Khi doanh nghiệp từ bỏ "tăng trưởng nóng"

Theo TTVN

Không gồng mình với bản kế hoạch khổng lồ để rồi không thể hoàn thành, nhiều doanh nghiệp (DN) năm nay đã sẵn sàng từ bỏ mục tiêu tăng trưởng nóng, tập trung tái cấu trúc công ty.

 Khi doanh nghiệp từ bỏ "tăng trưởng nóng"
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Khoe cổ đông chuyện thoát bẫy tăng trưởng nóng

Tại mùa đại hội cổ đông (ĐHCĐ) năm nay, Hội đồng Quản trị (HĐQT) Công ty cổ phần Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (HQC) có cái để "khoe" cổ đông. Không phải khoe lãi khủng mà đơn giản: công ty đã tái cấu trúc kịp thời.

Theo đánh giá của HĐQT, năm 2012 là năm công ty từ bỏ mục tiêu tăng trưởng nóng, lợi nhuận cao trong ngắn hạn nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vẫn nhớ, hồi năm 2011 là năm đầu tiên công ty nhận thức được điểm yếu của việc đầu tư quá lớn vào công ty liên kết ở trạng thái đầu tư tài chính dài hạn khiến công ty hụt khả năng thanh toán ngắn hạn. "Sửa sai" bằng việc liên tục bán vốn ở các đơn vị thành viên, HQC đã dần dần cải thiện tình hình tài chính. Cuối quý I/2013, dòng đầu tư ngắn hạn đã đủ để trang trải cho dòng nợ ngắn hạn.

Theo HĐQT HQC, kết quả hoạt động năm 2012 đã chỉ ra rằng chủ trương từ bỏ mục tiêu tăng trưởng nóng là hoàn toàn đúng đắn. Do vậy, kế hoạch kinh doanh năm 2013 của công ty cũng tập trung vào các mục tiêu phát triển bền vững, tái cấu trúc công ty một cách toàn diện. Kế hoạch lợi nhuận dự kiến 10% vốn điều lệ, doanh thu ở mức 1.000 tỷ đồng, lợi nhuận 100 tỷ đồng và 10% cổ tức.

Sẽ nhiều công ty đặt mục tiêu an toàn, ổn định

Qua mấy năm sóng gió, những kế hoạch kinh doanh tăng trưởng khủng gần như không còn. Thậm chí, nhiều DN còn mạnh dạn xin cổ đông chấp thuận phương án kinh doanh lỗ để hoàn thành cuộc đại phẫu tái cấu trúc.

Báo cáo của lãnh đạo Vinaconex-VCG khá ngắn gọn. Ban điều hành Tổng Công ty xác định các mục tiêu trong năm 2013 của Tổng Công ty là: Tiếp tục tái cấu trúc toàn bộ Tổng Công ty -Ổn định tài chính –Chuẩn bị đầu tư- Phấn đấu đạt mức chi trả cổ tức tối thiểu 8%.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2013 là đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc các đơn vị thành viên, tinh giảm đầu mối quản lý, thoái vốn tại các đơn vị hoạt động trong các lĩnh vực mà Tổng Công ty không cần nắm giữ; tập trung thu hồi vốn đầu tư tại các DN để ổn định tình hình tài chính, đồng thời tạo nguồn vốn tái đầu tư, nâng cao năng lực hoạt động của Công ty Mẹ và đầu tư vào các dự án tiềm năng. Kế hoạch triển khai thoái vốn thành công tối thiểu tại 10 – 15 DN cũng được lãnh đạo Vinaconex trình ĐHCĐ.

Hoặc như Sacomreal-SCR, dù là một công ty bất động sản tầm cỡ nhưng trong năm 2013 Công ty đặt mục tiêu “củng cố, an toàn và ổn định”, trong đó tập trung củng cố  hoạt động, đặc biệt là về  tài chính. Tiếp tục hoàn thiện về  cấu trúc bộ  máy hoạt động của toàn hệ thống.

ITC cũng lên kế hoạch tiếp tục tái cơ cấu các dự án đầu tư, thoái vốn đầu tư tài chính, tập trung nguồn lực tài chính và liên doanh liên kết hợp tác đầu tư để triển khai đầu tư dự án trọng tâm, củng cố công tác quản trị...trong năm 2013. Đối với dự án Nguyễn Văn Trỗi, ITC sẽ tìm đối tác để chuyển nhượng dự án này, dù chấp nhận lỗ để tái cơ cấu tài chính.

LCG lên kế hoạch lợi nhuận sau thuế cho kịch bản tốt là 0 tỷ đồng, sẽ chuyển nhượng bất kỳ dự án nào...Để giảm áp lực vay LCG sẽ thoái bất kỳ dự án bất động sản nào có thể và thu hồi công nợ tại trường AIS 39 tỷ đồng,Thủy điện hơn 100 tỷ đồng. Dự kiến từ tháng 4/2013 LCG sẽ có đột phá trong phát triển.

Thị trường chứng khoán cũng chứng kiến không ít kế hoạch lỗ năm 2013 như DDM lên kế hoạch lỗ 40 tỷ đồng, PXA trình ĐHCĐ kế hoạch lỗ 45 tỷ đồng, VSG, BHC, VTA, SSG,

Không gồng mình với bản kế hoạch khổng lồ để rồi không thể hoàn thành và tạo tâm lý không tin tưởng ở cổ đông, áp lực lên vai lãnh đạo, nhiều DN năm nay đã sẵn sàng từ bỏ mục tiêu tăng trưởng nóng. Nhìn sát hơn vào tình hình thực tại để có kế hoạch hợp lý hơn.