợ xấu cũng tạo điều kiện cho các DN có thể tiếp cận các nguồn lực tài chính mới phục vụ cho việc tái cơ cấu hoạt động, thay đổi mô hình quản trị DN, từng bước cải thiện hiệu quả hoạt động SXKD. Sự tham gia của các nhà đầu tư mới cũng cho phép DN có thể tiếp cận các mô hình quản trị mới, thay đổi cách thức tổ chức sản xuất, cơ cấu sản phẩm, tạo cơ hội cho việc tham gia vào các thị trường mới...

Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện mua bán nợ, xử lý tài chính, tái cơ cấu DN, DATC cũng luôn tuân thủ quy trình chuẩn trong kiểm soát rủi ro, từ việc phải tự tìm hiểu thông tin về DN; đàm phán mua nợ từ các chủ nợ và đàm phán với chủ sở hữu DN để chuyển nợ thành vốn góp tại DN (đây là cách cơ cấu lại nguồn vốn và nợ của DN, làm giảm nhẹ gánh nặng trả nợ cho DN và cũng là khâu quan trọng nhất quyết định mức độ thành công của hoạt động tái cơ cấu); tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược tham gia góp vốn vào DN để tận dụng những kinh nghiệm quản trị, trình độ kỹ thuật, kênh phân phối, nhằm hỗ trợ DN sau tái cơ cấu; chuyển đổi mô hình DN thành công ty cổ phần; tái cơ cấu bộ máy quản lý điều hành và nguồn nhân lực của DN; tái cơ cấu hoạt động SXKD, cơ cấu thị trường tiêu thụ, vùng nguyên liệu; hỗ trợ hoạt động sau chuyển đổi như điều chỉnh kế hoạch trả nợ, xây dựng thể chế, xây dựng mục tiêu chiến lược để duy trì và phát triển hoạt động SXKD…

Để tiếp tục phát huy vai trò DATC

Những kết quả mang lại trong quá trình hoạt động của DATC đã được cộng đồng DN, các cơ quan quản lý nhà nước và dư luận đánh giá cao. Những bài học kinh nghiệm trong xử lý nợ xấu, tái cơ cấu DN của DATC có ý nghĩa quan trọng trong việc xử lý nợ xấu hiện nay. Tuy nhiên, để phát huy hơn nữa vai trò của DATC trong việc tham gia xử lý nợ xấu, tái cơ cấu DN và thúc đẩy thị trường mua bán nợ, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cần tiếp thêm sức cho DATC bằng cơ chế, chính sách mới.

“Nhà nước nên “tăng lực” cho DATC, cho phép Công ty này được mua nợ của các DN với quy mô lớn, sản xuất kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, có khả năng hồi phục nếu được xử lý nợ xấu”. Luật sư Vũ Xuân Tiền, Công ty Tư vấn Luật VFAM Việt Nam.

Điển hình như, các DN tích cực bán nợ xấu cho các tổ chức có kinh nghiệm, năng lực và chức năng tái cấu trúc DN như DATC. Ngân hàng Nhà nước cần ban hành chính sách và cơ chế cụ thể về quy trình ngân hàng thương mại nhà nước bán cho DATC các khoản nợ xấu của DNNN để xử lý trong quá trình sắp xếp, cơ cấu lại DNNN. Mặt khác, để khắc phục hạn chế về năng lực và kinh nghiệm của Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) trong lĩnh vực kinh doanh mới là mua bán nợ xấu gắn với tái cấu trúc DN, cần ban hành cơ chế phối hợp giữa VAMC với DATC.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng kiến nghị, Chính phủ nên cân nhắc thành lập “Quỹ xử lý nợ xấu thực hiện tái cơ cấu DN” và giao DATC vận hành với mục đích tối thiểu hóa chi phí xử lý nợ xấu và tái cơ cấu DN. Quỹ này không nhằm mục tiêu lợi nhuận mà nhằm để xử lý nợ xấu và tái cơ cấu các DN. Đồng thời, tăng lực cho DATC thông qua việc nâng nguồn lực tài chính và quy mô hoạt động trong việc xử lý nợ xấu và tài sản tồn đọng của các DNNN, cũng như những DN thuộc các thành phần kinh tế khác, trong đó ưu tiên tái cấu trúc gắn với xử lý nợ xấu ngân hàng.

                                                                                  

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính và Đầu tư số 10-2014